Điều chỉnh mang lại nhiều lợi ích

Thông tin hơn 2.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai tự nguyện đăng ký tham gia khám bệnh ngoài giờ, từ 17 giờ đến 21 giờ (trong các ngày thứ 2 đến thứ 6), bắt đầu từ ngày 1/8/2024 là tin vui với nhiều người bệnh.
Nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MAI THANH
Nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MAI THANH

Đặc biệt là về chi phí khám chữa bệnh, bệnh viện này thông báo đã gửi công văn lên Bộ Y tế đề xuất có thể khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ. Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế hoặc có giấy chuyển tuyến có thể sẽ được hưởng bảo hiểm y tế.

Các phòng khám được bố trí tại nhà K1, rất thuận tiện cho việc di chuyển của người dân đến khám. Theo đó, bệnh viện bố trí đầy đủ phòng khám chuyên khoa tương tự trong giờ hành chính, như nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, hô hấp, thần kinh, thận tiết niệu, tim mạch, truyền nhiễm, huyết học… Nhờ lịch khám chữa bệnh được điều chỉnh này, việc chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sẽ ưu tiên cho bệnh nhân ngoại trú buổi sáng; buổi chiều và tối dành cho bệnh nhân nội trú. Điều này giúp bệnh nhân ngoại tỉnh tiết kiệm chi phí, không phải "ăn chực nằm chờ" đợi kết quả như trước đây.

Tuy nhiên, điều tôi còn băn khoăn là, liệu khám bệnh vào buổi tối có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch... hay không? Hiện nay tuy có một số xét nghiệm máu không cần nhịn ăn như xét nghiệm nhóm máu; xét nghiệm viêm gan A, B, C...; xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; xét nghiệm tầm soát ung thư... dù vậy, xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm được khuyến cáo nhịn ăn trước khi thực hiện.

Được biết, ngoài Bệnh viện Bạch Mai, trước đó các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K đã triển khai khám chữa bệnh ngoài giờ. Việc khám bệnh ngoài giờ vừa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, vừa giúp cán bộ, nhân viên y tế tăng thu nhập chính đáng bằng chính tay nghề của mình. Tuy vậy, theo tôi, đây mới chỉ là biện pháp chống quá tải y tế tuyến trên tạm thời, như "chữa bệnh phần ngọn". Về lâu dài, phải tăng được số giường bệnh, số cơ sở y tế chất lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tuyến dưới, để người bệnh yên tâm lựa chọn, mới thật sự giải quyết được tận gốc vấn đề giảm tải cho y tế tuyến trên.