Lệch ca vẫn lo ùn ứ

Sau 10 năm ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ, tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế khiến đề án này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tại không ít cơ sở giáo dục, việc thực hiện đề án còn mang tính gượng ép vì nhiều lý do khác nhau.

Học sinh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục học lệch giờ để tránh kẹt xe.
Học sinh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục học lệch giờ để tránh kẹt xe.

Hết ùn tắc trước cổng trường

Tại Hội thảo “Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục trên địa bàn thành phố” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bên liên quan, đề án lệch ca, lệch giờ đã phát huy tác dụng: “Công bằng mà nói là nhờ có đề án này, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giờ đây đã giảm rõ rệt. Hiện nay tại các cổng trường không còn tình trạng ùn tắc nữa. Nếu có chỉ là ùn ứ tại một số cổng trường”.

Theo đề án lệch ca, lệch giờ, giờ vào học và tan trường của các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông tại 24 quận, huyện được điều chỉnh trễ hơn 15 phút so với trước kia để hạn chế tình trạng ùn tắc vào giờ tan tầm. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn cũng được ngành GD&ĐT yêu cầu ký kế hoạch liên tịch với địa phương cam kết bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông trước cổng trường. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, Sở còn yêu cầu các trường chủ động phối hợp điều chỉnh lệch giờ giữa các khối lớp, giữa các trường trong cụm trên các tuyến đường trọng điểm để hạn chế ùn tắc. Các tổ tự quản trật tự giao thông được thành lập tại nhiều trường nhằm hỗ trợ sắp xếp chỗ đón, giờ rước học sinh phù hợp với tình hình thực tế. Những trường có sân bãi rộng như Tiểu học Lương Định Của (Q.3), Tiểu học Minh Đạo (Q.5), THCS Lê Quý Đôn (Q.11)… chủ động mở cửa cho phụ huynh vào đón học sinh; những trường không có sân bãi cũng cố gắng phân bố giờ đón và luồng xe phù hợp, hạn chế tình trạng lộn xộn trước cổng trường, mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Nhiều hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những mặt làm được, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới đề án lệch ca, lệch giờ của ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đề án này chưa tác động nhiều đến luồng giao thông trên đường vì nhóm đối tượng học tập và làm việc theo khung giờ cố định chỉ chiếm khoảng 30-35% trong tổng số lưu lượng giao thông trên đường. “Với độ lệch về thời gian đi và về giữa các bậc học chênh nhau khoảng 15 phút, hiệu quả tác động đến các luồng giao thông trên đường, góp phần giảm ùn tắc là không nhiều. Qua khảo sát, chủ yếu đề án lệch giờ của ngành GD&ĐT góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ngay tại cổng trường”, Tiến sĩ Dư Phước Tân phân tích.

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đề xuất, trước khi triển khai bước đi kế tiếp, những bên liên quan cần lắng nghe ý kiến người trong cuộc, cụ thể là phụ huynh học sinh. Ngoài ra cũng cần quy hoạch lại trường lớp, phương tiện giao thông, làm sao để học sinh được học gần nhà, chủ động đi xe buýt, xe đưa rước thì sẽ giảm ùn tắc giao thông. “Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề án này là phụ huynh học sinh, do vậy chúng ta cần tham khảo ý kiến của họ. Tôi thấy việc đưa ra khung giờ như hiện nay còn nhiều bất cập. Giờ tan trường bậc tiểu học là 16 giờ 45 phút, THCS là 17 giờ 15 và THPT là 17 giờ 30 phút . Trong khi đó giờ tan sở của cán bộ, công nhân viên chức là 17 giờ. Yêu cầu người ta đi sớm thì được rồi nhưng yêu cầu rước học sinh sớm thì công chức có con phải đi về sớm chứ không ai đón con mình? Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan, đơn vị”, ông Trung nói.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc bảo đảm trật tự giao thông trước cổng trường, ngành giáo dục cũng cần siết chặt hoạt động của các cơ sở giáo dục quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ vì trên thực tế rất nhiều vụ ùn ứ diễn ra tại các vị trí này: “Khi thỏa thuận cấp phép cơ sở, trung tâm nào cũng cam kết có bãi đậu xe và phối hợp với chính quyền địa phương để bảo đảm trật tự giao thông. Thế nhưng khi hoạt động, nhiều nơi lại không thực hiện đúng. Do vậy, trong quá trình hoạt động, nếu trung tâm nào để xảy ra tình trạng ùn tắc mà không xử lý thì cơ quan có thẩm quyền hoặc chính quyền địa phương phải có biện pháp cứng rắn hơn”.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đề án lệch ca, lệch giờ trên cơ sở điều chỉnh những bất cập hiện có. Việc xử lý hành vi vi phạm, công tác tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh và việc phối hợp giữa các bên liên quan sẽ được thực hiện quyết liệt hơn để đề án đi sâu vào đời sống, tạo được thói quen tích cực cho nhiều người.