Chuyện Làng, chuyện Tết

Tết này, tôi xa quê tròn nửa thế kỷ. Trong những tháng năm ấy, đời lính lênh đênh như con đò qua bao "ngũ đầu giang", "lục đầu giang" biết mấy thăng trầm thế sự. Bao nhiêu cái Tết ở những miền quê khác nhau, trên những dòng sông khác nhau, nhưng Tết chỉ thật sự là Tết khi ở quê mình - nơi có dòng sông Châu mát xanh, cánh buồm náo nức và câu dân ca dặt dìu trong sương chiều. Như quen như lạ là tấm áo choàng mỏng mảnh khi hoàng hôn rớt xuống ngọn tre làng. Và dòng sông lấp loáng, sóng sánh. Và se sắt gió luồn trong những giậu cúc tần vừa kịp tung lên những búi tơ hồng vàng sậm. Khi ấy, Tết của lũ trẻ chân đất, tóc râu ngô đã cận kề.
0:00 / 0:00
0:00
Những phong tục đẹp ngày Tết là "nguồn sữa", nguồn năng lượng tinh thần nuôi lớn bao lớp người. Ảnh: Thành Đạt
Những phong tục đẹp ngày Tết là "nguồn sữa", nguồn năng lượng tinh thần nuôi lớn bao lớp người. Ảnh: Thành Đạt

Năm đầu tiên trở thành anh lính binh nhì, tháng Chạp năm 1972, chúng tôi đóng quân ở Sơn Tây, cách Hà Nội không xa. Bấy giờ máy bay B52 của địch đang đánh Khâm Thiên, Thổ Quan, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai... Hà Nội. Cảm thấy như có trận động đất. Đất rung lắc, đất thở phì phò, đất ném lên trời muôn tiếng nổ ùng oàng, ùng ục. Không ai còn kịp nghĩ đến Tết. Những cái chết tức tưởi, vô cùng đau thương của người dân vô tội khiến người lính trẻ đau nhói trong lồng ngực. Trong bức thư gửi về cho mẹ ngày áp Tết chỉ có hai câu chuyện, Hà Nội của chúng ta đang kêu gọi trả thù và nỗi nhớ nhà căng mắt. Những con mắt nhìn xa xăm, không nhìn vào đâu cả, mà đang nhìn vào đáy sâu tâm hồn, nhìn vào ký ức xa xôi.

"Mày nhớ Tết quê thì nhớ cái gì nhất?". Thằng bạn quê dưới chân núi Đọi, nơi có làng trống Đọi Tam hỏi tôi. Tôi ngẩn người, nghĩ có khi cậu ta đang nhớ về những cái trống đại làng mình. Còn xứ đồng chiêm trũng "sống ngâm da, chết ngâm xương" quê tôi thì cái gì đáng nhớ nhất nhỉ? Có thể là tất cả những cái vu vơ, cánh buồm, ngọn gió, nắng chiều, lũy tre... mà tôi đã nhắc ở phần đầu bài viết. Nỗi nhớ về quê hương xứ sở, bắt đầu từ những cái khó gọi tên.

Đúng rồi, cái "như không" ấy, càng lớn lên, càng từng trải thì càng thấy nó như chạm khắc vào xương cốt mình vậy. Gặp ông bạn làm chức lớn trên tỉnh đã về hưu mấy năm nay, ông cũng cùng chung ý nghĩ ấy. Đương nhiên, với ông, những dấu mốc đi lên của quê hương, sự hồng hào thay cho xanh tái, sự ấm áp thay cho gió lạnh, con đường nhựa hai làn thay cho con đường sống trâu trơn trượt thuở nào... thì ông nhớ rành rẽ như hồi đi học cấp một nhớ bản cửu chương vậy. Nhưng đấy là cái nhớ của bộ óc, sự hoạt động tích cực của các neuron thần kinh. Còn cái nhớ trong hồn mới là thẳm sâu, da diết. Cái nhớ có khi khó nói thành lời, nó là bản nhạc không lời, là khoảng trống giữa hai câu thơ, là giọt nước mắt chảy vào trong, là giấc mơ khi tỉnh lại thì không còn nhớ gì, chỉ thấy hơi ấm, hơi ấm ổ rơm từ những ngày xa xưa truyền lại.

