Làng nghề bên phố
Nguyễn Tấn Nguyên là cháu ngoại của ông Huỳnh Ri, từ Đác Lắc về làng mộc Kim Bồng để học việc. Nguyên cho hay: “Học thành thạo nghề mộc sẽ về Đác Lắc mở xưởng, đóng đồ”. Nghề mộc Kim Bồng đang nhân rộng nhờ những người trai trẻ quyết theo nghề đục, chạm. Người theo nghề mộc tiết lộ, cũng bức tượng giống nhau, cỡ khối như nhau nhưng công làm lại khác nhau, tùy thuộc vào loại gỗ mềm hay cứng. Gỗ để làm tượng trước tiên phải được phơi khô để tránh bị nứt nẻ sau này. Sau đó, gỗ sẽ được cưa theo hình dáng và kích thước tương ứng sản phẩm cần làm. Đối với loại tượng có kích thước lớn thì người thợ ghép nhiều khúc gỗ lại với nhau sau đó là dùng bột gỗ để trít các khe hở. Tiếp theo là giai đoạn tạo dáng. Người thợ dùng đục đẽo để tạo dáng tổng quát của tượng sau đó đi dần vào các chi tiết, như tay, chân, mắt, mũi, miệng và cuối cùng là giai đoạn đánh bóng tượng.
Ông Huỳnh Ri là truyền nhân đời thứ 12 của người làng mộc và cũng là người sở hữu nhiều tài sản là các căn nhà gỗ rất cổ cha ông để lại. Ngoài ra, ông còn có hai xưởng đóng đồ gỗ, hai cửa hàng bày bán các sản phẩm bên bến thuyền. Ông cho biết, từ thế kỷ 16, làng bắt đầu tập trung vào nghề mộc và nổi tiếng với nhiều sản phẩm đồ gia dụng, đóng thuyền, dựng đền chùa... Những sản phẩm làng mộc Kim Bồng cũng theo chân các thương nhân để có mặt không chỉ trong nước mà còn tới các quốc gia khác. Đặc biệt, các nghệ nhân làng mộc đã góp phần quan trọng làm nên quần thể kiến trúc phố cổ Hội An và nhiều công trình tuyệt mỹ ở kinh thành Huế. Nhiều thợ giỏi của Kim Bồng đã được triều đình Huế ban tước. Do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, làng mộc Kim Bồng đã có thời gian dài “ngủ yên” và có nguy cơ thất truyền. Nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và tâm huyết của một số ít nghệ nhân, nghề mộc Kim Bồng đã “thức dậy”, hồi sinh và dần phát triển cùng với việc vinh danh di sản của phố cổ Hội An.
“Linh hồn” của phố cổ
Phố cổ Hội An với những mái ngói, tường gạch nhưng để bước vào ngôi nhà đó chúng ta phải đi qua cánh cửa. Về vật liệu, trước mỗi căn nhà hay bên trong nhà đều là gỗ. Mặt gỗ trước mỗi căn nhà với những đường nét đục, chạm, lèo trên chất liệu cho ta hình dung chủ nhân là người giàu có, trung lưu hay dân thường. Sự khép mở, giao tiếp giữa không gian bên trong, bên ngoài tạo nên giá trị của Hội An tồn tại cho đến ngày hôm nay không xuất phát từ bàn tay của người phố cổ, mà là sản phẩm của người bên sông, của làng mộc Kim Bồng.
Câu chuyện làng mộc Kim Bồng dường như là nhiều mảnh ghép khác nhau thời di dân, khai hóa. Làng mộc “đậu” bên bến sông để đón nguồn nguyên liệu gỗ theo bè nứa trôi trên dòng Thu Bồn về. Chính vì nằm bên bến sông nên làng mộc có thêm nghề đóng thuyền gỗ đánh cá, vận tải, chở khách. Đóng thuyền tạo nên nhiều công ăn việc làm nhưng nó không tạo nên bản sắc. Nghề mộc cần ánh mắt tính toán trên phiến gỗ, sự tài hoa của đôi tay làm nên những sản phẩm ấn tượng. Công việc đóng thuyền đòi hỏi nhiều sức lực hơn nên không được đề cao, cho dù là một bộ phận của làng nhưng không được tính ở dạng nghề.
Câu chuyện làng mộc bắt đầu từ sản phẩm đánh dấu sự hình thành của làng nghề, cho đến các sản phẩm mỹ nghệ, những bản đối xứng trong khắc gỗ trang trí trên cột kèo, nhà rường, tủ tường, sập gụ… Với khách du lịch, thật khó tìm được người tận tường để kiến giải tùng, cúc, trúc, mai được “phăng” ra từ những tấm gỗ nào, tạo nên hình hài lắp ghép với bố cục chặt chẽ trong những căn nhà ra sao?
Câu chuyện làng mộc Kim Bồng đi theo chiều dọc thời gian của 12 đời cưa, đục, chạm khắc trên gỗ trước sức ép của đô thị cũng đã có những sự lối rẽ. Hiện cơ cấu làm nghề cũng có nhiều thay đổi. Thay vì những công việc chính của ngày xưa là đóng tàu thuyền, dựng nhà thì bây giờ nghề mộc ở Kim Bồng đa phần sản xuất hàng mỹ nghệ phục vụ du lịch. Trên các con đường Kim Bồng xuất hiện nhiều cửa hàng hơn. Những ngõ làng ngang dọc đã trải bê-tông thay đường đất không lấm chân người...
Phác họa vậy để thấy có xáo trộn, có cái mới nhưng nó vẫn là làng nghề với những điều xưa cũ. Vẫn mùi mùn cưa hăng hắc, tiếng cóc cách đục đẽo vang trong những gian nhà cũ kỹ thiếu ánh sáng. Đâu đó, những mảnh miếng gỗ nhỏ văng ra do đục đẽo lâu ngày tích tụ hình thành lên lớp nhám dưới chân. Rồi đây, những hình ảnh đó sẽ trở nên hiếm gặp nếu chúng ta không tranh thủ lên thuyền qua sông để về thăm làng nghề bên phố.