Khi niềm vui lan tỏa theo từng bước chạy

Từ nhiều năm nay, các giải chạy đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu với người dân Việt Nam. Số lượng vận động viên tham dự các hoạt động thể thao ngoài trời ngày càng tăng không chỉ góp phần mở rộng phong trào chạy bộ mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các giải marathon quốc tế thu hút chân chạy từ nhiều nước và mang lại nguồn thu về tài chính cho địa phương tổ chức. Nguồn: Standard Chartered Hanoi Marathon - Heritage Race
Các giải marathon quốc tế thu hút chân chạy từ nhiều nước và mang lại nguồn thu về tài chính cho địa phương tổ chức. Nguồn: Standard Chartered Hanoi Marathon - Heritage Race

Đầu tháng 11, Giải chạy Standard Chartered Marathon - Di sản Hà Nội 2024 đã ghi dấu kỷ lục mới tại Việt Nam khi thu hút hơn 14 nghìn vận động viên tham gia trên số lượng đăng ký mua BIB là 18 nghìn người. Số lượng chân chạy tăng tới 150% so năm trước cho thấy sức hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội như một điểm đến đầy cuốn hút trong khu vực.

Chạy bộ vốn đã là hoạt động thể thao thu hút đa dạng đối tượng tham gia, vừa giúp nâng cao sức khỏe, vừa giảm stress, cải thiện tinh thần. Việc tham gia các giải marathon ngoài trời cũng giúp các chân chạy có cơ hội tận hưởng bầu không khí trong lành, giúp nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê khi được hòa cùng không khí sôi động với những trái tim “cùng nhịp đập”. Đây là lợi thế khác biệt so với chạy bộ trên máy tập.

Như phân tích của nhà sinh lý học người Mỹ Rondel King, các máy chạy được thiết kế với tác dụng hấp thu phản lực trên bề mặt, giúp quá trình tập luyện nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó, các bề mặt cứng như đường nhựa tạo ra nhiều phản lực, giúp kích hoạt đầy đủ các nhóm cơ và tăng cường sự cứng cáp của xương mỗi khi chạy.

“Do đó, nếu muốn tăng cường sức bền cho đôi chân và cơ thể trong điều kiện tự nhiên, mọi người nên cân nhắc đến việc luyện tập ngoài trời”, Rondel King gợi ý.

Khi đã nắm được những yêu cầu kỹ thuật của việc chạy bộ, các chân chạy cần phải nắm được thông tin về các cự ly, hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân, cũng như nỗ lực rèn luyện mỗi ngày. Quãng đường 5 và 10 km phù hợp với những người mới. Còn cự ly bán marathon (21 km) và full marathon (42 km) chỉ dành cho những chân chạy có nhiều kinh nghiệm, vận động viên bán chuyên hoặc chuyên nghiệp.

Muốn thử thách giới hạn bản thân ở những cự ly lớn, mỗi người cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm cả về thể lực lẫn kỹ thuật. Ngay cả vận động viên chuyên nghiệp như Hồng Lệ cũng từng đổ gục và bị chuột rút toàn thân ở vạch đích khi tham dự SEA Games 31. Bởi vậy, mỗi người cần hiểu rõ điểm yếu và giới hạn cơ thể để xác định bản thân có đủ sức tham gia cuộc đua hay không và nên dừng lại ở cự ly và thời điểm nào.

Thực tế này cũng đặt ra bài toán cho các nhà tổ chức giải chạy chuyên nghiệp, từ việc lên kế hoạch cho đường chạy, điểm tiếp nước cho tới sự phân bổ các trạm y tế để nhanh chóng hỗ trợ khi cần. Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên không chỉ giúp các vận động viên yên tâm đăng ký tham dự, mà còn chứng tỏ cam kết của ban tổ chức với sức khỏe và sự an toàn của mỗi người tham gia giải.

Khi niềm vui lan tỏa theo từng bước chạy ảnh 1

Du khách nước ngoài cổ vũ tinh thần các chân chạy giải Standard Chartered Hanoi Marathon - Heritage Race.

Theo thống kê của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, có tới 60 giải bán marathon, marathon và siêu marathon đã được tổ chức trên cả nước trong năm 2023. Cũng ở những cự ly này, hơn 20 giải đấu đã diễn ra chỉ trong ba tháng đầu năm nay.

Khi các giải chạy được tổ chức ngày càng nhiều và thu hút số lượng lớn vận động viên tham dự, các hoạt động kinh tế đi kèm cũng sẽ phát triển và mang đến nguồn thu cho các địa phương. Như báo cáo của Ban tổ chức Giải marathon quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2023, sự kiện này giúp nền kinh tế thành phố thu được khoảng 4,37 triệu USD (tương đương hơn 100 tỷ đồng). Hay như với giải VnExpress Marathon Nha Trang 2024, theo ước tính của tỉnh, đã có khoảng 450.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tham dự giải chạy. Trong đó, riêng khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt khoảng 115.000 lượt.

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích mà các giải chạy mang đến cho nền kinh tế, phong trào luyện tập thể thao và với sức khỏe của mỗi người dân. Cung đường chạy được thiết kế hợp lý không chỉ mang đến niềm vui cho các vận động viên, cổ động viên mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề tồn tại. Khi số lượng giải đấu trong nước gia tăng nhanh chóng, chất lượng tổ chức giải cũng cần phải được chú trọng tương xứng. Đặc biệt, việc tổ chức giải chạy tại các đô thị lớn còn cần đến những tính toán, phương án tổ chức phân luồng giao thông, không gian sự kiện đi kèm hài hòa không gian công cộng và đời sống đô thị.

Ngoài ra, cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của những thành phố trên thế giới như Paris (Pháp), New York (Mỹ), Berlin (Đức) hay Tokyo (Nhật Bản)… trong việc xây dựng những giải marathon mang tính biểu tượng mỗi năm. Việc Hà Nội được chọn là điểm đến thứ 10 của giải chạy quốc tế Standard Chartered Marathon cho thấy sức hấp dẫn của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Không chỉ mở ra cơ hội cho các chân chạy được trải nghiệm chất lượng giải mang tầm quốc tế, sự kiện này còn góp phần tạo động lực thúc đẩy các giải đấu khác nâng tầm, để cùng nhau đáp ứng tốt hơn nữa những tiêu chuẩn quốc tế của bộ môn thể thao mang tính kết nối mạnh mẽ này.

Mở rộng phong trào chạy bộ, thông qua đó thúc đẩy kinh tế-xã hội của các địa phương phát triển, cần có sự đầu tư thích đáng hơn nữa cho công tác quản lý như xác định ngưỡng giới hạn về số lượng giải đấu, tiêu chuẩn chất lượng tổ chức, đồng thời phải xây dựng các phương án hài hòa với đời sống sinh hoạt của người dân. Khi lợi ích của tất cả các bên được bảo đảm, các giải marathon mới tạo nên giá trị bền vững cho cộng đồng.