Vá "lỗ hổng" trong quản lý xe khách

Những năm qua, việc quản lý hoạt động của xe khách còn nhiều bất cập, dẫn đến chủ kinh doanh, tài xế "nhờn luật", ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Đâu là giải pháp chấn chỉnh, giúp việc vận hành xe khách an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân?
0:00 / 0:00
0:00
Một vụ tai nạn xảy ra tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Một vụ tai nạn xảy ra tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Nhiều bất cập trong quy định

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chín tháng năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ quý IV/2023, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra một dẫn chứng liên quan nhà xe Thành Bưởi: Từ đầu năm đến nay, nhà xe Thành Bưởi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu tới 246 lần, trong khi chỉ có gần 300 xe (chiếm hơn 80%), thế nhưng doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường. Tài xế nhà xe Thành Bưởi cũng gây ra vụ tai nạn thảm khốc ngày 30/9/2023, tại huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), khiến năm người tử vong, bốn người bị thương.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, như vậy việc thiếu quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu đang khiến doanh nghiệp không sợ. Nếu quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng. Như thế sẽ có tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của chủ phương tiện, là lời cảnh báo, răn đe để họ có trách nhiệm hơn.

Liên quan đến lĩnh vực xử lý, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Đường bộ Việt Nam, thông tin, chín tháng năm nay, thông qua hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý gần 470 nghìn phương tiện vi phạm; trong đó thu hồi phù hiệu, biển hiệu của hơn 25 nghìn phương tiện.

Ông Cường cũng chỉ ra, do Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô không quy định cụ thể thời gian thu hồi phù hiệu, trong khi trước đó, Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 quy định thu hồi phù hiệu từ một đến hai tháng mới xem xét cấp lại. Tại Điều 23, Nghị định 86/2014/NĐ-CP còn quy định với những trường hợp bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu hơn 20% thì thu hồi giấy phép kinh doanh từ một đến ba tháng. Thế nhưng, sau quá trình sửa đổi văn bản, các quy định này không thấy xuất hiện.

Cũng lo ngại về lỗ hổng trong quy định quản lý, đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải ô-tô sau khi ngừng tuyến, giải thể còn không nộp lại phù hiệu, hoặc bị thu hồi do vi phạm, nhưng đã đi "xin" xác nhận mất, để từ đó xin cấp lại phù hiệu, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Siết kiểm soát, tăng chế tài

Nhằm khắc phục những bất cập, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP liên quan hoạt động vận tải bằng ô-tô. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất đưa quy định giao Sở Giao thông vận tải các địa phương ở hai đầu tuyến đi và đến thống nhất xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh.

Đây là đề xuất nhằm tăng tính chủ động cho địa phương và thuận lợi cho đơn vị kinh doanh vận tải. Khi doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi điểm đi/đến, địa phương xem xét và có thể trực tiếp điều chỉnh, bổ sung, thay vì phải báo cáo Bộ bằng văn bản như hiện nay.

Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nêu ý kiến: Bộ Giao thông vận tải nên nghiên cứu kỹ, bởi hoạt động xe khách có nhiều khía cạnh, phức tạp, mỗi địa phương có cách quản lý riêng. "Cơ quan chức năng nên họp với doanh nghiệp, tìm ra phương án tối ưu nhất. Tránh để doanh nghiệp phải chạy lòng vòng xin xỏ. Còn nếu sai ở đâu thì xử lý nghiêm ở đó", ông Liên nhấn mạnh.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải cũng quy định rõ hơn về hình thức xử lý thu hồi phù hiệu. Cụ thể, trong 15 ngày từ ngày thông báo, đơn vị vận tải phải nộp lại phù hiệu; thời hạn thu hồi phù hiệu xe kinh doanh là 30 ngày hoặc 60 ngày, sau đó đơn vị phải làm thủ tục cấp lại. Đơn vị vận tải không nộp lại phù hiệu bị thu hồi sẽ không cấp mới, cấp lại phù hiệu khi hết hiệu lực, cho tới khi chấp hành quy định trên.

Thêm nữa, xe khách tuyến cố định nếu khai thác dưới 70% số chuyến đã đăng ký trong tháng sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến. Trong khi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị đình chỉ khai thác tuyến khi không hoạt động vận tải trên tuyến trong 60 ngày liên tục.

Quy định là thế, nhưng theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, cùng với việc ban hành các quy định, lực lượng chức năng phải làm nghiêm, xử lý nghiêm ở các tuyến đường, nhất là các "điểm đen" về tai nạn giao thông, hạn chế tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu… Ông Tạo nhấn mạnh: "Đó là mấu chốt của vấn đề, chứ có chế tài xử phạt cao, nhưng không làm triệt để thì cũng không có hiệu quả cao".

Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách đã diễn ra nhiều năm, rõ ràng, có sự buông lỏng trong quản lý, xử lý vi phạm gây nên những nguy cơ đe dọa đến an toàn, tính mạng của người dân, hành khách. Luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), nêu ý kiến, các chế tài xử phạt cũng cần tính đến yếu tố hình sự. Bởi biết sai mà vẫn làm, thậm chí sai phạm nhiều lần thì phải tăng mức phạt, bảo đảm tính phòng ngừa, răn đe.