Ứng phó với hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên

Tình trạng hạn hán đang diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân Tây Nguyên. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động tìm ra một số giải pháp để ứng phó.

Người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Thục Vy
Người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Thục Vy

Cạn kiệt nước sản xuất và sinh hoạt

Được xây dựng để cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 35 ha cây trồng của bà con hai làng Đáp và Mra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và một phần diện tích rau màu của người dân huyện Đác Pơ, vậy nhưng hơn nửa tháng nay, công trình đập thủy lợi Gu Ga (xã Kông Lơng Khơng) đã cạn trơ đáy. Canh tác ngay sát chân đập thủy lợi nhưng hơn một sào lúa nước của anh Nương (làng Đáp, xã Kông Lơng Khơng) cũng không thoát khỏi cơn đại hạn. Nhà anh Nương có tám miệng ăn, trong đó có bố mẹ già và con nhỏ. Nhiều năm nay, nhà anh thuộc diện hộ nghèo và được hưởng trợ cấp của nhà nước. “Năm nay nhà mình đói rồi” - anh Nương đưa ánh mắt khô khốc nhìn xuống ruộng lúa phần đã chết khô, phần vàng sạm vì thiếu nước… Theo bà Trịnh Thị Thành - Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, tính đến thời điểm hiện tại, xã Kông Lơng Khơng đã có nhiều diện tích lúa bị mất trắng. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho bà con khoanh vùng, tập trung ưu tiên cứu những ruộng lúa có khả năng cứu được, tránh dàn trải nguồn nước quý giá. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là phần lớn diện tích lúa của bà con trên địa bàn đều đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, nguồn nước có vai trò rất quan trọng quyết định đến năng suất của lúa.

Ông Nguyễn Hải Long (ngụ huyện Đác Mil, tỉnh Đác Nông) cho biết: Tôi vào đây sống gần 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy hạn hán khốc liệt thế này. Gia đình có gần 2 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh, mặc dù suốt cả tháng qua đã tốn hơn 25 triệu đồng chở nước tưới, khoan giếng nhưng vẫn không cứu được. Toàn bộ diện tích cà-phê đã bắt đầu rụng lá, khô cành.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15-3, tổng diện tích cây trồng bị hạn trên địa bàn tỉnh là 11.532 ha. Trong đó, diện tích cây lúa bị thiệt hại là 2.838,7 ha; diện tích cây rau màu, bắp thiệt hại 187 ha; diện tích mì 612 ha; mía 2.314 ha; diện tích cà-phê bị khô hạn và thiếu nước tưới 3.987 ha; hồ tiêu hơn 1.379 ha… Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ đông xuân 2015-2016 gần 100 tỷ đồng.

Còn theo ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là các huyện phía bắc tỉnh. Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi lớn nào nên các hồ đập nhỏ đã cạn kiệt nước. Theo UBND tỉnh Đác Lắc, mặc dù chưa đến thời kỳ cao điểm của hạn hán nhưng hiện trên địa bàn đã có khoảng 9.300 ha cây trồng bị hạn. Dự kiến trong thời gian tới toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đác Lắc đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 160 tỷ đồng để phục vụ công tác chống hạn.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên có gần 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đe dọa nghiêm trọng đời sống của người dân. Ông Hồ Thanh Tùng (buôn Cư M’ta, xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đác Lắc) cho biết: Trong buôn có khoảng 70 hộ dân nhưng chỉ có ba hộ có nước sinh hoạt, còn lại bắt đầu từ tháng 12-2015 người dân đã phải đi xa hàng ki-lô-mét để lấy nước về sinh hoạt. Theo ông Tùng, trước đây nhà nước có đầu tư xây dựng một công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian thì hư hỏng, bỏ hoang. “Cây cối đã chết hết rồi, giờ người dân chúng tôi mong muốn được đầu tư xây dựng một công trình cấp nước. Nước đục, nước bùn gì cũng được, miễn là có nước” - ông Tùng nói.

Tìm giải pháp lâu dài

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và khốc liệt, các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn. Trong đó, tập trung ưu tiên bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm nguồn nước.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, nhận định: Nguồn nước Tây Nguyên chủ yếu để phục vụ tưới cho cây cà- phê, hồ tiêu nhưng hiện nay chúng ta đang quá lãng phí nó. Việc áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm thực tế đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện rất ít hộ dân sử dụng vì chi phí đầu tư cao nên cần có chính sách hỗ trợ người dân.

Ông Trần Anh Sơn (ngụ thôn 9, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc) là một trong những người tiên phong trong việc đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước ngầm nhỏ giọt cho cây cà-phê. Theo ông Sơn, với tình trạng khô hạn kéo dài như hiện nay không thể có nước để tưới cà-phê theo các cách truyền thống nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước ngầm nhỏ giọt. Hiện nay trong vùng đã có ba người lắp đặt và 15 hộ đăng ký sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt do I-xra-en sản xuất. “Là thành viên của Hợp tác xã công bằng cà-phê Ea Kiết nên được hỗ trợ 50% số vốn. Vậy nhưng rất ít người lắp đặt vì chi phí vẫn còn cao, trong khi phải bảo quản tránh mất cắp” - ông Trần Anh Sơn cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, hiện nay chi phí đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm do trong nước sản xuất khoảng 20 triệu đồng/ha cà-phê, hồ tiêu. Đối với hệ thống tưới ngầm nhỏ giọt của I-xra-en thì chi phí đầu tư rất lớn, khoảng hơn 70 triệu đồng/ha. Với chi phí này nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì người dân rất khó thực hiện.

Còn theo GS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội, trước tình hình hạn hán khốc liệt, đơn vị đã kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng các giải pháp “sống khôn ngoan với hạn” cho vùng Tây Nguyên. GS Nhạ nhận định: Với địa hình, địa chất của Tây Nguyên rất khó để giữ nước mưa và nước ngầm, dễ xảy ra hạn hán. Trước hết, phải có một đánh giá nhận định cụ thể về thực trạng nguồn nước của vùng từ đó xây dựng phương án điều chỉnh cây trồng, vật nuôi phù hợp; áp dụng các biện pháp sử dụng nước hiệu quả...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng:

Thời gian vừa qua đã có rất nhiều giải pháp để chống hạn và xâm nhập mặn, trong đó Bộ NN&PTNT đã kiến nghị rất nhiều các giải pháp về lịch thời vụ, các nhóm giải pháp kỹ thuật về lịch thời vụ, các hướng chuyển đổi cây trồng, tất cả đều có từ rất sớm. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về phòng, chống hạn hán với các giải pháp kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nắm sát tình hình, nhận định đúng các diễn biến, dự báo được các kịch bản trong thời gian tới và đề xuất các giải pháp ứng phó. Trên cơ sở đó để điều chỉnh phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, nhất là điều chỉnh phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản…

Riêng đối với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, theo tôi hướng chủ động nhất đó là nâng cao ý thức từ chính quyền địa phương, người dân để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác cần hạn chế phát triển cây trồng sử dụng nhiều nước, tăng cường hiệu quả quản lý nước, sử dụng nước tiết kiệm. Ngoài ra cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng xây dựng hồ chứa, hệ thống chuyển tiếp nước tiết kiệm.
Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương:

Hiện nay ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trên một số sông, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Tình trạng khô hạn thiếu nước tiếp tục diễn ra tại một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, KonTum, Gia Lai và Đác Lắc, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2015-2016. Dự báo trong thời gian cuối tháng ba và đầu tháng 4-2016, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nhiệt độ tiếp tục có xu hướng tăng và một số ngày sẽ xảy ra nắng nóng khá gay gắt, đặc biệt dòng chảy trên các sông ở Tây Nguyên trong tháng ba và tháng tư sẽ thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng năm và tháng sáu… Điều này dẫn đến mùa khô năm nay tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015.