Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021)

Dịch thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ ở Cộng hòa Séc

LTS - Nhà ngôn ngữ học, Việt Nam học người Séc - GS,TS I-vo Va-xi-li-ép (Ivo Vasiljev), là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Ông sinh ngày 29-5-1935 tại Praha, mất ngày 23-10-2016. Phát biểu tại lễ truy điệu ông ở Séc, Ðại sứ Việt Nam tại Séc, khi đó là đồng chí Trương Mạnh Sơn, nêu bật những đóng góp to lớn của GS,TS I-vo Va-xi-li-ép trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Những năm 1980 - 1990, TS I-vo Va-xi-li-ép đã cùng với một số dịch giả dịch những tập thơ Việt Nam hiện đại sang tiếng Séc, trong đó có tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1985, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản ODEON ở Thủ đô Praha đã in và phát hành tập thơ Nhật ký trong tù. Năm 1990, trong buổi gặp thân mật GS,TS I-vo Va-xi-li-ép đang ở thăm Việt Nam, tôi được biết thêm một số nét cụ thể về quá trình dịch và in tác phẩm nói trên của Bác Hồ ở Séc.

GS, TS I-vo Va-xi-li-ép rút trong cặp ra một cuốn sách khổ nhỏ hình vuông, mỗi chiều vừa đúng 75 mi-li-mét, bìa bọc da mầu đen bóng. Mặt bìa trước nổi bật lên ba chữ Hồ Chí Minh in thành ba dòng mầu phủ vàng, trên nền có gạch những chắn song sắt đan vào nhau, tượng trưng cho nhà tù. Gáy sách ghi rõ hai dòng chữ: Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù.

Giáo sư I-vo Va-xi-li-ép cho chúng tôi biết: Loại sách in khổ nhỏ, giấy tốt, trình bày trang trọng như vậy ở Séc chỉ dành riêng cho những tác giả lớn nổi tiếng. Và anh giới thiệu với chúng tôi quá trình dịch Nhật ký trong tù mà anh là một trong hai người dịch. I-vo Va-xi-li-ép nói:

Sau khi tôi học và đã có vốn tiếng Việt khá ở ngay Thủ đô Praha, tôi rất mong muốn giới thiệu những tác phẩm thơ Việt Nam cho bạn đọc Séc. Hồi ấy, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở Séc có rất ít tác phẩm văn thơ tiếng Việt. Qua những cuộc tiếp xúc với các cán bộ và sinh viên Việt Nam, tôi có được một số bài thơ của các tác giả Việt Nam hiện nay. Ðọc bài Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, tôi rất thích. Tôi quyết định dịch sang tiếng Séc. Tôi không phải là nhà thơ nên việc dịch thơ Việt Nam ra thơ Séc có rất nhiều khó khăn. Một dịp may mắn, tôi được quen biết với một nhà thơ trẻ người Séc là Vla-đi-mia Coóc-sắc (Vladimir Korcak), chúng tôi hợp tác với nhau dịch. Tôi dịch nghĩa và Vla-đi-mia Coóc-sắc chuyển thành thơ. Một lần dịch bài Quê hương của Giang Nam, đọc câu Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi không thể hiểu được cái hay của câu ấy. Ðược đồng chí Nguyễn Phan Cảnh, người dạy tiếng Việt ở Trường đại học Tổng hợp Pra-ha giải thích nguồn gốc của câu thơ tôi mới thật sự xúc cảm. Tôi cố gắng chuyển đạt ý nghĩa câu thơ ấy cho người đọc Séc bằng cách vận dụng những câu ca dao của Séc thích hợp nhất mà không làm chướng tai người đọc. Tôi chọn câu Bồ câu trong hang đá bay ra mà ở Séc ai cũng hiểu và xúc động.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, chúng tôi dần dịch được một số bài thơ của Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... mà chúng tôi có được phần lớn là nhờ các sinh viên Việt Nam chép tặng. Một hôm, tôi được Ðại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Tiến Thông cho biết dịch thơ Việt Nam thì nên cố gắng dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Lúc đầu tôi chưa dám dịch. Dần dần qua kinh nghiệm tích lũy được trong việc dịch thơ một số tác giả Việt Nam, tôi mới bắt đầu dịch Nhật ký trong tù. Lần đầu, chúng tôi lấy bản tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, in năm 1960 làm căn cứ. Tôi thấy các tác giả Việt Nam dịch đúng từ chữ Hán nhưng có những bài dịch chưa truyền đạt hết chất trào phúng và tinh thần khôi hài trong thơ Bác Hồ. Tôi nghĩ Nhật ký trong tù là tập thơ viết bằng chữ Hán cho nên tốt hơn hết là nên dịch từ bản gốc chữ Hán với lòng tin sẽ không đi xa nguyên tác. Ở Séc chúng tôi có những bản dịch Nhật ký trong tù bằng các tiếng Pháp, Anh, Nga. Những bản dịch này đã lược bỏ một số bài, trong đó có bài Chiết tự. Bài này, chỉ được dịch nghĩa mà không dịch thành thơ. Chúng tôi quyết định dịch tất cả, không bỏ bài nào, kể cả bài Chiết tự. Tôi không chịu “khuất phục” bài này. Phải nhận rằng bài này rất khó dịch thành thơ vì Bác Hồ chơi chữ rất đẹp, rất tài tình. Cả bốn câu đầu chơi chữ một cách triệt để, mà chữ nào cũng hết sức hay. Rõ ràng kỹ thuật làm thơ của tác giả rất điêu luyện, tài tình. Tác giả viết: “Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc”, có bản dịch nghĩa là: “Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước”, có bản dịch nghĩa là: “Người thoát khỏi tù ra dựng nước”. Dịch như vậy chưa lột tả được sự tế nhị trong cách chơi chữ của Bác Hồ, tôi nghĩ, chữ “khứ hoặc” ở đây ắt có nghĩa là từ bỏ cái “nghi nghi hoặc hoặc” cái thiếu quyết tâm. Tôi đề nghị với Coóc-sắc dịch theo ý “người ở tù ra và bỏ sự thiếu quyết tâm của mình, để nó lại trong tù, thì sẽ dựng nước”. Coóc-sắc đã cố gắng chuyển ý đó thành thơ Séc. Và chúng tôi quyết định in lại bài thơ ấy bằng nguyên văn chữ Hán.

