Tình phù sa Ngã Bảy

Gió trầm và mưa nhẹ. Dịch bệnh hoành hành khiến chợ nổi trở nên thưa vắng. Thưa nên càng trầm. Cái trầm càng tạo cho cảm giác mênh mang. Sông cứ rộng ra, con mắt cũng phải dõi rất rộng, rất sâu để cảm nhận về cõi đất, cõi người.

Bỗng đâu vang vọng bài Ðàn sáo Hậu Giang: "Thương câu hát để ru bao đời/ Thương cây lúa lớn nhanh theo người/ Dầm mưa dãi nắng tưới xanh ruộng đồng...Vì nhau cắn đôi hạt gạo/ Nhường cho nhau chiếc áo mặc ngày xuân". Từng âm sắc, hình ảnh đồng lúa xanh, mùa sen hồng, những người con gái xinh đẹp lan ra trên sóng nhẹ, dội vào tâm hồn cũng đang mênh mang của tôi. Ai yêu miền Tây mà chẳng từng có những cảm giác man mác thương về những câu hát, đời thương hồ, những cảnh bình dị níu chân người, níu cả nỗi nhớ ấm đượm về mảnh đất nghĩa tình. Ai yêu miền sông nước mà chẳng biết đến chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp (thành phố Ngã Bảy - Hậu Giang). Khu chợ nổi trên sông đầy tính duy cảm, hào phóng và sự chân thành. Người dân rộng lượng chuyện bán mua, nụ cười và cả cách nói chuyện cũng chân chất đặc trưng.

Nhà tôi trước đây ở sát bờ sông, nhìn ra chợ nổi, thuở bé đã thấm thía cảnh chợ với ghe thuyền ngược xuôi, nghe những câu vọng cổ lúc bổng lúc trầm. Có những đứa trẻ độ tuổi tôi, đen nhẻm, ngồi trên sàn thuyền chăm chú quan sát, rồi cười toe toét hồn nhiên. Tôi không biết chuyện học hành của các bạn ấy thế nào, có được đầy đủ như tôi. Hay các bạn ấy cũng bỏ dở học hành, để rồi theo cha mẹ sống đời sông nước! Tôi lớn lên, nhà chuyển vào sâu hơn trong phố, làm việc trong bệnh viện, nhưng nhà ông bà ngoại vẫn ở đó, với sân vườn rộng, quanh năm xanh mát bóng dừa. Những bóng dừa tuổi thơ đầy kỷ niệm. Cuộc sống chảy trôi, rất nhiều điều đã thay đổi nhưng tình yêu của tôi dành cho chợ nổi quê mình vẫn vẹn nguyên, không thay đổi. Mà lạ lắm, tôi đi đó đây miền sông nước, chẳng thấy nghiện gì ngoài nghiện trăng quê mình. Trăng chợ nổi sáng vằng vặc, phủ đầy sông, trùm khắp không gian. Thuở bé tôi và các anh chị thường ngồi dưới sân nghe gió hát, nghe bà kể chuyện thương ông trong những mùa gạo chợ nước sông. Rồi những mùa chinh chiến, ông ngoại tiếp nối truyền thống cha ông, lên đường đánh giặc. Bà ngoại ở làng, đi dân quân, làm lụng nuôi con cái. Tôi hằn in trong tâm khảm một thời gian nan mà anh dũng của thế hệ ông bà. Ngày đó, trăng cũng đã sáng như bây giờ. Trăng rọi lên tàu dừa, hắt xuống nền sân, dưới nền sân là những bóng lá như lưỡi kiếm, thi thoảng lại khua khua. Cũng ở góc sân phía mấy lu nước, bà và dì An hằng ngày làm bánh xèo để cất cho mấy bà buôn nhỏ. Những thân dừa ngày đó chỉ còn lại chục cây lớn tuổi và nhiều cây được trồng cách đây sáu năm. Tôi vẫn thấy bóng lá dừa khua khua dưới nền sân những đêm trăng. Bà ngoại tôi không xuống ghe thuyền mua bán như ngày nào. Cần gì có người mang đến tận nơi. Nhưng ông bà đều không muốn xa nơi này. Ông ngoại bảo đây là đất đai các cụ để lại. Ở đây ông được gần những đồng đội cũ một thời gian khó có nhau. Là ông Nhất bị thương cụt một cánh tay, là ông Hảo đi tập tễnh nhưng có nụ cười thật hiền. Ông cũng bảo mình như nghìn vạn người dân nơi đây, đem cốt cách trượng phu ra để đối đãi với đời. Cốt cách ấy được thể hiện ngay lúc này, khi ông bà và láng giềng bỏ hết công việc, góp nguyên liệu và công sức làm chà bông, bánh trái gửi đi ủng hộ người dân vùng có dịch bệnh nặng…

Cuối chiều, tôi ngồi dưới tán dừa ngắm chợ nổi. Phía kia mấy chiếc thuyền lặng trên mênh mông nước. Những cây bẹo treo đồ trầm tư. Ai đó nói chợ nổi cũng như một cái bến đời lớn, người ta ghé qua mua bán, trao đổi rồi đi. Tan chợ, không gian bình lặng trở lại, như cuộc đời con người có lúc vui buồn, lúc trầm tư và sôi động. Trăng lên sớm và đẹp lạ thường. Bà ngoại đứng sau tôi tự lúc nào. Ngoại vuốt ve mái tóc tôi, dặn: mai cháu sẽ tiếp tục đi vào vùng chống dịch, cố gắng giữ bình an, mọi người trong gia đình và cả bến trăng chợ nổi luôn dõi theo cháu.

Tôi nắm chặt bàn tay ngoại, khẽ vâng. Bất giác, tôi cất lời hát: "Ðời vui nước trôi ngược dòng, tình phù sa tuy đục mà trong/ Trông con nước nó trôi lạnh lùng, vinh quang chín nhánh sông quê mình…".