Chuyện về “xóm biển” Mân Quang

Nhiều hộ dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) ra vịnh Mân Quang nuôi trồng thủy hải sản. Năm 2012, ô nhiễm nguồn nước xả thải từ các nhà máy, dẫn đến cá, nghêu chết, nhiều hộ mất trắng. Nhưng, nay họ đã trở lại mặt nước để nuôi trồng với sự bình tĩnh hơn.

Nhiều hộ nuôi cá bè cố gắng vượt qua khó khăn để mưu sinh.
Nhiều hộ nuôi cá bè cố gắng vượt qua khó khăn để mưu sinh.

“Resort”… trông đồng

Ngồi trong lều lán trông ra mặt nước với những vuông bè, cọc lô nhô. Đây là những cái lều thiết kế kiểu nhà sàn để trông đồng cho mình, cho những nhà chung quanh, anh Nguyễn Văn Lợi (phường Thọ Quang) cho hay: “Việc trông coi này đều do dân bàn bạc, phân công cắt cử luân phiên”.

Lỡ người này vợt hải sản của người kia, thì sao? Anh Lợi chỉ cười rồi bảo, ở đây là tình làng nghĩa xóm, tin tưởng nhau. “Vợt một lần từ lồng bè kiếm con cá có thể bán được vài trăm. Nhưng làm vậy, sự đoàn kết sẽ không còn”, anh Lợi nói thêm. Quanh bãi biển Mân Quang, có nhiều thuyền nhỏ thả lưới, giăng câu, cất vó. Cá tự nhiên thì hiếm mà khôn, cá lồng bè quen bóng người, “đần độn” nên dễ dàng đánh bắt trộm, liệu có mất mát gì không? Anh Lợi nói: “Chúng tôi ra đây coi bè, coi bãi. Không mần được việc đó, ra đây chi cho uổng công”?

Mân Quang ngó qua bán đảo Sơn Trà, phân tuyến luồng lạch cho tàu, thuyền đánh cá vào làm âu trú đậu. Cầu Thuận Phước bắc qua cửa sông. Đêm, đèn chiếu sáng lung linh. Nếu được ngủ ở đây, thưởng thức mùi vị sóng biển và cũng liền kề phố thị hẳn có trải nghiệm ít nhiều, cảm giác trở về một thời chưa xa. Anh Lợi kể: “Ban ngày thì ít người. Đêm, nhà có đồng, có bè, ra đây đi tuần rồi ngủ, chuyện trò”. Những lều tạm này đều làm bằng tre nứa, mái tranh. Lối làm “cấn” quanh cồn bãi, hướng mặt ra vịnh, con đường ra đó cũng gồ ghề. “Rứa thôi. Nhưng mùa hè mát lắm. Chỗ ni là “rì-sọt” (resort) đó”, anh Lợi kết luận.

Mùa này không phải mùa cao điểm khách du lịch biển nên ít người ghé đến. Cùng cảnh trông đồng nuôi cá, nuôi nghêu, anh Ngô Văn Thân cũng bác Trương Minh Khản thiết kế vó cất cá. Mỗi khi cất vó, anh Lợi cùng bác Khản kéo thừng, anh Thân lội nước hớt cá bằng vợt trên bề mặt vó. Bác Khản cho hay: “Làm chơi như vậy, nhưng kéo suốt ngày cũng được cả ký cá”. Niềm vui của một mẻ cất vó được chừng vài lạng cá con con, “góp gió thành bão” mỗi ngày cũng được vài ký. Bác Khản khoe, có lúc cũng được cá to, chia nhau ăn. Anh Thân thêm chuyện: “Cá nhỏ không ăn, băm cho vào lồng bè nuôi cá. Cá to ít ỏi, cũng chỉ làm mồi cụng ly với nhau. Giải trí là chính”.

“Mất” mà vẫn bất khuất

Phần lớn những hộ nuôi cá lồng, nuôi nghêu đều có công việc khác để kiếm sống. Mặt nước mênh mông nên họ đầu tư tiền xuống nước gọi là có chỗ đi lại, có công việc thêm đỡ buồn, cuối năm có thêm thu nhập. Mùa thu hoạch nghêu, cá ở đây rơi vào khoảng từ Tết dương lịch đến Tết Nguyên đán hằng năm. Trong suốt quá trình nuôi cũng có đánh bắt lai rai, gọi là bắt tỉa bớt cho cá có không gian để lớn, có chỗ hoạt động vẫy vùng.

Bác Khản kể, mấy năm ni, nước biển không sạch nên nuôi trồng thủy sản như một câu chuyện hên xui, mang nhiều lo lắng: “Trước đây, có cả trăm hộ nuôi trồng. Năm 2012, cá chết, nghêu chết nên nhiều người không thiết tha nữa”. Nguyên nhân của cá chết, nghêu chết do nhà máy chế biển hải sản Thọ Quang xả thải trực tiếp ra môi trường, tác động nguồn nước, ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá. “Các cơ quan, ban, ngành đã xác định được nguồn xả thải ô nhiễm. Nhưng lại có nhiều tiếng nói cấm nuôi. Ai làm sai thì cấm người đó. Chứ dân nuôi cá chỗ ni chỉ làm cho mặt nước bớt hoang vu”, bác Khản cho hay.

Cũng tại thời điểm nghêu, cá chết do ô nhiễm cách đây năm năm, nhiều bài viết cho rằng nuôi cá lồng bè nhếch nhác ảnh hưởng đến du lịch. Cũng ngành du lịch cho rằng nuôi cá lồng bè làm ô nhiễm môi trường biển? Tại thời điểm đó có những bài viết phân tích rằng nuôi cá lồng bè ảnh hưởng sự phát triển của rạn san hô trong vịnh Mân Quang. Thực tế, các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân do các khu công nghiệp, nhà máy chế biển xả thải nhưng các bài viết ngó lơ doanh nghiệp rồi quay sang đổ riệt tội lỗi cho dân. “Ngay cái thời điểm thu hoạch cũng là lúc mất trắng đó, chúng tôi đọc báo thì thấy họ muốn dẹp toàn bộ chúng tôi khỏi mặt nước này”, bác Khản giọng buồn buồn.

Có một cái gì đó sai sai tại thời điểm tháng 12-2012, anh Thân phân bua: “Tui thì nghĩ. Cá lồng bè nuôi trên mặt nước, rạn san hô mọc dưới đáy biển. Chất thải của cá lồng bè sẽ được sinh vật phù du tiêu hóa tiếp”.

Thực tế, nguồn lợi hải sản thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Ngành chăn nuôi cá lồng bè, nuôi nghêu, chủ động nguồn cung hải sản cho thị trường, cho khách du lịch là cách nhìn rộng. Việc bảo đảm chuỗi sinh kế và môi trường sống đôi khi lại rất liên quan đến nhau. Điều đó khiến xóm biển Mân Quang tồn tại và thiết nghĩ đây cũng là cách trực tiếp kiểm soát, phản hồi tai biến môi trường nước biển rõ nét nhất.