Yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển

Trong những năm gần đây, vấn đề tìm kiếm, phát hiện và đào tạo tài năng trẻ vẫn luôn là một trong những thách thức lớn trong quá trình phát triển bền vững, của thể thao nói chung và đặc biệt là bộ môn bóng rổ.
Các cầu thủ trẻ Hanoi Buffaloes được tạo điều kiện thi đấu cọ xát tại VBA.
Các cầu thủ trẻ Hanoi Buffaloes được tạo điều kiện thi đấu cọ xát tại VBA.

Phát triển từ giai đoạn học đường

Hiện tại, phong trào bóng rổ học đường Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Lực lượng học sinh, sinh viên yêu thích trái bóng cam gia tăng đáng kể. Bộ môn đã dần trở nên phổ biến trong các trường học và nhận được sự quan tâm ủng hộ đồng thời của các thầy cô giáo lẫn các bậc phụ huynh.

Nhiều giải bóng rổ dành cho học sinh, sinh viên trên cả nước đã được tổ chức, như: Giải thể thao học sinh toàn quốc môn bóng rổ Trung học cơ sở, Giải bóng rổ sinh viên toàn quốc cùng vô số các giải đấu tại các tỉnh, thành phố... Tất cả đã mang lại bầu không khí sôi động, thúc đẩy tình yêu, niềm đam mê tập luyện bóng rổ, đồng thời góp thêm nguồn cầu thủ phong trào chất lượng, phục vụ cho quá trình tuyển chọn của các câu lạc bộ.

Dẫu vậy, theo đánh giá của ông Trần Chu Sa - CEO Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), phong trào bóng rổ học đường vẫn còn khá cục bộ và chưa đồng đều trên toàn quốc. Nhiều địa phương, trường học đã có những chương trình phát triển rất năng động, nhưng chưa có sự đồng bộ và quan tâm đúng mức từ tất cả các bên liên quan (gồm nhà trường, cơ quan quản lý, chính quyền, và các tổ chức thể thao). Việc thiếu sự đầu tư đồng bộ và chiến lược dài hạn làm cho bóng rổ học đường chưa thật sự tạo được động lực mạnh mẽ để trở thành nền tảng vững chắc cho bóng rổ đỉnh cao.

Thách thức để phát triển bền vững

Như chia sẻ của Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên, phong trào bóng rổ phát triển và nhân rộng là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, Liên đoàn cũng mong muốn các nhà tổ chức phối hợp với nhau xây dựng những giải đấu có chất lượng chuyên môn cao thay vì chú trọng số lượng. Điều này làm giảm nguy cơ chồng chéo lịch thi đấu, giúp vận động viên dễ dàng lựa chọn tham dự hơn. Hơn thế, chúng ta cần tính toán thời gian tổ chức phù hợp để các em học sinh phát huy hết khả năng, như giai đoạn sau Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ hè…

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của bộ môn bóng rổ, trước mắt, các nhà quản lý cần đi tìm tiếng nói chung, dẫu tồn tại sự khác biệt về cách tiếp cận và định hướng phát triển bộ môn. Chúng ta cần xây dựng tinh thần đoàn kết và tìm kiếm những giải pháp thích hợp để biến sự đa dạng thành động lực phát triển chung cho cả cộng đồng.

Hiện tại, việc phát triển đội ngũ chuyên môn và đặc biệt là quá trình tìm kiếm, đào tạo và phát triển lực lượng kế thừa vẫn chưa thể bắt kịp đà tăng trưởng. Làm thế nào để tạo môi trường phát triển lành mạnh? Bao giờ các cầu thủ mới có được nguồn thu nhập hấp dẫn để ổn định cuộc sống, từ đó tạo động lực giúp họ gắn bó lâu dài với bộ môn? Đó đều là những thách thức cần sớm tìm lời giải trong quá trình phát triển.

Thúc đẩy từng cá nhân trưởng thành

"Phát triển và đào tạo cầu thủ trẻ tài năng là một trong những yếu tố cốt lõi trong chiến lược dài hạn của VBA. Chúng tôi nhận thức rằng, để bóng rổ Việt Nam có thể cạnh tranh trên sân chơi quốc tế, cần phải có một lực lượng cầu thủ trẻ mạnh mẽ, được đào tạo bài bản và có điều kiện phát triển tốt nhất", ông Trần Chu Sa khẳng định.

Những năm qua, VBA và các câu lạc bộ Việt Nam ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, từ khâu phát hiện tài năng trẻ tới khả năng cung cấp cho họ môi trường tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Đó không chỉ là những bài tập chú trọng vào yếu tố kỹ thuật mà còn chú trọng phát triển toàn diện cho các cầu thủ trẻ, bao gồm tác phong chuyên nghiệp, tư duy chiến thuật, thể lực, và cả yếu tố tinh thần.

Đặc biệt, các đơn vị đào tạo trực thuộc các câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc trò chuyện và lắng nghe trực tiếp từ các cầu thủ trẻ. Các buổi trao đổi này giúp những người làm thể thao hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của từng cá nhân, từ điều kiện tập luyện, sự hỗ trợ từ đội bóng, cho đến cơ hội thi đấu ở môi trường quốc tế. Điều này giúp điều chỉnh và cải thiện chương trình đào tạo để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cầu thủ.

Các cầu thủ trẻ không chỉ cần cơ hội thi đấu, mà còn mong muốn có sự hướng dẫn chuyên nghiệp, được hỗ trợ phát triển tâm lý và gợi mở phương pháp xây dựng hình ảnh để họ có thể tự tin phô diễn tài năng. Do đó, VBA và các đội bóng cũng cần phải tập trung xây dựng các chương trình cố vấn, giúp họ học hỏi từ các vận động viên và huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, cả trong nước và quốc tế.

back to top