Vần vũ ngóng tương lai

Họ là những người nghèo từ quê ra phố mưu sinh, chủ yếu bán hàng rong. Dù vất vả, nhọc nhằn nhưng họ vẫn luôn chứa đựng niềm tin vào tương lai.

Tranh thủ nghỉ ngơi khi vắng khách.
Tranh thủ nghỉ ngơi khi vắng khách.

Tần tảo sớm hôm

Khi thành phố đã dần chìm vào giấc ngủ, xe cộ ngoài đường cũng dần thưa thì đâu đó ở vài góc đường, dãy phố vẫn còn những người bán hàng rong. Giữa mầu đen đặc quánh của màn đêm, vài tiếng rao yếu ớt như bị khoảng không gian rộng lớn ấy “nuốt chửng”.

Những ngày gần đây thời tiết bất thường, mưa bất chợt ngay trong những ngày nắng oi ả, hoặc trở lạnh bất thường như mùa gió chướng. Những cơn gió tuy chẳng rét căm như mùa đông, nhưng thi thoảng kèm theo mưa cũng đủ làm khó những người nghèo lầm lũi mưu sinh trong đêm. Dù mưa hay nắng thì họ vẫn phải kiếm miếng cơm manh áo, bởi sau tấm lưng còm cõi nhọc nhằn là một đám trẻ con nheo nhóc, bố mẹ già tuổi cao, sức yếu... Cứ vậy, họ hòa vào trong bóng tối, tranh thủ khoảng thời gian vắng khách để nghỉ ngơi trên góc phố vắng.

23 giờ, dọc theo đường Xuân Thủy hướng ra Mỹ Đình, chúng tôi gặp một phụ nữ tuổi trung niên. Chị là chủ của chiếc xe ngô luộc, bánh mì và đầy những đồ ăn vặt khác đang đứng bán dạo tại cổng Trường đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội. Chị cho biết: “Trước đây tôi bán hàng dạo như thế này trong miền nam, nhưng làm ăn trong đó không hiệu quả nên tôi chuyển ra ngoài này. Từ đó bắt đầu bán ở đây được gần chục năm rồi”.

Chị tên Mai, lấy chồng ở Hoài Đức, Hà Nội. Theo lời kể, gia đình chị cũng có ruộng trồng lúa và cây hoa màu, nhưng diện tích đất ruộng ngày càng thu hẹp, năng suất lại không bảo đảm thu nhập cho những chi phí ngày càng tăng. Có mùa vụ, rau bắp cải giá chỉ mấy nghìn đồng/kg thì người nông dân biết phải sống sao? Đi thế này, mỗi ngày bán được hàng là có thu nhập để nuôi gia đình, chị nói.

Hai vợ chồng chị thuê trọ ở khu vực chợ Cầu Diễn. Ngày nào cũng vậy, chị bắt đầu công việc từ 15 giờ chiều để chuẩn bị hàng. 17 giờ xe hàng bắt đầu di chuyển ra khỏi nơi nhà trọ, tiến đến những địa điểm bán hàng quen thuộc và bán đến tầm ba giờ sáng hôm sau thì về. Guồng quay ấy cứ đều đều ngày này qua ngày khác. Mùa hè cũng như mùa đông, ngày nắng cũng như ngày mưa. Lịch thời gian này đã quen thuộc không chỉ với người bán mà còn với cả những khách hàng quen. Chị kể: “Trước đây, khi chưa nhiều người bán hàng như bây giờ thì mỗi tháng cũng để ra được vài triệu. Nhưng bây giờ, đoạn đường này chưa đầy một km mà có đến cả chục hàng thế này nên khó bán lắm! Dẫu khó khăn nhưng mỗi tháng hai vợ chồng cũng chắt chiu bỏ ra được một ít gửi về quê cho ông bà nuôi cháu”.

Bình quân mỗi ngày chị bán được khoảng 30 cái bánh mì kẹp các loại với giá dao động từ 10 đến 15 nghìn đồng và khoảng hơn chục bắp ngô kèm mấy thứ đồ linh tinh khác: “Nhiều lúc cũng nản nên muốn về quê làm ruộng. Ở quê dù thu nhập không cao nhưng được cái cuộc sống bình yên, an lành. Song những lúc nông nhàn thì lại không có tiền chi tiêu. Đi bán như này dù sao vẫn túc tắc có đồng ra, đồng vào”.

Miệt mài bám phố

Giữa những đống trái cây ngổn ngang bên ngoài chợ đầu mối Long Biên là xe ba gác bán hoa quả của chị Trần Thị Hoa. Sáng, chị đi từ lúc sáu giờ qua những khu trọ công nhân, sinh viên ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy để bán hàng với giá rẻ hơn so với chợ. Trưa, chị về phòng trọ hoặc ghé tạm một mái hiên bất kỳ bên đường để nghỉ rồi chiều lại đạp xe đi tiếp tới tối. Ngày nào nhiều người mua, chị kiếm lời khoảng vài trăm nghìn đồng, bữa ế thì chỉ mấy chục nghìn đủ tiền gạo mắm trong ngày.

Câu chuyện với chị giữa chừng gián đoạn bởi từ xa có tiếng vọng tới: “Xe kìa, xe kìa!”. Trông ra thì là xe phường đi dẹp trật tự đường phố. Chị lật đật lên xe đạp chúi vào một con hẻm gần đó. Cách đây vài tháng, chị bị tịch thu luôn xe hàng, tính ra tiền vốn hơn triệu đồng. “Nhiều lúc thấy bán hàng vất vả mà cực nhọc quá. Người nghèo như chúng tôi ra Hà Nội chỉ biết bán buôn nhỏ lẻ, cũng biết là mất mỹ quan đô thị nên chúng tôi chỉ bán cho mấy khu công nhân, sinh viên nghèo, cũng xa trung tâm mà...”, chị nói.

Hỏi về dự định tương lai, chị chỉ cười: “Ở tuổi này khó xin việc lắm, trình độ tay nghề lại không có nên chẳng công ty nào nhận. Ở nhà trồng lúa năng suất mỗi năm thu hoạch được có đáng bao nhiêu! Thôi thì vất vả nhưng cũng còn kiếm được vài đồng để tích cóp nuôi con ăn học”. Cũng may, hai đứa nhà chị đều chăm ngoan, học giỏi. Năm nào cũng đạt học sinh giỏi toàn trường nên chị phấn khởi lắm. Đời cha mẹ chúng đã vất vả mưu sinh nhọc nhằn nên chúng phải cố gắng học hành thật tốt để tương lai sau này khá hơn.

Nói xong, chị thở dài, mắt lại nhìn xa xăm ngóng khách. Có điều, ngồi đã mấy tiếng rồi mà vẫn chưa thấy ai hỏi thăm hàng...