Bước lùi hay sự can đảm?

Dù nhận phải nhiều sự chỉ trích, cả Hoàng Đức và Văn Lâm đều sẵn sàng gạt bỏ “cái tôi” ngôi sao ở thời điểm hiện tại để chiến đấu cho tương lai lâu dài. Bóng đá, suy cho cùng, vẫn là công việc kiếm tiền như nhiều ngành nghề khác, chứ không phải chỉ là bộ môn nghệ thuật mà nhiều người tôn sùng.
0:00 / 0:00
0:00
Hoàng Đức ghi bàn thắng duy nhất cho Đội tuyển Việt Nam trước Ấn Độ.
Hoàng Đức ghi bàn thắng duy nhất cho Đội tuyển Việt Nam trước Ấn Độ.

Quyết định không dễ dàng

Theo nghiên cứu của Approved Business Finance năm 2024, trung bình độ tuổi giải nghệ của cầu thủ thi đấu tại Ngoại hạng Anh (giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh) là 35 tuổi. Khoảng 40% số cầu thủ thi đấu tại đây phá sản sau khi nghỉ hưu, và nhiều người đối mặt khó khăn về tài chính ngay sau khi kết thúc sự nghiệp.

Rõ ràng, cầu thủ không phải nghề nghiệp dài lâu và bền vững. Độ tuổi nghỉ hưu trung bình cho nam giới tại Anh là 65 tuổi, trong khi cầu thủ thường giải nghệ từ năm 35 tuổi. Và không nhiều người có thể chuẩn bị tốt cho cuộc sống của mình sau khi dừng ra sân.

Bóng đá hiện tại được xem như một ngành công nghiệp “tỷ đô”. Do đó, nỗ lực mang về nguồn thu nhập nhiều nhất có thể nên được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực. Bởi, càng tích lũy được nhiều, cầu thủ càng có cơ hội bảo đảm cho tương lai bền vững hơn, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình.

Chính vì lẽ đó, với những cầu thủ như Hoàng Đức hay Văn Lâm, tìm đến một đội bóng trả lương cao hơn cũng là một lựa chọn cá nhân để thi đấu vì tương lai.

“Mức lương mà tôi đang nhận được là thành quả mà công việc của tôi mang lại và khi tôi kiếm được ngần ấy tiền, đó đơn giản vì tôi xứng đáng có được nó”, Oscar tâm sự vào ngày anh cập bến giải bóng đá quốc gia Trung Quốc năm 2016.

Hoàng Đức hay Văn Lâm cũng xứng đáng nhận được thu nhập lên tới gần 30 tỷ đồng mỗi mùa sau nhiều năm nỗ lực ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia. Không phải ngẫu nhiên họ có giá trị cao và được mời chào với con số như vậy.

Trước khi cống hiến cho tuyển quốc gia, cho bóng đá, họ đã và vẫn đang cống hiến cho chính bản thân mình. Việc lựa chọn tới thi đấu cho đội bóng chơi ở hạng thấp hơn với mức lương cao hơn, thực tế, cũng vẫn là lựa chọn trung thành với mục đích ban đầu của họ.

Ai xứng đáng bị chỉ trích?

Những người dám đứng lên bảo vệ quyền lợi và tương lai của bản thân là những người can đảm. Hoàng Đức, Văn Lâm hay Oscar đều có điểm chung: biết mình đang đứng ở đâu và biết điều gì quan trọng cho cuộc sống mình, cả trong hiện tại và tương lai.

Một bộ phận giới mộ điệu chỉ trích tuyển thủ thiếu tham vọng khi chuyển xuống thi đấu ở một đội bóng hạng thấp với mức lương cao hơn. Nhưng ai sẽ chăm lo cho gia đình của những cầu thủ khi sự nghiệp xuống dốc hay khi chấn thương buộc họ phải rời xa sân cỏ bất thình lình?

Tham vọng cao không đồng nghĩa với việc phải mạo hiểm tất cả, đặc biệt khi đối mặt với sự bất định của bóng đá - nơi thời gian giã nghiệp thường kéo dài hơn rất nhiều so những tháng năm đỉnh cao. Và, nếu có ai xứng đáng bị chỉ trích, tuyệt đối, không phải là Hoàng Đức.

Xã hội văn minh được xây dựng dựa trên sự phân chia vai trò rõ ràng. Cầu thủ như Hoàng Đức hay ngay cả Cristiano Ronaldo, dù có tài năng đến đâu, cũng không thể thay đổi cơ chế của nền bóng đá. Việc trả lương, định hướng tầm nhìn hay phân chia cơ cấu trong đội bóng thuộc về trách nhiệm của những người quản lý.

Tại sao bóng đá Việt Nam lại có một câu lạc bộ hạng nhất đủ mạnh để đột ngột xuất hiện và chiêu mộ thành công cầu thủ giành Quả bóng Vàng với số tiền khoảng 28 tỷ đồng? Mục tiêu của Ninh Bình sẽ là vô địch Giải hạng nhất, thăng hạng và lập tức đua tranh ngôi vô địch V-League?

Lần gần nhất chuyện cổ tích diễn ra tại top 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu là khi Kaiserslautern vô địch Bundesliga mùa giải 1997-1998 ngay khi vừa mới lên hạng. Thế nhưng, kỳ tích tương tự lại xuất hiện tới ba lần ở Việt Nam, với các chức vô địch của Hoàng Anh Gia Lai năm 2003, Quảng Nam năm 2017 và Công an Hà Nội năm 2021.

Những người chịu trách nhiệm trả lời cho câu hỏi ngược đời này, không phải Hoàng Đức. Tiền vệ này chỉ làm việc cơ bản của người lao động là đặt bút ký vào một bản hợp đồng mới hậu hĩnh hơn.

Mang về nguồn thu nhập chính đáng để nuôi sống và bảo vệ gia đình là ước muốn cơ bản nhất mà bất kỳ ai cũng có quyền theo đuổi. Xã hội cần phải lên án khi cầu thủ tiếp tay cho những hành vi kiếm tiền bất chính (như cá độ hay dàn xếp tỷ số...), nhưng cũng nên có cái nhìn rộng lượng hơn với những nỗ lực kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi chính đáng, bởi điều đó không làm mất đi giá trị hay bản lĩnh của một cầu thủ.