Làng của những điều xưa cũ
Vùng Non Nước, được Vua Minh Mạng đặt tên Ngũ Hành Sơn, từ xưa đã được biết đến như một thắng cảnh tuyệt mỹ. Hơn 300 năm trước, khi vãn du sơn thủy bị vẻ đẹp của “vùng hoang biển tận, núi lạ đá xinh, nằm hoang trong gai cỏ” này làm cho mê mẩn mà Thích Đại Sán đã viết nên cuốn “Hải ngoại kỷ sự” với bao lời thán phục và dự báo: “Biết đâu nghìn năm sau, nơi rừng bụi hoang vu này có thể trở thành ấp phồn hoa, chốn ve kêu dế khóc này có thể thành nơi đàn ca hát xướng…”.
Bánh xe lịch sử đã quay nhanh hơn dự báo của vị danh tăng. Những cư dân Đàng Ngoài, chủ nhân mới của vùng đất này, khi dừng bước tha hương, định cư dưới chân năm ngọn núi mang tên ngũ hành đã mang theo nghề làm đá của quê hương Thanh Hóa. Ngày nay, mỗi ngày danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hàng ngàn du khách đến đây ngắm cảnh và tham quan làng nghề đá mỹ nghệ. Dạo chơi Non Nước, vượt qua những bậc đá cheo leo vào tham quan hòn Thủy Sơn, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy văn bia chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được chính tay các thợ đá làng Quán Khái khắc vào vách đá động Vân Thông từ năm Tân Tỵ (1641). Nhìn nét khắc sắc cạnh mà bay bướm, ta có cũng hiểu thêm về bề dày lịch sử của làng.
Thuở đó, các nghệ nhân trong đoàn lưu dân hành phương nam đã mang theo nghề chế tác đá, tạo ra một số dụng cụ lao động đơn giản như cối xay, cối giã, đá buộc neo thuyền, đá buộc chài dụ cá… Sau đó, phát triển thêm các sản phẩm điêu khắc bia mộ, chế tác các tác phẩm nghệ thuật trang trí tại miếu thờ, lăng tẩm, cung đình. Cho đến những năm gần đây, khi Ngũ Hành Sơn trở thành Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia thì việc khai thác đá tại chỗ để làm hàng mỹ nghệ mới bị cấm hẳn, núi Non Nước được “giải cứu”. Những người thợ đá chọn ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Thạch nghệ Tổ sư tại nhà thờ tổ, bên miếu Sơn thần, dưới chân núi Mộc.
Phố nghề và những điều trăn trở
Nghề tiếp nghề, sản phẩm của làng đá ngày nay thật phong phú, đa dạng, đa kích thước. Người ta có thể tìm thấy nhiều mặt hàng ở nơi này, từ đồ trang sức nhỏ gọn, tinh tế cho tới các bức tượng trang trí có kích thước cực lớn.
Trong số hàng trăm cơ sở chế tác đá, chỉ duy nhất có gia đình anh Lê Chiến chuyên chế tác một dòng sản phẩm khác biệt. Đó là tạo tác tượng kiểu Chăm trên đá sa thạch. Kế thừa niềm đam mê điêu khắc cổ Chăm-pa từ người cha là cố nghệ nhân Lê Bền, anh Chiến chung thủy với nghề làm tượng Chăm-pa, dù những người quan tâm đến mặt hàng này giờ đây không còn nhiều như trước. Người đàn ông có nụ cười hiền gõ thêm một nhát đục nữa lên bức tượng Apsara dang dở rồi buông tiếng thở dài: bây giờ tìm người đục thủ công hiếm lắm, ai cũng muốn dùng máy thay tay để chóng ra sản phẩm, nhưng cái nghề làm tượng Chăm này nghiệt lắm, khắc bằng máy chỉ tạo nên những bức tượng vô hồn, chỉ có khắc bằng tay mới nghe được hơi đá thở. Không tin bạn cứ nhìn lâu vào bệ đá Chăm xưa trên động Huyền Không sẽ thấy, những thớ sa thạch đang cựa quậy.
Chia tay Non Nước như vừa bước ra khỏi bức tranh thủy mặc, về với những bộn bề, bắt gặp nhóm nghệ nhân làng đá đang miệt mài bên bức tường phù điêu phỏng theo tranh dân gian Đông Hồ của tòa biệt thự mới xây, tôi chợt nhớ tới nét mặt hóm hỉnh của ông già coi miếu Sơn thần khi cất giọng bài Chòi: “Lấy chồng thợ đá ăn chi/Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay”.