Tuổi trung niên một cái cây

Đã có những ngày, không ít người dân trong thành phố xôn xao vì “mấy cái cây vớ vẩn” bị đốn hạ.
0:00 / 0:00
0:00

Cụm từ trong ngoặc này, là cách mà một vài người trong văn phòng của tôi nói về sự việc. Rằng có gì đâu mà phải làm quá! Cây mục, cây già thì cắt bỏ đi thôi. Rồi sẽ trồng cây mới xen vào. Tre già măng mọc. Đâu có gì mãi mãi, không thể thay thế hay thay đổi.

May mắn, đấy không phải là đại diện cho tất cả cư dân thành phố, những người đau đáu với bóng mát cây xanh. Bởi không đơn thuần là dăm ba cổ thụ ở ven đường, mà còn là ký ức, là kỷ niệm, là tuổi trẻ của một kẻ nhập cư nhiều lãng mạn.

Một ai đó đã viết trên trang cá nhân: Hôm nay, cây chảy máu. Ngang qua mà lòng như xát muối. Lý do của việc chặt bỏ là gì? Đã khảo sát tính toán kỹ chưa? Có chắc chắn là cần thiết, không còn giải pháp gì khác không? Bởi khi một cái cây lâu năm bị hạ xuống, là chẳng thể sửa chữa. Có xin lỗi hay hối hận thì cũng không cách nào lội ngược thời gian mà hàn gắn lại…

Dễ dàng thấu hiểu rằng, đoạn đường ấy, chỉ chừng hơn cây số thôi, nhưng với ai kia, có thể đã chở trọn vẹn mười mấy năm bôn ba xứ phồn hoa của một người xa xứ. Là nơi đứa con trai nhỏ vẫn được mẹ chở đi học ngang qua, ngước mặt nhìn trời qua kẽ lá ken dày. Là mùa cuối thu phương nam có chút buồn man mác. Là nhớ nhung của tháng ngày vời vợi nỗi lo toan, mông lung và rực rỡ lắm khi chỉ cách nhau một tiếng thở dài. Là gắn bó. Là “chỉ khi mất đi rồi người ta mới giật mình nhận ra, nơi ấy từng rợp bóng cây mát rượi”.

Bạn có công nhận là, đôi khi chậm lại nhìn quanh, ta sẽ chợt mừng vì bản thân lẫn “thiên hạ” vẫn còn yêu mầu xanh. Thích trồng cây cỏ, hoa lá. Nâng niu từng hạt giống, mầm cây. Phẫn nộ khi thực vật bị đối xử thô bạo. Những con hẻm dù chật chội vẫn cố gắng khép nép nâng niu dăm chậu kiểng, hoa mười giờ, cụm tần dày cho ngày bị ho. Căn hộ chung cư bé xíu treo cao mấy cái giỏ cây rủ xuống. Những hội nhóm kiểu như “Thích trồng cây” hoặc “Làm vườn trên sân thượng” vẫn luôn đông đúc thành viên, chỉ nhau cách tận dụng từng khoảng không gian hẹp rí, bộn bề.

Người ta còn yêu mầu xanh của cây cối, tức là cuộc sống vẫn luôn còn hy vọng. Về tương lai, về mai này, về tấm lòng hướng thiện. Về những tâm hồn tiếp tục nảy nở yêu thương, như từng hạt mầm được gieo cấy cẩn thận.

Sau nhiều năm đi làm, tôi cũng cắc củm dành dụm, sắm được cái vườn bé xíu hơn nghìn m2 ở một quận vùng ven thành phố. Cuối tuần cả nhà lóc cóc lên đó, mở cổng rào, đứng ngẩn ngơ trước mớ cỏ mọc nhanh lút bước chân. Cây mít trĩu quả hơi nghiêng về một phía. Mớ rau rải hạt vụng về trên đám đất trải rơm đã nảy ra những đọt mầm đầu tiên. Nhìn bọn trẻ con nhảy qua nhảy lại con mương mà thương: Tụi nhỏ vốn đã quá cuồng chân trong cả tuần dài cùng nhà phố, bê-tông rồi…

Tôi thường cho phép mình nằm dài trên lớp lá khô thật dày mà ngẫm ngợi. Lắm khi chỉ muốn cắn vào chiếc lộc nõn xanh, nếm cái vị chan chát của nó đầy da diết. Thư thả tận hưởng thứ niềm vui gọi là “vườn tược” mà thuở còn trẻ hiếm ai thèm trân quý. Đời người ta, ai rồi cũng phải rời xa thanh xuân để bước vào tuổi trung niên. Cũng giống như một cái cây đến mùa thu thì rụng lá vậy. Phải chăng vì thế mà bỗng thấy cảm thương những cái cây bị loại ra khỏi con đường nó từng thuộc về?