Phía sau cơn giông tố...

Sáng nay, trong cuộc điện thoại "tám" những chuyện dông dài cho qua ngày, bạn bất chợt hỏi: nay là thứ mấy nhỉ? Tôi đã ớ ra, nghĩ rất lâu xem đang là thứ mấy.

Thời khóa biểu của mỗi ngày bây giờ đều giống nhau, ta nhận ra mình đang ở thứ mấy dường như không còn quan trọng.

Cũng nhờ không quan trọng hôm nay là thứ mấy, mà tôi và bạn đã dành cho nhau cuộc gọi dài hơn, những câu chuyện với người thân qua điện thoại cũng đều hơn, nắm thông tin của nhau chặt chẽ hơn… điều mà trước đây ta thường rất hời hợt. Có cả cuộc gọi mà tôi với bạn đã hóa giải cho nhau những hiểu lầm vụn vặn nhưng cứ mãi để bụng trước đây. Nếu không có dịp buộc phải đứng lại này, liệu những hiềm khích không đáng có ấy có cơ hội xóa tan đi không? Liệu những cuộc điện thoại cho người thân có được dài ra mãi, hay sẽ nhanh chóng kết thúc bằng câu "con đang bận"; "con phải đi làm"…

Hôm thành phố đưa thêm những quy định chặt hơn để ngăn chặn dịch lây lan, không cho phép người dân ra đường sau 18 giờ, chiều, nhìn qua khung cửa, con phố Phan Xích Long vốn được mệnh danh là "không ngủ", bởi quán sá bán sáng đêm, đủ các món Việt, Hàn, Nhật… ấy như trầm mặc thêm dưới ánh đèn đường vàng vọt. Trong phút chốc, tôi tự hỏi, mình đang ở nơi nào đây? Sao mọi thứ trở nên lạ lẫm, phải chi đó chỉ là một cơn ác mộng mà khi tỉnh thức, ta trở về hiện tại trong an nhiên, trong đời sống thường nhật.

Khoảng sân trước công viên kia, ngày thường nhộn nhịp biết bao nhiêu, những chiếc xe ba bánh bán hàng rong chật kín, sáng rực, nhộn nhịp tiếng nói cười, nay lặng lẽ đến độ nghe được cả tiếng lá rơi. Nếu có thêm sự ồn ào nào khác, chỉ là tiếng còi xe cấp cứu. Tôi có đứa cháu thỉnh thoảng lại hỏi: "Hình như tiếng còi ấy khác với ngày chưa có dịch phải không dì? Sao cháu nghe nó gắt gỏng hơn, đè lên nhau, nối dài, như khứa vào tim gan mình". Ðã không ít người bị tiếng còi xe cấp cứu dồn dập ấy ám ảnh vào tận giấc ngủ…

Vậy nên ta còn được ở nhà, được ở cạnh người thân, được nhìn phố xá qua song cửa cũng là may mắn lắm rồi. Dẫu có tù túng, có bức bối, có những câu hỏi không lời giải đáp rằng ta phải sống như thế này nữa cho đến bao giờ… nhưng ta vẫn đang rất ổn. Còn biết bao nhiêu người ở tuyến đầu đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân mình để ngày đêm chống dịch. Và cả những bệnh nhân đang giành giật lấy hơi thở cho chính mình…

Hôm tôi nghe tin từ đồng nghiệp gọi video báo tin ba mất do Covid-19, giọng bạn nghẹn lại, rồi bạn lau nước mắt, bảo rằng mình đang ở trong cuộc chiến mà, mình không được gục ngã đâu, mình phải cố gắng vì còn có những người thân khác… Hôm sau, bạn tham gia tình nguyện ở phường. Trong bộ trang phục mầu xanh, tôi thấy bạn thật mạnh mẽ, dù nỗi đau còn hằn in.

Rồi những người thân quen của tôi cũng phải nếm trải cảm giác khủng khiếp của dịch bệnh. Thành - đứa em tôi, cao mét tám, nhờ chăm thể dục nên thân hình vạm vỡ, đầy sức sống, dính Covid-19. Em liên lạc về nhà, giọng đứt quãng, và cũng không nói nhiều được: "Nó kinh khủng lắm, không diễn tả được". Rồi em liên tục lặp lại rằng mọi người phải giữ sức khỏe, đừng ra ngoài ở thời điểm này để an toàn cho bản thân và người thân…

Sự lạc quan, tích cực xem như là liều thuốc bổ hữu ích, để mạnh mẽ cùng nhau vượt qua những ngày tháng bất thường này. Vậy nên mỗi ngày tôi cũng đều nhặt nhạnh, lưu lại cho mình những hình ảnh thật đẹp.

Hàng xóm tôi có một khoảng sân bên ngoài cửa sổ, trồng các loại rau thơm, hành, ớt, sả… trong thùng xốp, lúc nào cũng xanh tươi. Cô gái ấy, như thể trồng cho vui, cho thỏa mãn khát khao về một mảnh vườn của dân phố thị thôi chứ chẳng thấy hái ăn bao giờ.

Rồi những ngày giãn cách toàn thành phố, việc mua bán thực phẩm trở nên hạn chế hơn, nhất là những loại rau gia vị. Ði ngang nhà thấy cô gái treo lên tấm bảng: "Rau thơm miễn phí. Kính mời hàng xóm". Rồi thì có người sang hái trái ớt, xong treo gửi lại trái thanh long, trái chuối… Cứ thế, tình xóm giềng chợt ấm áp hẳn. Người cho và người nhận đều rưng rưng.

Bất cứ ai đó đi qua nhiều mùa nắng mưa cũng đều nhận ra, phía sau giông tố sẽ là miền yên tĩnh. Lạnh lẽo mấy rồi cũng sẽ qua đi, nhường chỗ cho mùa xuân ngập tràn nắng ấm đấy thôi! Hãy tin rằng, chỉ cần vượt qua cơn đại dịch lần này, chúng ta sẽ là những người hùng mạnh mẽ nhất. Mỗi người sẽ biết sống trong yêu thương, biết trân quý những giá trị đời thường một cách trọn vẹn nhất!.

Tản văn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG