Nhân mốc son lịch sử này, tôi lần giở đọc lại từng trang của 36 số báo từ ba năm đầu “xây nền đặt móng” để “ngôi nhà” Nhân Dân hằng tháng trụ vững như hôm nay. Đây là đoạn ghi trong lời Cùng bạn đọc đăng ở trang nhất số báo đầu tiên: “Là ấn phẩm mang tính chất ma-ga-din, Nhân Dân hằng tháng cố gắng phản ánh đa dạng và chuyên sâu các sự kiện chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... thông qua những bài khảo cứu, chuyên luận, bình luận nhưng vẫn bảo đảm tính thời sự của các vấn đề mà đông đảo bạn đọc quan tâm trong tháng..., dành tỷ lệ thích đáng phản ánh các vấn đề mà tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại ngày nay hằng quan tâm, nhất là về lý tưởng và lẽ sống của thanh niên; con đường lập thân, lập nghiệp; việc hôn nhân và gia đình, v.v.”.
Xác định được mục đích và cấu trúc nội dung của ấn phẩm như trên, Ban Biên tập và Hội đồng biên tập khi đó đã có hai cuộc họp thảo luận nhằm cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thường trực Bộ Chính trị (khóa VIII, Trung ương chưa lập Ban Bí thư) đối với việc xuất bản Nhân Dân hằng tháng.
Công việc triển khai để sáng rõ “hình hài” tờ báo được tiến hành khẩn trương. Thật vui mừng, theo lời mời của Ban Biên tập, các đồng chí nguyên Tổng Biên tập: Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ; các nhà nghiên cứu khoa học hoặc chỉ đạo hoạt động thực tiễn, như các đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Quang Nghị; các giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Duy Quý, Vũ Đình Cự, Nguyễn Lân Dũng dù bận rộn nhiều công việc, đều vui vẻ nhận lời tham gia và có mặt đông đủ trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng biên tập, sôi nổi góp ý kiến về các chuyên mục và cách thức thể hiện sao cho khác với cách viết trên Báo Nhân Dân hằng ngày, tạo nét đặc thù và sức hấp dẫn ngay từ số báo đầu, nhất là đối với bạn đọc trẻ tuổi.
CHÚNG tôi thở phào nhẹ nhõm khi số đầu ra mắt đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1997). Trên cơ sở lắng nghe ý kiến phản hồi của bạn đọc ở ba miền, Hội đồng biên tập họp lần thứ hai, khẳng định mặt được và chưa được của số báo, góp ý hoàn thiện nội dung và cách trình bày một số chuyên mục, như “Chuyện thường ngày”, “Chuyện vụ án”, “Tìm trong sử vàng”, “Hương vị quê nhà”, “Tản bút”... Ngay hôm đó, đồng chí Hồng Hà, nguyên Tổng Biên tập (lúc đó là Chánh Văn phòng Trung ương; sau là Bí thư Trung ương Đảng) đề nghị cần thêm chuyên mục “Vấn đề tháng này”.
Theo đồng chí, đây là ấn phẩm của Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng; Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, không được quên chức năng chỉ đạo, định hướng dư luận xã hội. Vì vậy “Vấn đề tháng này” được coi như mục “Xã luận”, nhưng viết mềm mại, uyển chuyển, nhấn mạnh vấn đề trọng tâm của từng tháng, với số lượng trên dưới 500 từ. Anh đề nghị, Tổng Biên tập phải là người trực tiếp viết và ký tên. Cả Hội đồng nhất trí ý kiến đó. Vậy là, tôi đã “gánh” trách nhiệm nặng nề này từ đấy. Tháng 6/2001, tôi được Bộ Chính trị điều động lên nhận nhiệm vụ Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, tôi đề nghị chuyển giao chuyên mục cho người khác, nhưng các đồng chí trong Ban Biên tập khi đó vẫn đề nghị tôi tiếp tục. Vậy là, cho đến nay, đã tròn 25 năm, tôi có “duyên nợ” với chuyên mục này!
Bốn năm trực tiếp chỉ đạo Nhân Dân hằng tháng để lại trong tôi nhiều bài học, nhiều ấn tượng sâu sắc. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên và nể phục khi hầu hết các đồng chí tham gia Hội đồng biên tập đều viết bài, từ anh Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Đăng đang đương nhiệm nhiều trọng trách, đến các nhà khoa học tài danh, như các giáo sư Nguyễn Duy Quý, Vũ Đình Cự; đặc biệt là Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cứ hai, ba tháng lại có bài, với suy nghĩ rất đáng trân trọng: “đã nhận tham gia Hội đồng biên tập thì phải cố gắng viết bài, chứ không chỉ là góp ý kiến”. Chúng tôi đánh giá cao các nhà văn, nhà thơ có mặt ngay từ số đầu, như Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Băng Sơn, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Ngọc Cảnh, Đặng Huy Giang...
Nhìn tổng thể, trong bốn năm đầu, số lượng bài của các cộng tác viên đã chiếm hơn 60% từng số báo. Điều gây ấn tượng là, bài viết của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các nhà khoa học thật sự là điển hình của phong cách viết báo hiện đại: ngắn, gọn, nhiều hàm lượng thông tin, phát hiện góc cạnh mới, diễn tả mềm mại, hấp dẫn...
