Làng rau phố cổ

Một nhánh nhỏ của dòng sông Thu Bồn trước khi đổ ra biển đã dừng lại mang lượng phù sa thượng nguồn bồi đắp rồi dần hình thành nên làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam). Làng rau mùa này như bức tranh xanh non nhịp nhàng theo tiết xuân mà đổi thay từng ngày.

Vườn rau Trà Quế.
Vườn rau Trà Quế.

Mảng mầu của những “họa sĩ” chân đất

Làng nằm ẩn mình sau lũy tre già, uốn quanh theo con đường nhỏ dọc triền sông. Ở đây, khung cảnh có gì đó còn vương mầu xưa cũ: từ phương thức làm nông nghiệp lâu đời đến không gian được bố trí, sắp đặt như một bức tranh hài hòa với cảnh vật thiên nhiên và con người nơi đây. Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhưng người làng rau gần ngót nửa thiên niên kỷ vẫn chọn cho mình lối canh tác truyền thống. Rong vớt ở sông cạnh làng, khi làm luống rải đều rồi lấp dưới lớp đất khoảng 10 đến 15 cm. Sau thời gian ngắn, rong hoai mục cung cấp dưỡng chất hữu cơ cho cây phát triển khỏe mạnh. Rau làng trồng năng suất không cao, đổi lại có nét đặc trưng riêng hiếm nơi nào sánh kịp: mùi thơm nức xông lên mũi của hành ngò, vị cay nồng của húng quế, ngọt của cải, mồng tơi, muống… Muốn cảm nhận tận cùng hương vị đậm đà thì bạn phải nếm thử món ngon địa phương như cao lầu, mì quảng, tam hữu… thêm trái ớt xanh nữa mới đúng điệu xứ Quảng.

Nhìn bác nông dân biểu diễn cho du khách quy trình làm đất, trồng rau, tưới nước… mọi động tác đều chuẩn mực và hoàn hảo, thoạt đầu cứ tưởng đó chỉ là cách làm du lịch. Nhưng, trải nghiệm một ngày ở đây đã giúp tôi có suy nghĩ khác. Chính những người thôn quê, dân dã là chủ nhân của bức tranh đa sắc mầu với hành, húng, ngò, răm, cải... được tạo nên bằng sự cần mẫn, chăm chỉ truyền qua nhiều thế hệ.

Người nông dân cầm dụng cụ làm đất chẳng khác người họa sĩ cầm cọ nhẹ nhàng, phóng khoáng đưa nét mầu đậm nhạt qua từng công đoạn. Đất đã được làm tơi, gạt mặt phẳng như tờ giấy, dùng tay xoa vụn thành hạt, rải đều lên phía trên, dùng lưng bàn cào, nới lỏng tay thong thả dầm nhẹ cho đất mịn. Kế đến, xắn chung quanh luống, hình thành đường viền, tỉa tót bốn góc cua một cách cẩn thận, hiếm thấy hạt đất nào rơi vãi ra bên ngoài. Cuối cùng, rắc hạt giống cho thật đều đặn. Các công đoạn luôn thể hiện sự tập trung cao độ, tỉ mỉ và điệu đà. Không quá khi gọi người nông dân Trà Quế là những “nghệ sĩ chân đất”. Có nhà ngẫu hứng trồng xen các loại rau trên cùng một luống với xà lách làm khung, húng làm vùng đệm, trong cùng là cải thành một bản phối tươi xanh trông thật mát mắt.

Nắng trên đồng rau

Nếu có thời gian, bạn nên ở đây một ngày để cảm nhận sự khác biệt về không gian, ánh sáng của các thời điểm khác nhau. Buổi sáng thường là lúc dành cho hoạt động người làng, quang cảnh bình yên, trong trẻo. Đồng rau đón vệt nắng đầu tiên chào ngày mới, trong tiếng chim líu lo, nhảy nhót ẩn hiện dưới luống rau vừa kịp tỉnh. Những cọng ngò oằn mình nâng hạt sương ban mai ánh tia sáng phản chiếu bình minh yên ả ven sông. Chịu khó cúi thấp góc nhìn một chút, xuyên qua hàng lối chỉnh tề của từng chủng loại ta có thể cảm được hơi thở của đất, cát, chuyển động của mầm non ụi đất vươn ra khỏi vỏ bọc, tiếp nhận hạt nắng khởi nguồn cho cuộc sống mới. Dưới cái tinh tươm buổi nắng sớm, mầu diệp lục của cây lá, cành chuyển thành mầu lam ngọc lung linh huyền ảo.

Mặt trời đứng bóng, vài lão nông đang gắng hoàn tất “tác phẩm” thường nhật của mình. Chiều đông xuống, tông mầu ấm rọi khắp cánh đồng rau. Màn sương khói đúc ra hoàng hôn mờ ảo. Cành, lá, hoa “cưới” cho mình sắc vàng nhạt. Tất cả đã được bàn tay thiên nhiên tài tình đánh vào đó thứ ánh sáng nghệ thuật tạo hình độc đáo với hoa cải, hành, mã đề, é, tần ô chứa đủ gam nóng lạnh. Đường nét, mảng tối sáng đã tách vườn rau ra khỏi bố cục thường nhật trong khoảnh khắc làm say lòng khách thưởng lãm.

Vào mồng bảy tháng Giêng âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức Lễ hội Cầu Bông, mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa rau bội thu, nhà nhà no ấm, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, bậc tiền hiền có công khai khẩn đất đai lập nên làng rau truyền thống hàng trăm năm qua. Tiếp nối dòng chảy của cha ông, người làng Trà Quế nay còn biết làm du lịch, khách gần xa đến để trải nghiệm làm đồng, thưởng thức món ẩm thực lạ miệng. Cuộc sống thay đổi, thu nhập người nông dân ngày càng ổn định, thương hiệu rau hữu cơ Trà Quế đã tỏa hương, du khách thưởng thức đều tấm tắc khen ngon, khen thơm.