KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Người viết thư cho De Castries ngay sau chiến thắng Him Lam

Trước ngày chiến thắng Him Lam, hoa ban đang nở trắng núi rừng Tây Bắc. Chúng tôi lên Điện Biên dự hoạt động hướng tới 70 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi và anh Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), hai người con gái của Chính ủy Mạc Ninh là Mạc Thu Hương và Mạc Thúy Hường. Cơ duyên may mắn để tôi biết và hiểu thêm về người đã viết thư cho De Castries ngay sau chiến thắng Him Lam.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Mạc Ninh (trái) cùng Tư lệnh Quân khu Tây Bắc Bằng Giang trong chiến dịch Biên giới 1950.
Đồng chí Mạc Ninh (trái) cùng Tư lệnh Quân khu Tây Bắc Bằng Giang trong chiến dịch Biên giới 1950.

1/Ông Mạc Ninh sinh năm 1920 trong một gia đình tiểu thương, ở phố Hàng Lọng, TP Hải Dương. Năm 1945 cả ba anh em ông là Mạc Khang, Mạc Ninh và Mạc Cường đều tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Hải Dương. Ông được kết nạp vào Đảng, nhập ngũ vào Vệ quốc đoàn, đã tham gia chiến dịch: Sông Thao, Biên giới, Hòa Bình, tới chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Chính ủy Trung đoàn 141 Đại đoàn 312.

Khi chuẩn bị chiến dịch, việc kéo pháo vào trận địa theo cách đánh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp rất khó khăn gian khổ và quyết liệt, đường kéo pháo xuống khỏi “vực sâu vườn chuối” thì đến ngay dốc “Bảy tời” (Bảy lần tời pháo mới qua được) là gay nhất, dốc vừa cao vừa đứng lại quanh co khúc khuỷu, phải có sự chỉ huy, tổ chức phối hợp thật chặt chẽ. Được Chính ủy Phạm Ngọc Mậu trực tiếp giao nhiệm vụ, Mạc Ninh xông ngay vào đội ngũ, phân công chỗ đứng cho từng dây kéo pháo, miệng động viên, tay áo xắn cao cùng anh em kéo pháo, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được bộ đội gọi bằng cái tên thân mật “Chính ủy Bảy tời”.

2/Mở màn chiến dịch ngày 13/3/1954, trận chiến đấu tiêu diệt Him Lam trận công kiên đầu tiên vào một trung tâm phòng ngự mạnh nhất của địch nằm trong tập đoàn cứ điểm, do một Tiểu đoàn thuộc bán Lữ đoàn Lê dương thứ 13 - một đơn vị thiện chiến của quân đội Pháp phòng giữ. Trận mở đầu Him Lam có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của chiến dịch. Trung đoàn 141 là đơn vị chủ công khi giao nhiệm vụ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nói vui là “Lĩnh ấn tiên phong”. Dự họp Đảng ủy Đại đoàn ở chỉ huy khu rừng phía Bắc Him Lam sau cái bắt tay tin tưởng cùng với căn dặn của Chính ủy Đại đoàn Trần Độ, Mạc Ninh về ngay đơn vị cùng Trung đoàn trưởng Quang Tuyến, Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Lương Thịnh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Lê Nam tổ chức học tập, rèn luyện để bộ đội chuyển biến nhận thức về cách đánh mới “Đánh chắc, tiến chắc”, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Là người học võ giỏi ông tranh thủ thời gian trực tiếp huấn luyện cho tổ quân báo của trung đoàn, cùng quân báo của đại đoàn trong trận phản phục kích, ta đã bắt được 4 tù binh, có Thiếu úy Giắcơ để khai thác bổ sung hoàn chỉnh phương án tác chiến. Ý chí quyết chiến, quyết thắng của đơn vị nâng lên rất cao từ chỉ huy Trung đoàn, các tiểu đoàn, đại đội và bộ đội cùng chung quyết tâm phải tiêu diệt gọn Him Lam, quyết mở cánh cửa thép hướng đông nam đánh vào trung tâm cứ điểm. Đại đoàn 312, Trung đoàn 141 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam trước thời gian quy định của Bộ Chỉ huy Mặt trận. Nhiều tấm gương anh dũng của bộ đội trong trận đánh: Tiểu đội phó Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để Tiểu đội trưởng xung kích Trần Can xông lên tiêu diệt địch cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên đồn địch. Bộ đội ta làm cầu phao tre nứa chìm dưới mặt nước vượt sông Nậm Rốm để xây dựng đường hào xuất phát xung phong. Tiểu đội thọc sâu của Nguyễn Hữu Oanh chỉ còn 5 người tỏa ra đánh thủ pháo tiêu diệt 5 lô-cốt cố thủ của địch. Những người lính mưu trí, dũng cảm trước khi xuất kích được tổ văn công xung kích của Tổng cục Chính trị, có cả nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Thanh Phúc đứng trên đường trục chiến hào biểu diễn, các ca khúc “Quốc ca”, “Quốc tế ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” như tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân làm nên chiến thắng.

