Canh bạc đầy rủi ro

Công Phượng chia tay Yokohama FC (Nhật Bản) để trở về Việt Nam đồng nghĩa chúng ta không còn chân sút nào chơi bóng tại nước ngoài. Singapore, Myanmar, Lào và Timor Leste đều có hai cá nhân thi đấu xa nhà. Trong khi đó, số cầu thủ xuất ngoại của Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia lần lượt là 22, 21, 12 và năm người.
Sau Công Phượng, bóng đá Việt Nam giờ không còn cầu thủ nào xuất ngoại.
Sau Công Phượng, bóng đá Việt Nam giờ không còn cầu thủ nào xuất ngoại.

Theo thống kê của Soccerway, Việt Nam, Brunei và Campuchia là ba quốc gia trong khu vực không có cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Ngay khi thông tin Công Phượng về nước xuất hiện, nhiều người hâm mộ đã nhận xét các chân sút nội nói riêng hay nền bóng đá nước nhà nói chung “thiếu quyết tâm”.

Thực tế, thu nhập hằng tháng của các cầu thủ hàng đầu V-League xấp xỉ 60-100 triệu đồng. Cộng thêm tiền lót tay khoảng ba đến năm tỷ đồng một mùa, số tiền này không thua kém mức lương trung bình của các chân sút K-League (295,5 triệu won, tương đương 5,4 tỷ đồng) hay các đồng nghiệp tại J-League (khoảng 32 triệu yên, gần 5,2 tỷ đồng). Không dễ để các cầu thủ dũng cảm từ bỏ những lợi thế ấy.

Bên cạnh vấn đề lương thưởng, quyết định rời khỏi nền bóng đá quen thuộc để bắt đầu lại và cạnh tranh suất đá chính luôn là thử thách khó khăn nhất. Tiếp đến, các cầu thủ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cho suất ngoại binh trước những đối thủ đến từ châu Phi, Nam Mỹ hay châu Âu, vốn sở hữu lợi thế về thể hình và thể lực vượt trội. Đó là chưa kể rào cản về ngôn ngữ - nguyên nhân chính ảnh hưởng tới khả năng hòa nhập cuộc sống của mỗi người.

Ở giai đoạn hoàng kim, chưa có cầu thủ Việt Nam nào được trọng dụng khi thi đấu tại nước ngoài. Quang Hải bị lãng quên ở Pau FC. Văn Hậu không thể tìm được chỗ đứng tại SC Heerenveen. Văn Lâm thất sủng tại Cerezo Osaka. Xuân Trường không thể trụ lại trên đất Thái Lan. Văn Toàn mờ nhạt tại giải hạng 2 Hàn Quốc. Dù vô cùng nỗ lực, Công Phượng cũng không thể thành công sau khi thi đấu ở ba đội bóng khác nhau.

Trước khi sang Pháp, Quang Hải là ngôi sao không thể thay thế trong đội hình Đội tuyển Việt Nam. Chia tay Pau FC, cầu thủ 27 tuổi đến giờ vẫn phải nỗ lực chiến đấu để cạnh tranh suất đá chính. Không ai dám chắc liệu anh có thể tìm lại ánh hào quang của chính mình.

Với bóng đá Việt Nam, cầu thủ muốn nâng cao trình độ không nhất thiết phải xuất ngoại bằng mọi giá để rồi mòn mỏi ngắm nhìn đồng đội thi đấu trên sân. Chúng ta cần phải nâng tầm chính hệ thống các giải vô địch quốc gia, trong đó có V-League.

Khi chất lượng các giải quốc nội ngày càng được cải thiện, trình độ cầu thủ cũng tự khắc được thúc đẩy. Khi ấy, con đường xuất ngoại và chinh phục thành tựu sẽ không còn xa vời.