KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong chỉ đạo làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong bản anh hùng ca của lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là chiến thắng của tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do, của trí thông minh, sáng tạo, của lòng dũng cảm và sự nỗ lực phi thường, của tinh thần bất khuất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
0:00 / 0:00
0:00
Rước ảnh Bác Hồ qua lễ đài trong buổi tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: DUY LINH
Rước ảnh Bác Hồ qua lễ đài trong buổi tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: DUY LINH

Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm lại một số sự kiện thể hiện vai trò chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ:

1/Đầu tháng 10/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953-1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đã tham dự hội nghị. Kết thúc cuộc họp, Bác nói:

“Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 29).

Tại hội nghị và cả trong kế hoạch của Navarre đều chưa xuất hiện cụm từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng ta là tiến lên Tây Bắc để căng địch ra, bắt chúng phải bị động đối phó với ta, như vậy đã tạo tiền đề đầu tiên cho Điện Biên Phủ.

2/Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị:

“Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” (Chính phủ Việt Nam 1945-1998 (tư liệu)-TTXVN-Văn phòng Chính phủ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, trang 51). Điện Biên Phủ có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng và thật trùng hợp khi cả hai phía đều coi đây là điểm quyết chiến chiến lược và cùng chấp nhận cuộc chiến đấu. Ngày 20/1/1954, khi một viên tướng Pháp ngạo mạn tuyên bố: Thách Tướng Giáp giao chiến ở Điện Biên Phủ, thì Đại tướng đã không chấp nhận tấn công ngay, mà gấp rút chuẩn bị mọi mặt để tạo thành thế trận bao vây, bảo đảm chắc thắng mới đánh. Và ở tận Việt Bắc xa xôi, Bác Hồ cũng đã ung dung giải thích với một nhà báo nước ngoài về thế trận Điện Biên Phủ. Người lật ngược chiếc mũ cát đặt trên bàn, đưa ngón tay theo vành mũ mà nói: Đây là núi, chúng tôi đang ở đây. Còn phía dưới (Người đặt tay xuống đáy mũ) là thung lũng Điện Biên Phủ, quân Pháp ở đấy. Chúng không thể thoát ra khỏi đây được. Dứt khoát không thể thoát ra được.

3/Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc huy động sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Người biết việc tiếp tế, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch sẽ vô cùng khó khăn, vì vậy Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Người chỉ thị hoãn các cuộc họp chưa cấp bách để tập trung cán bộ cho việc huy động hậu cần phục vụ Điện Biên Phủ. Bản thân Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ đã tìm mọi biện pháp về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao… để chi viện cho chiến trường Điện Biên.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong chỉ đạo làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 1

Bộ Chính trị họp bàn mở chiến dịch Điện Biên Phủ (1953). Ảnh:TRIỆU ĐẠI

4/Từ khi bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch và đến khi chiến dịch kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 5 bức thư và điện cho cán bộ, chiến sĩ, dân công và thanh niên xung phong ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Những bức thư đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác, là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao, cổ vũ, động viên, khích lệ quân và dân ta vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp.

Trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ”, tháng 12/1953, Bác căn dặn các cán bộ, chiến sĩ, dân công và thanh niên xung phong, những người đã từng xẻ non, đắp suối, vượt qua sông, qua đèo… cần “phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr378) để chống lại đội quân tinh nhuệ, thiện chiến của kẻ thù. Một đội quân có đủ các binh chủng hải, lục, không quân cùng với các loại vũ khí tối tân, hiện đại như máy bay, xe tăng, đại bác và tàu chiến… Ngày 11/3/1954, (trước khi quân ta nổ súng tiến công Him Lam 2 ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr.433).

Bức điện ngày 15/3/1954 của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr.434).

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Bác Hồ viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc. Trong thư, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr466).

5/Sau này, trong những dịp kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết về Điện Biên Phủ, như: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”, “Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ: I - Nói láo trên trời dưới đất nghe; II - Nội bộ Pháp lủng củng; III - Pháp vỡ đầu, Mỹ càng méo mặt; IV - Trời đất Việt không dung giặc Pháp; V - Quan binh Pháp không thương thương binh Pháp; VI - Từ Biên giới đến Điện Biên Phủ”, hay: “Điện Biên Phủ”, “Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ”, về thế và lực, về tinh thần chiến đấu của quân ta và quân địch, những ảnh hưởng của Chiến thắng Điện Biên Phủ ở trong nước và trên thế giới, giúp cho bạn đọc dễ dàng hình dung ra tình hình chiến sự cũng như ý nghĩa to lớn và lâu dài của chiến thắng.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ (7/5/1964), trong cuốn sổ lưu niệm của Nhà Bảo tàng Điện Biên Phủ, Bác viết về ý nghĩa to lớn và sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp giải phóng đất nước và đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới:

“Trước đây 10 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx - Lenin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t14, tr.320).

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đọc lại những trang lịch sử hào hùng viết về Điện Biên Phủ, những cuốn hồi ký của những người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ cách đây gần ba phần tư thế kỷ, những bài nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xem lại những thước phim tư liệu còn lưu giữ được… của các tác giả trong và ngoài nước, chúng ta càng hiểu thêm sự vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng như khẳng định của Chủ tich Hồ Chí Minh: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t14, tr.315).

Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới.