Văn hóa và con người-vấn đề của thời đại

Văn hóa nay được cả thế giới quan tâm. Các nước có nền văn hóa truyền thống lâu đời không chỉ giữ gìn, mà còn phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nó trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời quảng bá hình ảnh của mình trong hội nhập và phát triển như một sức mạnh đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa. Người ta gọi nó là "sức mạnh mềm" và so sánh nó còn mạnh hơn cả "sức mạnh cứng".  Các nhà nghiên cứu thì coi văn hóa là nền tảng, là nguồn lực nội sinh để phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Văn hóa và con người-vấn đề của thời đại

Với Việt Nam, lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm đã minh chứng rõ vai trò to lớn của văn hóa. Trong đấu tranh giữ nước, việc Việt Nam chiến thắng các đế quốc mạnh hơn nhiều lần chỉ có thể giải thích bằng văn hóa, bằng truyền thống: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Không có gì quý hơn độc lập tự do!". Chính tác giả của "hàng rào điện tử" trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, ông Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara đã phải thừa nhận "thua ở Việt Nam vì Mỹ không hiểu văn hóa Việt Nam". Có lẽ không ở đâu trên thế giới có uyển ngữ "tiếng hát át tiếng bom"; và trên thực tế, "tiếng hát văn hóa" ấy đã vượt lên hàng triệu tấn bom đạn để làm nên chiến thắng.

Thực tế sinh động là thế! Quan điểm của Đảng ta xuyên suốt từ khởi đầu tiến trình cách mạng Việt Nam cũng rất rõ ràng: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội"; "Văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội"! Vậy vì sao lại có tình trạng "quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng với quan tâm đến chính trị và kinh tế", "đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế"?! Trên thực tế, trước tệ nạn xã hội gia tăng cả về số lượng và độ tàn nhẫn, nhiều người không chịu nổi đến mức phải thốt lên rằng: "Giá kinh tế như hôm nay, văn hóa như ngày xưa"! Nhìn tổng thể, vấn đề không hoàn toàn như thế, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hồi chuông cảnh tỉnh về văn hóa cần tiếp tục được gióng lên! Trong bối cảnh ấy, cuốn sách Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho xuất bản đúng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), có ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Ông Nguyễn Hồng Vinh được biết đến không chỉ nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Nhắc tới các chức danh này, theo thông lệ phải có chữ "nguyên", nghĩa là chuyện của ngày hôm qua! Hồng Vinh với tư cách là tác giả của nhiều tập thơ, nhiều cuốn sách đã xuất bản, sẽ xuất bản, là chuyện của hôm nay. Người đã xấp xỉ tuổi tám mươi, đã từng giữ những vị trí như thế, vẫn viết thường xuyên như nhịp thở cần có của con người trong cuộc sống khiến tôi thật sự ngưỡng mộ và khâm phục! Cuốn sách Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập cũng cho tôi một tinh thần như thế: ngưỡng mộ và khâm phục! Phải nói ngay rằng, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, nhưng với những vấn đề cuốn sách đề cập, có lẽ khó có nhà nghiên cứu nào nói rằng, đó không phải là những vấn đề của văn hóa Việt Nam hôm nay! Ý nghĩa lớn lao của cuốn sách chính là hơi thở của cuộc sống - thực tiễn Việt Nam đang giăng mắc bao buồn-vui thế sự! Tác giả đã bám hơi thở của cuộc sống ấy, thực tiễn xã hội ấy, yêu cầu của phát triển, hội nhập hôm nay để viết, để đặt vấn đề, để lập luận và lý giải. Sự thuyết phục của cuốn sách chính là ở đây. Với tầm nhìn bao quát, với trải nghiệm cuộc sống và sự đam mê đẫm mình trong thực tiễn, sự trăn trở khôn nguôi với cuộc sống con người, tác giả đề cập các vấn đề vừa ở tầm vĩ mô, nhưng cũng hết sức gần gũi ở tầm vi mô bằng những chi tiết cụ thể và sinh động. Văn hóa là con người! Con người sáng tạo ra văn hóa, nhưng chính văn hóa lại điều chỉnh mọi hành vi của con người, tạo ra cuộc sống của con người khu biệt với tất cả các động vật khác trên trái đất này! Tác giả không diễn đạt theo cách của các nhà nghiên cứu, rằng con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, rồi con người là khách thể chịu tác động của văn hóa…, nhưng đọc "Văn hóa còn thì dân tộc còn", "Văn hóa và con người trong thời hội nhập"… của Hồng Vinh, thì ai cũng có thể hiểu được vị trí quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa! Ai cũng có thể hiểu, muốn phát triển văn hóa phải có con người, phát triển văn hóa để phát triển con người. Thành công của người viết chính là làm cho người ta hiểu điều căn cốt ấy, chứ không phải là làm cho người ta không thể hiểu được bằng một mớ lý luận sáo mòn! Những hiện tượng khiếm khuyết, lệch chuẩn văn hóa được tác giả tiếp cận, luận giải với thái độ phê bình nghiêm khắc của một người chia sẻ, nhưng bằng tinh thần xây dựng và trăn trở đi tìm giải pháp, chứ không chỉ là "phê bình để phê bình"! Bởi thế, những giải pháp cũng bắt nguồn từ thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển. Nó có tính khả thi nếu nhận thức và hành động nghiêm túc.

Một cuốn sách có ý nghĩa với độ dày 560 trang, nếu đọc lướt qua, khó có thể hiểu hết chiều sâu giá trị của nó. Đọc lướt qua, có thể chỉ thấy nó như là sự "tập hợp" các bài báo mà tác giả đã đăng ở các báo và tạp chí. Nó không phải là công trình nghiên cứu có tính hệ thống, theo chương mục và hành văn khoa học. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, sẽ thấy nó không phải là sự tập hợp rời rạc các bài báo. Nó là sự tập hợp các vấn đề của cuộc sống đặt ra trong nhiều lĩnh vực, từ nhận thức đúng về sức mạnh to lớn của văn hóa, văn học, nghệ thuật; đến hành động cụ thể, phản ánh có lý giải khoa học về thực trạng hay-dở hiện nay bằng những chi tiết, số liệu có tính thuyết phục. Với những bài trong cuốn sách, tôi hoan nghênh cách tiếp cận vấn đề, cách phân tích có lý, có tình; trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm mang tính khả thi. Điều làm tôi hứng thú hơn là, qua những bài bút ký, phóng sự, ghi chép…, con người Việt Nam với những phẩm chất yêu nước, cần cù, dũng cảm, sáng tạo…, trên nhiều vùng đất của nước ta, đã và đang nuôi khát vọng dựng xây Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới, đã làm "mềm hóa" những bài chính luận cho cuốn sách. Đó là cách sáng tạo trong sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, mà đôi khi chỉ với "lý luận thuần khiết", người ta chưa hiểu, chưa thấm, lại càng không làm được trong thực tiễn, dù rất muốn làm! Theo tôi, đây là một trong những nhân tố quan trọng làm tăng thêm giá trị cuốn sách, gợi cho người đọc cần suy ngẫm tiếp những vấn đề ở tầm vĩ mô dù chỉ mới là sự chấm phá, gợi mở chung quanh công việc cần sự chung tay của toàn xã hội trong thực thi nhiệm vụ xây dựng đạo đức, nhân cách, lẽ sống của con người Việt Nam và bồi đắp tình người Việt Nam, trong thời đại đổi mới và hội nhập sâu rộng hôm nay.

Hà Nội, tháng 6/2023.