Đi dưới mưa xuân - Nở hoa hạnh phúc!

Đã có nhiều nhà thơ viết về mưa xuân, nếu tính từ bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính với hình tượng đẹp và có độ lắng sâu: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay…", nhưng với nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh vừa kế thừa truyền thống của các nhà thơ lớp trước, vừa có cách tiếp cận mới và diễn đạt mới, nên đã tạo ra sự xao động trong lòng các cặp gái trai đang độ yêu nhau nồng thắm.  Bài thơ "ĐI DƯỚI MƯA XUÂN" là một thí dụ:
0:00 / 0:00
0:00
Đi dưới mưa xuân - Nở hoa hạnh phúc!

CÙNG em dưới mưa xuân

Hoa xoan trải tím đường

Bướm từng đàn khoe sắc

Triền hoa đua ngát hương

Lễ hội khách chen chân

Tóc em xanh như lúa

Đầu đọng mấy bông xoan

Hình em thêm kiều diễm

Chiều bỗng rải mưa phùn

Gót sen em dính đất

Anh thấy mình hạnh phúc

Được lau giày cho em!...

Tối nay chèo làng bên

Em băn khoăn trời lạnh

Ghé tai, anh thì thầm:

Ta tự cùng sưởi ấm!

Mưa bụi giăng khắp ngả

Em áo trắng kiêu sa

Anh com-lê thắm đỏ

Hai ta - hai bông hoa

Em khéo gợi ý thơ (1)

Họ Hàn từ thuở xưa:

Áo trắng nhìn không ra

Sương khói mờ nhân ảnh

Tình ai có đậm đà?!

Dù có tan giữa mưa

Vẫn yêu em bỏng cháy

Dù lốc xoáy trốc cây

Tình anh đầy mãi mãi!

Xuân qua rồi hạ tới

Lúa vàng rực cánh đồng

Ta cùng nhau thu hái

Lộc đất trời mùa xuân...

Xuân Giáp Thìn 2024

Bài "Ði dưới mưa xuân", không chỉ đúng với tiết xuân đang có, còn đúng cả với tâm trạng "tiết xuân" tình yêu đang độ nồng nàn của đôi tình nhân trẻ:

Cùng em dưới mưa xuân

Hoa xoan trải tím đường

Bướm từng đàn khoe sắc

Triền hoa đua ngát hương

Mưa xuân là chủ đề quen thuộc trong thơ ca trước nay. Cảnh mưa xuân có hoa xoan thì không nhiều nhưng lại thuộc thơ hay. Nguyễn Trãi là một trong những tác gia đầu tiên viết về hình tượng mưa xuân như thế. Trong bài "Mộ xuân tức sự" có câu: "Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai" (Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn/ Cả một sân hoa xoan nở dưới mưa phùn). Hình ảnh thơ cho thấy thời ấy tiết xuân dài hơn hôm nay. Mưa phùn có ở cả cuối xuân. Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi cổ điển nhưng vẫn đậm bản sắc, đậm hơn cả vẫn là mùa xuân thuần Việt: mưa phùn và hoa xoan. Thơ mới sau này có nhiều tác giả làm thơ về mùa xuân nhưng có Nguyễn Bính và Anh Thơ kế thừa Nguyễn Trãi: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" (Nguyễn Bính – "Mưa xuân"); "Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời" (Anh Thơ - "Chiều xuân"). Hoa xoan chân quê quen thuộc với mọi người dân Việt (xứ Bắc) chỉ nở vào mùa xuân. Theo truyền thuyết thì đến thời Vua Hùng, vì vợ vua tên Xuân nên kỵ húy mà đọc chữ "xuân" chệch âm thành "xoan", hát Xuân đọc là hát Xoan, cây xuân đọc là cây xoan… Mùa xuân miền bắc không thể thiếu mưa phùn nên dân gian gọi mưa phùn là mưa xuân. Hoa xoan gặp mưa phùn thì nở càng rộ, càng đẹp…

Đã lâu lắm đến nay mới gặp lại cảnh xuân này trong thơ Hồng Vinh nhưng với một tứ thơ khác, hoàn cảnh khác: "Cùng em dưới mưa xuân/ Hoa xoan trải tím đường/ Bướm từng đàn khoe sắc/ Triền hoa đua ngát hương". Rõ ràng rất hiện đại, hôm nay, mới mẻ với mùa xuân - tình yêu cùng hình ảnh, mầu sắc, hương vị tươi tắn, nồng nàn, thi vị.

