Trao “cần câu” giúp vận động viên khởi nghiệp

Với sự nghiệp thi đấu trung bình kéo dài khoảng 10 năm, không phải vận động viên nổi tiếng nào cũng dư dả về thu nhập và tiền thưởng để có thể ổn định cuộc sống sau thời điểm giải nghệ. Do đó, bài toán định hướng nghề nghiệp cho các tài năng thể thao vẫn luôn là vấn đề nan giải.
Câu lạc bộ thể dục dụng cụ Phước Hưng thu hút nhiều học viên tham dự.
Câu lạc bộ thể dục dụng cụ Phước Hưng thu hút nhiều học viên tham dự.

CUỐI tháng 9, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Hướng nghiệp cho vận động viên. Sự kiện thu hút hơn 400 vận động viên tham dự trực tiếp và nhiều đội tuyển tại các địa phương khác theo dõi theo hình thức trực tuyến.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã gợi mở góc nhìn mới mẻ về câu chuyện khám phá nguồn thu và cơ hội mới sau sự nghiệp thi đấu, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi vận động viên cũng như bài toán khởi nghiệp sau khi kết thúc thi đấu đỉnh cao. Những kỹ năng mềm giúp vận động viên chinh phục thị trường việc làm, kỹ năng trao đổi và làm việc với truyền thông hay hướng đi mới từ chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh cũng được chia sẻ tới các tài năng thể thao nước nhà.

Phó Cục trưởng Thể dục-Thể thao Lê Thị Hoàng Yến nhận định: Thể thao là một loại hình nghề nghiệp đặc thù. Các vận động viên cũng được coi là người lao động đặc biệt, có những phẩm chất, kỹ năng chỉ được hình thành qua quá trình dày công gian khổ rèn luyện.

Nếu xét về tuổi nghề, vận động viên được xếp vào một trong số những công việc có tuổi nghề ngắn nhất. Trung bình, sự nghiệp thi đấu của mỗi cá nhân chỉ kéo dài từ 10 đến 15 năm (tùy theo đặc thù từng môn). Ngoại trừ số ít bộ môn thiên về trí tuệ và sự khéo léo (như bắn súng, các môn cờ, golf, billiards & snooker...), phần lớn vận động viên kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao ở lứa tuổi 25-30, khi thể lực có dấu hiệu đi xuống.

Theo báo cáo của ngành Thể dục-Thể thao, chỉ có khoảng 15-20% số tuyển thủ quốc gia trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất với tấm bằng đại học chuyên ngành thể thao sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Công việc đào tạo đòi hỏi rất khắt khe. Không phải bất kỳ vận động viên giỏi nào cũng đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống vẫn còn rất nhiều hướng đi phù hợp khác.

Một trong những giải pháp quan trọng giúp tháo gỡ nút thắt về “đầu ra” cho vận động viên trước khi giã nghiệp chính là phải sớm tư vấn, định hướng và chuẩn bị hành trang cho các tài năng thể thao. Để có thể đáp ứng tiêu chuẩn của những công việc mới, các vận động viên cần phải dành thời gian suy nghĩ và xác định xem bản thân mình phù hợp với nghề gì để theo học và đặt mục tiêu phấn đấu.

Theo số liệu của Ủy ban Olympic Quốc tế, khoảng 63% số vận động viên trên thế giới gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm công việc mới sau khi giải nghệ. Mặc dù 76% số vận động viên nghỉ hưu tin rằng họ có những kỹ năng chuyển đổi phù hợp cho kinh doanh, nhưng chỉ hơn 52% số người đang điều hành doanh nghiệp riêng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội, những ngôi sao có tư duy khởi nghiệp, biết xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu cá nhân từ khi còn thi đấu đỉnh cao sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những lĩnh vực kinh doanh phù hợp. Chân chạy Nguyễn Thị Oanh khởi đầu hoàn hảo bằng việc kinh doanh giày thể thao bán thời gian. Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng mở chuỗi phòng tập gym. Quả bóng vàng Huỳnh Như mở cửa hàng bán đặc sản dừa sáp Trà Vinh...

TẠI nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, các trung tâm thể thao quốc gia nằm trong khuôn viên trường đại học. Điều này đồng nghĩa các vận động viên có khả năng theo đuổi lĩnh vực mà mình yêu thích, đồng thời có thể duy trì việc tập luyện tại chỗ. Để khỏa lấp thiếu hụt đó, ngành Thể dục-Thể thao thời gian qua đã tích cực tìm kiếm các đơn vị giáo dục cấp học bổng đào tạo cử nhân, thạc sĩ đặc biệt cho những cá nhân thể thao có thành tích xuất sắc, như Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học FPT, Trường đại học Đại Nam…

Bên cạnh đó, Cục Thể dục-Thể thao cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhằm thúc đẩy đam mê và hỗ trợ mong muốn khởi nghiệp cho các vận động viên, ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các tuyển thủ quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch-khách sạn. Cục cũng phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024, chú trọng hướng tới đối tượng vận động viên nữ đã giải nghệ.

Đây là những chương trình đào tạo, hướng nghề và tạo cơ hội việc làm mang tính đột phá, được xây dựng và phát triển dành riêng cho các tài năng thể thao. Những cơ hội việc làm, nền tảng kiến thức và kỹ năng thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và kinh doanh thể thao sẽ góp phần vun đắp hành trang tương lai cho các vận động viên, trao cho họ chiếc “cần câu” hữu dụng để vững bước vào đời.