Bây giờ về làng tôi nhớ, nhớ tất cả những kỷ niệm của hơn nửa thế kỷ. Bạn cũ gặp nhau, ánh mắt kia đã nói hộ rồi. Hoài cổ. Ai đó nhắc. Nhưng hoài cổ không phải là thứ đáng chê trách. Điều cảnh báo là ở chỗ, ta nhớ về quá khứ để sống tốt hơn, đẹp hơn cho hôm nay và cho cả ngày mai, người hay chữ nghĩa thì nói là dự báo cho tương lai. Những phong tục đẹp ngày Tết, đường ăn nết ở của người quê chắt chiu thuần hậu là nguồn sữa, nguồn năng lượng tinh thần nuôi lớn bao lớp người. Bây giờ đọc lại truyện ngắn, tiểu thuyết Nam Cao viết về nông thôn những năm 40 thế kỷ trước thêm một lần cảm nhận sâu sắc hơn về người nông dân châu thổ sông Hồng. Xuyên thấm các trang văn là cảnh nghèo khó, là cái nết ăn ở của vợ chồng con cái, của người trong họ ngoài làng. Những lão Hạc, giáo Thứ, giáo San "sống mòn", giáo Hài "quên điều độ", nhà văn Điền nghèo kiết xác có bốn cái ghế mây treo cao, cho đến Chí Phèo, Thị Nở... đều lấp lánh phẩm hạnh của một người quê "đói bụng đầu gối phải bò", nhưng luôn khao khát trong sạch và lương thiện.

"Giàu thủ kho, no ba ngày Tết" là câu nói cửa miệng của các bà các cô thời trước. Nay thì chả còn ai nhắc tới chuyện kiến bò bụng nữa. Từ ăn no mặc lành, nay là ăn kiêng mặc mốt. Điện-đường-trường-trạm là tiêu chí phấn đấu của 30 năm trước rồi. Nay bà con ta sống ở nông thôn mới, rồi nông thôn mới kiểu mẫu. Nói tới điện là nói tới việc dùng điện cho sinh hoạt và cho làm lụng. Cố nhiên dùng điện thả ga như người giàu ở thành phố thì không dám. Nhưng dùng điện cho máy điều hòa, máy tính, bếp từ thì đã là chuyện bình thường. Chuyện nối mạng internet, 3G, 4G chả còn xa lạ. Còn đường sá thì như bàn cờ. Ai đi xa lâu ngày về quê, mở điện thoại thông minh, bật Google map lên là mũi tên thần kỳ chỉ tới tận ngõ. Đường nối làng với làng, với huyện bạn, tỉnh bạn. Đường to ra, ao bị lấp, sông hẹp lại. Làng quê bây giờ mang số điện thoại 837018- ấy là lời anh bạn nhà thơ xứ Nghệ về thăm quê, nói với tôi. 83 là mồng 8 tháng 3; 70 là bảy mươi tuổi trở lên; 18 là mười tám tuổi trở xuống. Thanh niên trai tráng, đàn ông ra thành phố đi học và đi làm. Thời vụ ngắn lại, nông nhàn dài ra, hai vai bớt nặng, nhưng gạo thì vẫn đủ ăn cho cả làng, cho 100 triệu con người, lại còn gạo ngon nhất thế giới xuất khẩu sang phương Đông, phương Tây. Thời công dân toàn cầu mà. Nông thôn bây giờ là thế. Mới là phải như thế. Nông nghiệp là sinh kế, nông thôn là cội nguồn, nông dân là trung tâm. Ông nông dân và ông trí thức mặc chung một áo, đi chung một cổng làng, "cổng làng nhỏ, ô-tô to/ ung dung lão đánh xe bò vuốt râu".

Trước Tết tôi về quê, gặp ông bạn cùng nhập ngũ ngoài 70 tuổi đã lên chức cụ. Trước ông ở xóm Bãi nay gọi là Phố Mới. Ghê chưa! Một dãy nhà liền san sát, mặt tiền 7 mét, chiều sâu 20 mét. Trước cửa nhà nào cũng treo đèn lồng đỏ, nom như phố Tàu. Ông nhắn vào Zalo: "Trưa nay mời cụ qua tôi uống rượu. Có món cầy hương. Con này ba cân, bị tai nạn giao thông, xe Limousine mang về từ Hà Giang. Cụ thích uống rượu Tây hay rượu ta". "Cứ rượu Vọc cụ nhé". OK. Thả tim! Rượu Vọc quê mình trong vắt, uống vào êm ru, lìm lịm đến đỉnh đầu. Trót quá chén, không mệt. Cánh trẻ bảo, chất lắm, uống cái tang này làm khỏe, ngủ khỏe, sản phẩm nhiều, không nợ thuế. Cánh đàn bà trẻ sồn sồn thì đấm lưng nhau thùm thụp: nộp thuế hộ cho hàng xóm (!).

Đấy là Phố Mới. Còn trong làng thì nhà hai tầng, ba tầng xen nhau. Lác đác có ngôi biệt thự mái đỏ, mái xanh nhưng tịnh không bóng người. Thấy bảo toàn dân đi làm ăn xa. Ông chủ ngôi nhà mái xanh là vua phế liệu. Ông này tuổi gà. Hai bên cổng có hai chú gà trống chín cựa vàng chóe. Cái khóa cổng to tổ bố như hòn gạch đã tróc sơn loang lổ. Sân rêu, khế chín rụng vẳng lên mùi chua chua rất đỗi xa xăm. Những ngôi nhà thế này bây giờ chả hiếm ở làng. Tết đến lại được quét tước, rửa ráy. Lại đào, mai, hoàng lan chạy từ ngõ vào. Lại ô-tô xịn dăm ba chiếc trước cổng. Mấy ông da trắng comple-mũ phớt, mấy bà ục ịch áo dài mầu lòng tôm, tay cầm một xấp bao lì xì đỏ chóe. Vui đáo để.

Vậy là Tết đến. Nghe vẳng tiếng reo vui trong thơ Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến "Ta ước gì được mãi như thế/Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!" (Cảnh Tết). Chuyện cũ, chuyện mới rổn rảng trong thời kinh tế số, thời toàn cầu hóa. Thời nay, thập niên thứ ba thế kỷ 21 rồi. Mới và khác thật nhiều. Mới từ chuyện làng, chuyện nước, chuyện nhân loại. Một mô hình quốc tế mới đang nổi lên. Một mô hình hiện đại hóa mới đang bắt đầu được thiết lập. Một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang đến. Một kế hoạch quản trị toàn cầu mới manh nha... Ta ở đâu trong trật tự thế giới mới ấy? Mấy nhà chính trị gia về làng nói toàn chuyện lớn. Chuyện rằng, năm 2023 ta có thêm hai Đối tác chiến lược toàn diện là hai người khổng lồ Mỹ và Nhật Bản. Thế và lực của ta bây giờ mạnh lắm. "Ngoại giao cây tre" hay thật! Nay mai ta làm chíp bán dẫn. Ta đầu tư chiều sâu cho công nghệ cao. Biết đâu đấy quê hương Hà Nam chúng mình trong một tương lai gần lại không trở thành một "thung lũng Silicon" nhỉ?

Ôi những mơ ước lãng mạn mà thực tế quá chừng! Chuyện Làng, chuyện Tết ngân nga, không dứt.