Nhưng tình yêu ấy vẫn rất "chân quê", bởi được đặt trong không gian lễ hội, có hoa xoan, có lúa:

Lễ hội khách chen chân

Tóc em xanh như lúa

Đầu đọng mấy bông xoan

Hình em thêm kiều diễm

Và không thể thiếu mưa phùn vốn là một "đặc sản" của tiết xuân xứ Bắc:

Chiều bỗng rải mưa phùn

Gót sen em dính đất

Anh thấy mình hạnh phúc

Được lau giày cho em!...

Với tình yêu thì cái gì, điều gì cũng có thể làm "cớ" được, vì tình yêu là thế giới phóng khoáng, rộng rãi nhất nên có thể đón nhận đủ thứ, kể cả sự vô lý, nghịch cảnh. Chàng trai trong bức tranh xuân này đã "tận dụng" tốt nhất một cơ hội "trời cho": "Gót sen em dính đất/ Anh thấy mình hạnh phúc/ Được lau giày cho em!...". Hành động này chỉ có ở thời nay, nhưng cũng thật truyền thống khi cô gái đủ một chút điệu đà với lý do rất hợp cảnh: "Tối nay chèo làng bên/ Em băn khoăn trời lạnh". Nhưng cái "băn khoăn" ấy được "tình yêu" giải tỏa: "Ghé tai, anh thì thầm:/ Ta tự cùng sưởi ấm! ".

Ở cái thời văn hóa truyền thống đang bị sao lãng thì có cặp tình nhân với lối sống vẻ ngoài "galăng" hiện đại này lại tìm về, coi đó là nơi "sưởi ấm" thì thật đáng quý biết bao. Cặp tình nhân ấy họ "sưởi ấm" cho nhau và tiếng hát chèo luyến láy nồng nàn kia sẽ "sưởi ấm" cho họ!

Bài thơ đến đây có thể dừng lại. Nhưng nhà thơ vẫn cho người đọc được thưởng thức thêm cái không gian rất riêng, rất nên lưu lại này:

Mưa bụi giăng khắp ngả

Em áo trắng kiêu sa

Anh com-lê thắm đỏ

Hai ta - hai bông hoa

Em khéo gợi ý thơ

Họ Hàn từ thuở xưa:

Áo trắng nhìn không ra

Sương khói mờ nhân ảnh

Tình ai có đậm đà?!

Vì biết đâu, thời buổi khí hậu, thời tiết cực đoan sẽ làm biến mất cái khăn voan mưa phùn lãng mạn đang phủ bóng lên những cặp đôi? Nếu có điều ấy chắc sẽ ở thì tương lai xa, còn hiện tại, họ đang độ nồng nàn, nóng bỏng:

Dù có tan giữa mưa

Vẫn yêu em bỏng cháy

Dù lốc xoáy trốc cây

Tình anh đầy mãi mãi!

Thơ Hồng Vinh mạnh về thi pháp không gian. Anh có những nét vẽ đẹp, thoáng. Có bức vẽ như mở ra cả một chân trời hứa hẹn, tươi mới, lạc quan. Khổ thơ dưới là như vậy:

Xuân qua rồi hạ tới

Lúa vàng rực cánh đồng

Ta cùng nhau thu hái

Lộc đất trời mùa xuân...

Câu chữ dừng lại nhưng mở ra cả "đất trời mùa xuân" có hôm nay có ngày mai. Hỡi những cặp yêu nhau hãy cùng nhau "đi dưới mưa xuân" nhập vào đất trời, tìm về truyền thống, chắc chắn sẽ rất hạnh phúc.

Cảm ơn nhà thơ Hồng Vinh đã nói thay tấm lòng các bạn trẻ háo hức đón Xuân.

(1) Ý thơ của Hàn Mặc Tử.