Về lại Khánh Sơn

Khánh Sơn là huyện miền núi, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giặc thù khiếp đảm gọi vùng Tô Hạp, Khánh Sơn là “thung lũng tử thần”. Bởi, nơi đây là mồ ma vùi thây quân xâm lược. Bây giờ, Khánh Sơn đổi thay từng ngày. Người dân đã có của ăn của để. Thôn bản đã yên ấm, khang trang. Đây đó rộn ràng tiếng mã la mừng lúa mới...

Ama Mấu Xuân Điệp chơi đàn chapi bên người vợ của mình.
Ama Mấu Xuân Điệp chơi đàn chapi bên người vợ của mình.

Tháng tư. Nắng như đổ lửa. Suốt cả quãng đường đèo tỉnh lộ 9, hai bên đường, núi rừng Khánh Sơn khô khốc, quắt queo. Dòng Tô Hạp phơi mình trên bãi cát. Tô Hạp là một con sông lạ, không xuôi về đông ra biển cả, nó ngược chảy về phía tây. Từ Ba Cụm Nam, sông Tô Hạp quay về Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi đổ về Ninh Thuận. Dòng Tô Hạp được ví như nguồn sữa mẹ của Khánh Sơn, tưới tắm cho cây trái ngọt lành. Vậy mà... Năm nay, Khánh Sơn hạn nặng.

Tô Hạp vốn là tên gọi một loài cây, vừa là dược liệu, vừa là hương liệu, ngày xưa vua chúa rất ưa dùng. Chưa ai lý giải được vì sao dòng sông mang tên Tô Hạp, và cả một thị trấn bên bờ sông cũng mang tên Tô Hạp, nhưng, địa danh Tô Hạp, Khánh Sơn từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của giặc thù xâm lược. Những tên tuổi lẫy lừng như căn cứ Xóm Cỏ vùi chôn quân cướp nước; anh hùng Bo Bo Tới diệt máy bay địch bằng súng trường... đã thắp sáng những trang sử chống ngoại xâm oai hùng của mảnh đất này.

Về lại Khánh Sơn ảnh 1

Gian hàng sầu riêng tại lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ I, tháng 8-2019.

Là người con của đồng bào dân tộc Ra Glai, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn Mấu Thái Cư tự hào ôn nhắc những câu chuyện thời chống Mỹ, cứu nước. Địch thường xuyên mở những cuộc càn quét lớn lên căn cứ địa Khánh Sơn, hòng thực hiện mưu đồ dồn dân; lập ấp; tìm diệt cơ sở cách mạng của ta. Nhưng, hàng trăm trận càn quét tìm diệt của Mỹ - ngụy lên đây đều thất bại thảm hại. Lịch sử vùng đất này còn ghi dấu cuộc hành quân rầm rộ của địch mang mật danh “Thiềm đầu thủy” hồi đầu tháng 6-1963, với lực lượng gồm một trung đoàn chủ lực; ba tiểu đoàn các binh chủng công binh, pháo binh và thông tin với 1.600 quân; 23 máy bay lên thẳng; hai máy bay trinh sát; năm máy bay khu trục; một đại đội pháo 105 ly… Cạnh đó là sự yểm trợ của pháo hạng nặng từ các chiến hạm ở quân cảng Cam Ranh, và đích thân tướng ngụy Tôn Thất Đính đến tận nơi Xóm Cỏ thị sát chiến trường… Với tên, ná, hầm chông, bẫy đá... và lòng quả cảm vô biên, đồng bào, du kích Khánh Sơn đã đập tan “Thiềm đầu thủy”. Đại bại, giặc thù hãi hùng khi nghe hai tiếng Khánh Sơn. Và thảng thốt gọi nơi đây là “thung lũng tử thần”.

Cũng tại nơi này, tháng 8-1959, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, tạo bước chuyển biến mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa…

Lâu nay, tỉnh Khánh Hòa luôn dành cho miền núi một tình cảm, một trách nhiệm sâu nặng. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống tận các xã miền núi, sâu sát, kịp thời nắm bắt, chỉ đạo. Mỗi đồng chí trong Thường vụ được phân công trực tiếp phụ trách một vài xã khó khăn; mỗi năm có quyền chi đến 1 tỷ đồng từ ngân sách để giải quyết khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội các xã đó. Gần 150 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị quân đội… lặn lội về với dân, giúp dân miền núi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Mỗi học sinh đi học, từ cấp học mẫu giáo cho đến bậc đại học, đều được hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần... Nhờ đó, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần người dân ở đây được nâng lên đáng kể.

Lần này, trở lại Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Ra Glai ở thị trấn Tô Hạp. Trước đây, cả nhà anh Khá đi làm thuê mà không đủ gạo nấu. Rồi anh để ý cách thức chăm sóc cây sầu riêng và mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây. Vợ chồng gánh nước tưới. Vườn sầu riêng của anh phát triển rất tốt. Đến nay, anh Khá đã có hơn 1,5 ha đất trồng sầu riêng. Chỉ tính riêng vụ năm 2019, anh Khá thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí còn lãi hơn 800 triệu đồng. Anh bảo không mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà đang cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm. Quả thật, câu chuyện của anh Khá làm chúng tôi bất ngờ. Bởi tư duy tiến bộ của anh. Trước đây không lâu, gia đình anh vẫn còn lên rừng “phát, đốt, chọc, tỉa”; nay đã biết “làm cái khoa học”, tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất hồi tháng 8-2019, nhiều du khách vượt cả chặng đường dài hàng trăm cây số, qua nhiều đèo dốc để đến tận vườn thưởng thức sầu riêng chín cây Khánh Sơn. Chỉ trong mấy ngày diễn ra lễ hội, huyện Khánh Sơn đã bán hơn 40 tấn sầu riêng.

Đến nay, toàn huyện đã có gần 1.000 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng 5.200 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn” từ năm 2011. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, Khánh Sơn đang có hướng tổ chức cho các nhà làm vườn liên kết với nhau, thành lập Hội những người trồng sầu riêng Khánh Sơn nhằm xây dựng những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu; đồng thời, nghiên cứu hướng mở rộng xuất khẩu cho sản phẩm. Sầu riêng Khánh Sơn đang được ưa chuộng trên thị trường, và trở thành đặc sản của vùng đất này.

Bí thư Huyện ủy Mấu Thái Cư tỏ ra rất tâm đắc câu chuyện chuyển đổi nhận thức, tư duy trong cách làm ăn của bà con mình. Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh du cư, đồng bào Ra Glai ở Khánh Sơn đã biết trồng lúa nước, trồng cây ăn trái. Từ năm 2017 đến nay đã chuyển đổi được 1.232 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… Đến nay, toàn huyện có 1.555 ha cây hằng năm và 3.194 ha cây lâu năm, sản lượng các loại cây trồng chủ lực hằng năm đạt hơn 8.100 tấn... Điều đáng quý là sản xuất nông nghiệp đã khai thác được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mía tím, cà-phê… đã thay thế dần các loại cây trồng cũ; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,04%/năm.

Nhiều người gọi Khánh Sơn là Đà Lạt của Khánh Hòa. Với độ cao khoảng 800 mét so mực nước biển, Khánh Sơn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Trên đường đi, qua những đồi thông nhấp nhô, tôi cứ suy nghĩ mãi hai điều. Liệu Khánh Sơn có thể trồng được những loại hoa, rau quả cao cấp như ở Đà Lạt không? Và, với điều kiện tự nhiên đặc biệt của mình, Khánh Sơn có thể phát triển du lịch được không, theo hướng kết hợp du lịch núi ở đây với du lịch biển ở Cam Ranh, Nha Trang? Nếu sớm định hướng làm du lịch, ngay từ bây giờ, Khánh Sơn đã có nhiều việc phải làm, như quy hoạch phát triển theo định hướng làm du lịch; xây dựng chiến lược đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực…

Tôi về thăm ama (bố, ba) Mấu Xuân Điệp ở thôn Tà Nĩa, xã Sơn Trung. Rất vui, ama Điệp bảo: “Lâu quá mới thấy về. Ngồi chút đã, ama có ché tapai!”. Và lại được nghe ông chơi đàn chapi. Bóng tối thoáng chốc đã phủ dày. Tiếng đàn nghe yếu quá. Và buồn quá. Ama tuổi đã già. Mà chapi vẫn cứ cô đơn, chưa người tiếp nối. Men tapai dễ say. Tình chapi khó phai. Đêm Ra Glai, đêm chapi mông lung, huyền hoặc trong ánh lửa liêu trai giữa đại ngàn. Tôi nhìn cây đàn chapi của ama Ðiệp treo bơ vơ trên tường nhà mà lòng buồn quá. Rồi mai, khi ama trăm tuổi... Tôi hỏi anh em lãnh đạo huyện Khánh Sơn sao chúng ta không xây dựng hẳn một nghị quyết chuyên đề về bảo tồn để sớm có cơ chế, nhân lực, kinh phí thực hiện. Các anh bảo, còn khó khăn lắm, chưa làm được.

Tháng tư, thời điểm phải giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, Khánh Sơn vắng vẻ lạ thường. Không gian tịch lặng. Có tiếng con chim “bắt cô trói cột” cứ mải miết đâu đó bên vạt rừng, nghe xao xuyến lạ. Nói về hướng phát triển, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận cho biết, huyện đang kiến nghị cấp trên cho đầu tư xây dựng một số tuyến đường để phá thế độc đạo, tạo kết nối, giao thương như tuyến đường nối Khánh Sơn với huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; tuyến đường nối Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh... Lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận. Nếu làm được như vậy, huyện Khánh Sơn anh hùng sẽ có thêm một lợi thế mới trong phát triển.