1/ Nhớ lại những Tết Trung thu xưa, ông Đỗ Văn Tân (phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: Ngày trước, cuộc sống vất vả nhưng mỗi dịp tới ngày này là trẻ con háo hức chờ đợi. Trong suy nghĩ của người lớn và tâm hồn tinh khôi của trẻ thơ, không khí ngày Tết Trung thu có trước cả tháng trời. Thời điểm trước ngày rằm khoảng hai, ba tuần, người ta còn gom hạt bưởi, bóc vỏ ngoài rồi xâu thành từng chuỗi dài phơi khô. Đến đêm rằm, từng xâu hạt bưởi được đem ra đốt, hạt bưởi cháy lách tách tỏa ánh sáng lung linh ngan ngát hương thơm dễ chịu.
Trước đây, người Hà Nội thường chơi Tết Trung thu to hơn, đầy đủ hơn những nơi khác. Nhà nào cũng rộn ràng, tất bật chuẩn bị mâm cỗ Trung thu truyền thống với đầy đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả trong mùa. Trên mâm cỗ còn có đèn ông sao, có ông tiến sĩ giấy, ông phỗng mang ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập, giáo dục và hướng thiện được bày biện dưới ánh trăng trước sân nhà. Trong đêm hội trăng rằm, trẻ em rước đèn, nhiều nơi còn mở cuộc thi đèn lồng đẹp và khéo nhất. Hàng chục, hàng trăm ngọn đèn tỏa sáng từ những giàn đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống, đèn kéo quân... rực rỡ lung linh cả một góc trời.
Có cỗ, có đèn, bánh trung thu rồi nhưng vẫn chưa đủ nếu không có thêm màn múa lân, múa sư tử. Những chiếc đầu lân làm từ nan tre dán giấy bồi hoặc phết giấy bóng kính rất công phu, đính thêm con mắt có thể nháy nháy khi chuyển động luôn khiến đám trẻ con thích thú, hò hét không ngừng dưới tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập. Ðám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân đi trước và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải mầu do một người cầm đi sau phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn mầu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa lân đi trước, người lớn, trẻ con đi theo sau biểu diễn khắp các tuyến phố của Hà Nội đến tận khuya mới ngừng.
2/ Ấy nhưng, qua sự biến đổi của thời gian, trăng mùa thu vẫn tròn nhưng những nét tinh hoa xưa đã ít nhiều có sự đổi thay. Dù rằng vào mỗi dịp này, thành phố có rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật..., cố gắng hướng tới những vẻ đẹp mộc mạc của Trung thu truyền thống xưa. Thế nhưng, cuộc sống của người Hà Nội hôm nay bận rộn hơn, đầy đủ hơn và thậm chí thừa thãi điều kiện vật chất hơn. Vì lẽ đó, không khí Tết Trung thu đôi khi cũng chỉ giống như một ngày bình thường, người lớn và trẻ nhỏ dường như cũng không còn chờ đợi háo hức như trước.
Trên các con phố Hà Nội, người ta vẫn thấy không khí mua bán nhộn nhịp, nhưng gần đến rằm hoặc chính rằm, người dân mới đi mua sắm và chuẩn bị cho ngày Tết của trẻ. Còn trẻ em, không ít các bé chờ đợi những món quà đắt tiền, đồ chơi điện tử hiện đại hơn là những món đồ chơi làm thủ công như đèn ông sao, trống ếch, trống bỏi... Bé T. (8 tuổi, Trương Định, Hoàng Mai) hồn nhiên: “Cháu thích một bộ rô-bốt biến hình hoặc bộ đồ chơi siêu nhân hơn. Cháu muốn có sức mạnh như thế!”. Chị Trang, mẹ bé T. cho biết: Hồi nhỏ, bé T. rất thích đồ chơi dân gian, Trung thu năm nào cũng bắt bố mẹ đưa lên phố mua cho mấy món như mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử... Nhưng mấy năm gần đây, chị thấy con không còn thích mấy thứ đó nữa mà thích đồ chơi hiện đại hơn.
3/ Những ngày này, khu phố cổ rực rỡ đèn hoa, đặc biệt là phố Hàng Mã luôn trong tình trạng chật cứng người. Ở đây nhiều cửa hàng tràn ngập đồ chơi điện tử, trang phục ác quỷ, mặt nạ kinh dị, quần áo siêu nhân, súng đèn laze, gươm ánh sáng, ô-tô điều khiển... Lý do là khả năng tiêu thụ những sản phẩm này cao hơn bởi mặt hàng phong phú, bắt mắt, thỏa mãn sở thích của đông đảo giới trẻ thành thị hiện nay. Tuy nhiên, những đồ chơi truyền thống như tò he, chuồn chuồn tre, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù, tàu thủy... vẫn xuất hiện, phải chăng vì trong đó vẫn ẩn chứa những nét văn hóa truyền thống của cha ông? Có lẽ thế, vì mấy năm gần đây, đồ chơi truyền thống đã có sự trở lại! Đó là một tín hiệu đáng mừng!
Tết Trung thu là nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhưng có lẽ lễ hội đêm rằm sẽ trở nên sáng trong hơn khi những giá trị, tinh hoa văn hóa truyền thống hiện hữu trở lại, hòa nhập cùng đời sống hiện đại để những tâm hồn trẻ thơ hôm nay và mai sau hiểu thêm, yêu hơn văn hóa nước nhà.