Tổng cộng 200 vận động viên của tám đoàn đến từ các tỉnh, thành phố và ngành trên cả nước đã tham gia thi đấu ở 15 nội dung của Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2024. Với ba thể loại (kiếm liễu, kiếm ba cạnh và kiếm chém), mỗi nội dung đều chứng kiến những trận so tài hấp dẫn của cả đội ngũ những tay kiếm trẻ lẫn những vận động viên hàng đầu. Kết thúc giải đấu, vị trí dẫn đầu thuộc về đoàn Hà Nội. Xếp ngay sau là đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và đoàn Hải Phòng đứng thứ ba.
Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài, giải đấu là cơ hội để các vận động viên cọ xát, giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó thúc đẩy hơn nữa phong trào tập luyện đấu kiếm. Đây cũng là sự kiện quan trọng trong hệ thống thi đấu quốc gia, với vai trò kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển chọn lực lượng vận động viên xuất sắc cho Đội tuyển đấu kiếm quốc gia, hướng tới SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan vào năm 2025.
Bên cạnh những thành công đạt được, vấn đề tồn tại của bộ môn đấu kiếm lâu nay có thể được thấy rõ qua số lượng các đoàn đăng ký tranh tài. Việc chỉ có chưa tới 10 đoàn tham dự ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển nguồn lực vận động viên cho đội tuyển quốc gia. Thách thức này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đấu kiếm Việt Nam trong những năm qua chưa thể đào tạo được lứa vận động viên kế thừa xuất sắc như kỳ vọng.
Thực tế, các nhà quản lý bộ môn đã tăng số bộ huy chương trong hệ thống các giải đấu kiếm quốc gia - từ 12 lên 15 bộ, nhằm kích thích các đoàn đầu tư nhiều hơn cho lực lượng vận động viên. Số lượng các tài năng trẻ đăng ký tham dự giải đã tăng hơn so các năm trước đây cũng cho thấy sức hấp dẫn của đấu kiếm ngày càng được cải thiện.
Việc số lượng các địa phương đầu tư cho đấu kiếm còn hạn chế có một phần nguyên nhân đến từ bài toán kinh phí. Đặc biệt, quá trình mua sắm trang thiết bị tập luyện, trong đó có kiếm tập và kiếm thi đấu, vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục cũng như cơ chế.
Tương tự câu chuyện sản xuất đạn phục vụ bộ môn bắn súng, kiếm là thiết bị thi đấu được kiểm soát chặt chẽ. Các doanh nghiệp muốn triển khai sản xuất cũng cần đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Liên đoàn Kiếm quốc tế.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng sản xuất, nhiều địa phương dù muốn đặt hàng kiếm tập luyện, thi đấu từ nước ngoài, cũng vẫn chưa thể mua được trang thiết bị như mong muốn. Các vận động viên trẻ đang phải tập luyện với kiếm cũ, không bảo đảm chất lượng hoặc phải tập chay do thiếu thiết bị. Đây là vấn đề đã được chỉ ra trong suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể cải thiện.
Ông Nguyễn Hồng Đăng nhận định: Dù bộ môn vẫn còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam, đấu kiếm chưa được nhân rộng vì bài toán nan giải về trang thiết bị tập luyện và thi đấu. Nếu chúng ta tháo gỡ được những vướng mắc về cơ chế đầu tư và cung cấp trang thiết bị, chắc chắn sẽ có nhiều địa phương phát triển môn thể thao này. Khi đào tạo được số lượng lớn vận động viên, các nhà chuyên môn mới có thêm cơ hội tuyển chọn và tìm kiếm những gương mặt tài năng để đầu tư trọng điểm.
Khó khăn là vậy, nhưng không phải ngẫu nhiên ở hai kỳ Olympic 2012 và 2016, đấu kiếm Việt Nam đã từng giành vé tham dự chính thức. Đấu kiếm là một trong số những bộ môn thể thao phù hợp thế mạnh con người, cũng như định hướng phát triển của thể thao nước ta.
Xét trên thành tích ở đấu trường khu vực, các tay kiếm Việt Nam luôn thi đấu ấn tượng và chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình. Gần nhất, bốn vận động viên kiếm liễu nước nhà đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước đối thủ nặng ký Singapore để giành huy chương vàng SEA Games 32.
Với những thành tích giành được, bộ môn đấu kiếm đã xác định lấy năm 2024 này là năm bản lề để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 33 và tiếp đó là Đại hội Thể thao châu Á. Thời gian tới, ban huấn luyện sẽ có những phân tích cụ thể để lựa chọn mục tiêu then chốt cũng như xây dựng lực lượng vận động viên tài năng nhất cho đội tuyển quốc gia.
Nhằm giải quyết khó khăn về trang thiết bị, đội tuyển đã lên kế hoạch đưa các vận động viên đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài. Thế nhưng, về lâu dài, đây không hẳn là giải pháp bền vững mà vẫn cần có cơ chế tháo gỡ để bảo đảm bổ sung đầy đủ số lượng và chất lượng thiết bị tập luyện.
Nhìn sang các nước trong khu vực, Singapore hay Thái Lan thường tổ chức từ một đến ba giải đấu mỗi tháng ở mọi cấp độ. Chính sự đầu tư mạnh mẽ này khiến các tay kiếm Việt Nam khó lòng giữ vững được vị thế vốn có. Muốn nâng cao trình độ vận động viên, cần phải tổ chức nhiều giải đấu hơn nữa nhằm tạo cơ hội cọ xát, đặc biệt với các tay kiếm trẻ.