Những năm đầu của thế kỷ 21, cùng chung “số phận” của báo giấy trong bối cảnh internet, các phương tiện nghe, nhìn; đặc biệt mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, số lượng phát hành Nhân Dân hằng tháng dần dần sụt giảm; trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên còn không ít bất cập, lực lượng cộng tác viên cũng giảm sự gắn bó với tờ báo. Một câu hỏi đặt ra: Nhân Dân hằng tháng sẽ tồn tại và phát triển thế nào? Sau nhiều lần thảo luận, Ban Biên tập cùng lãnh đạo Ban Nhân Dân hằng tháng thống nhất ý chí: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân phải tồn tại trên cơ sở tiếp tục cải tiến, đổi mới mạnh mẽ về nội dung cũng như hình thức tờ báo.
Từ tháng 1/2012, Nhân Dân hằng tháng ra mắt bộ mới với kích cỡ tờ báo rộng hơn, hình thức được trình bày đẹp, tiệm cận với phong cách báo chí hiện đại. Nội dung toàn bộ ấn phẩm được xây dựng mới với hơn 20 chuyên mục đề cập những vấn đề nóng của đời sống thông qua cách viết nhẹ nhàng, bình luận sâu sắc, sinh động, tăng tính thuyết phục bạn đọc. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải qua những bài viết, chuyên mục hấp dẫn. Thế mạnh và sự khác biệt của tờ báo là, luôn có các bài bình luận, phân tích, góc nhìn đa chiều của các chuyên gia hàng đầu, những kiến giải, chia sẻ của những cây bút có uy tín.
Nhiều chuyên mục gây được sự chú ý của độc giả, như “Chính sách-Cuộc sống”, “Chuyện cơ sở”, “Nhân vật-Đối thoại”, “Chuyện đời-Chuyện nghề”, “Bình luận”,”Email lúc 0 giờ”, “Trò chuyện văn chương”, “Nhiệt kế văn hóa”, “Nhà thơ và bài thơ hay”, “Bản sắc”, “Đi và Thấy”... do các tên tuổi có uy tín trong làng báo phụ trách, như: TS Nguyễn Sĩ Dũng, các nhà báo: Hải Đường, Yên Ba, Nguyễn Mỹ Linh, Đỗ Tuấn, Lê Thành Trung, các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Việt Hà, Hữu Việt, Phạm Ngọc Tiến, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy... Tất cả đều không thuộc biên chế của Nhân Dân hằng tháng, nhưng đều đóng góp công sức, trí tuệ cho tờ báo một cách tâm huyết, trách nhiệm.
Ngoài việc nâng cao chất lượng ấn phẩm, Nhân Dân hằng tháng còn chú trọng quảng bá hình ảnh, vị thế tờ báo bằng nhiều hoạt động, nhiều sự kiện, như các cuộc hội thảo, tọa đàm về nghề, các triển lãm tranh. Trong 10 năm qua, tờ báo đã xuất bản gần 30 đầu sách, hàng chục cuộc triển lãm, nhiều hội thảo, tọa đàm, được nhiều cộng tác viên và bạn đọc hưởng ứng.
Từ ngày 1/9/2021, Nhân Dân hằng tháng triển khai Chương trình phát thanh với tên gọi Radio Nhân Dân (rND), kênh đọc truyện Podcast là dạng thức phát thanh trên các nền tảng streaming ứng dụng công nghệ số, góp phần kết nối nhanh hơn, nhiều hơn với bạn đọc mọi lứa tuổi, nhất là thính giả trẻ.
Thật đáng mừng, trong điều kiện cạnh tranh nghiệt ngã như đã nêu ở phần đầu, Nhân Dân hằng tháng hiện nay vẫn duy trì lượng phát hành gần 4 vạn bản/kỳ. Báo có mặt ở nhiều đảng bộ, chi bộ, cơ quan, trên một số chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Sự cố gắng bền bỉ của cán bộ, phóng viên, nhân viên, cộng tác viên của Nhân Dân hằng tháng đã mang lại những kết quả đáng tự hào: tập thể báo đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng Phan Thanh Phong được công nhận là Nhà báo tiêu biểu trong dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; được cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X-2020. Chỉ tính riêng trong các kỳ Giải Báo chí Quốc gia từ năm 2010 đến nay, Nhân Dân hằng tháng đã đạt 3 giải A, 4 giải B, 2 giải C, và nhiều giải thưởng báo chí khác của các bộ, ngành.
Trên chặng đường tiếp theo, cán bộ, phóng viên Nhân Dân hằng tháng không tự mãn với những thành tựu đã có, luôn tự nhắc nhau phải cố gắng nhiều hơn nữa, tiếp tục nâng cao chất lượng tờ báo, xứng đáng với công lao và niềm tin của các thế hệ làm Báo Nhân Dân hằng tháng và độc giả trong 25 năm qua./.