Tôi nhờ đồng chí Nguyễn Phan Cảnh viết chữ Hán cho nhà xuất bản chụp lại. Nói đến đây, I-vo Va-li-xi-ép lật cho chúng tôi xem trang 140 bản dịch Nhật ký trong tù tiếng Tiệp, có in toàn văn bài Chiết tự bằng chữ Hán. Trang sau bài thơ đó là phần giải thích tỉ mỉ lối chơi chữ trong bài thơ như: Chữ tù bỏ chữ nhân thêm chữ hoặc vào thành chữ quốc, trong câu 1: Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc (Người thoát khỏi tù ra dựng nước), chữ hoạn gạt bớt phần đầu còn lại chữ trung trong câu 2: Hoạn quá đầu thì thủy kiến trung (Qua cơn hoạn nạn rõ lòng ngay) v.v...

Va-li-xi-ép cho biết: Tôi và Coóc-sắc càng dịch Nhật ký trong tù càng thấy tác giả đúng là một nhà thơ vĩ đại. Phải nói rằng hoàn cảnh Bác Hồ viết Nhật ký trong tù là hoàn cảnh của một người có dự định lớn lao chưa làm được mà chịu cảnh ngồi tù. Ðó là nguồn tình cảm bức xúc sâu sắc để Bác Hồ làm thơ và làm thơ rất hay. Trong Nhật ký trong tù, người lãnh tụ, nhà chính trị đã là nhà thơ mà là nhà thơ viết hết sức tình cảm với nghệ thuật sáng tác tài tình. Chúng tôi đã học được sức đấu tranh trong thơ Bác Hồ và cố gắng truyền cho người đọc Séc để họ cùng xúc động, như trong bài Tự khuyên mình.

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng,

Bài Học đánh cờ là một bài rất hay. Nhưng nếu không đọc Nguyễn Trãi, không có kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm thì không thể hiểu cái hay trong bài đó. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần các bài Cột cây số, Nghe gà gáy... Rõ ràng đó không phải là những suy nghĩ ngẫu nhiên của nhà thơ trong trường hợp nào đó mà là đạo đức của nhà cách mạng. Bác Hồ sống như thế và dạy ta sống thế. Cũng như tôi, Coóc-sắc rất khâm phục thiên tài thơ của Bác Hồ.

Trong quá trình dịch thuật, chúng tôi đã trao đổi, góp ý với nhau, thậm chí tranh cãi, phê bình nhau thật thẳng thắn. Chỗ nào tôi thấy Coóc-sắc chuyển thành thơ mà không sát nghĩa, tôi kiên quyết góp ý, bắt anh sửa lại. Có khi dịch một bài thơ, hai chúng tôi phải làm việc trong mấy ngày liền. Coóc-sắc còn trẻ, trước đây rất ít hiểu về các vấn đề chính trị, nhưng sau khi dịch Nhật ký trong tù, anh đã làm thơ chính trị rất giỏi và đã in được hai tập thơ rất được hoan nghênh.

Dịch Nhật ký trong tù, hai dịch giả I-vo Va-li-xi-ép và Coóc-sắc đã có những cố gắng lớn lao đóng góp vào hành trình gao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam - Séc.