3/23 giờ 30 phút, cứ điểm Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn trước 30 phút so với kế hoạch được Đại tướng Tổng Tư lệnh biểu dương khen ngợi. Được ủy nhiệm của Bộ Tư lệnh với vốn từ tiếng Pháp chuẩn chỉ Chính ủy Mạc Ninh đã viết ngay một bức thư gửi De Castries:

“Gửi De Castries, chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tạm thời chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Được lệnh của cấp trên, tôi báo cho các người biết: Đúng 8 giờ sáng ngày mai, các người được phép đưa một trung đội không vũ khí, có ô-tô hồng thập tự, người đi đầu mang cờ trắng đến Him Lam nhận những người bị thương về.

24 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954”.

Lá thư ngắn gọn của Chính ủy Mạc Ninh thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, cũng làm hoang mang cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ…

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Mạc Ninh được đảm nhiệm trọng trách là Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, Cục trưởng của Tổng cục Chính trị. Những lần đi dự lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình là những ngày vui của đất nước, của dân tộc, dự lễ xong về nhà nét mặt ông Mạc Ninh vẫn rất ưu tư, qua lời thăm hỏi dịu hiền của người vợ Nguyễn Thị Minh Huấn ông mới bộc trực: “Đứng trên lễ đài cùng các tướng lĩnh và cán bộ cấp cao ngắm nhìn các lực lượng duyệt binh hùng dũng tiến qua lễ đài, khối bộ binh xung kích dương súng chào với những hàng lưỡi lê sáng trắng, chúng tôi lại xúc động nhớ tới những người lính xung kích đã anh dũng hy sinh khi chưa được thấy chiến thắng ngày hôm nay”, rồi ông lặng lẽ đưa khăn chấm nước mắt.

Người viết thư cho De Castries ngay sau chiến thắng Him Lam ảnh 1

Anh Võ Hồng Nam, chị em Thu Hương, Thúy Hường và tác giả thăm Trường THCS Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng.

4/Chúng tôi dự lễ tri ân các cựu chiến binh và thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, thăm và tặng quà Trường THCS Võ Nguyên Giáp ở xã Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, thăm một số cơ quan đơn vị. Đến đâu mọi người đều rất thân thiết quý mến với anh Võ Hồng Nam như người nhà, người con của đất và người Điện Biên. Có phải vì anh Võ Hồng Nam đã quá quen thuộc với Điện Biên trong nhiều năm qua hay thấy anh, lòng người như ấm lại nhớ hình dáng thân yêu của vị Đại tướng. (Nhưng không phải ai cũng biết anh Võ Hồng Nam là con rể của Chính ủy Mạc Ninh trong chiến thắng Him Lam). Chị em Thu Hương và Thúy Hường nhiều lần đến Điện Biên và đến cứ điểm Him Lam thì những dòng nhật ký, những chuyện kể của người cha đã ngấm vào tim của từng người trong gia đình, rồi nghẹn ngào xúc động, thương nhớ xót xa, yêu thương gắn bó máu thịt, từ hiện vật chiến trường, bờ cây ngọn cỏ nơi người bố Mạc Ninh cùng các đồng chí, đồng đội đã gian khổ chiến đấu hy sinh để có chiến thắng Him Lam.