Nỗi niềm sống ở chung cư

Hiện nay, nhiều người có xu hướng muốn sống ở chung cư thay mặt đất một phần vì lợi ích kinh tế, một phần vì sự tiện lợi mà loại hình nhà ở này mang lại. Tuy nhiên, lối sống cũ cùng sự thiếu ý thức của một số người khiến cuộc sống ở chung cư không hẳn đã như mong đợi.

Hàng quán bủa vây chung cư khiến cuộc sống nơi đây có phần ngột ngạt.
Hàng quán bủa vây chung cư khiến cuộc sống nơi đây có phần ngột ngạt.

Người già e ngại

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (Xa La, Hà Đông) sau thời gian tìm hiểu một số dự án nhà chung cư đã quyết định xuống tiền mua nhà. Nhưng điều vợ chồng anh lo lắng nhất đó là làm sao thuyết phục được bố mẹ về ở cùng bởi tính các cụ chỉ thích ở nhà mặt đất, có sân, có vườn và nhất là có hàng xóm láng giềng trò chuyện.

Anh kể: Có lần, mẹ anh muốn cùng mấy người bạn đồng niên đi thăm người quen bị ốm mà hỏi địa chỉ mãi mới tới, dù cái địa chỉ dài loằng ngoằng không dễ tìm ấy đã ghi ra giấy rồi. Tìm đến nơi hết hơi vì phải lòng vòng qua năm cái tòa nhà T mới đến. Vào chìa giấy ghi địa chỉ ra hỏi phòng bảo vệ thì người ta nói đúng rồi, nhưng là sảnh A hay B vì hai sảnh đều có số y chang nhau. Thế là các cụ lại phải gọi điện hỏi sảnh nào, chủ nhà mới biết mà xuống đón. Từ lần ấy, mẹ tôi “dị ứng” với nhà chung cư. Dẫu vậy, sau nhiều lần thuyết phục cũng như chẳng còn cách nào khác, cụ đành chấp nhận cùng con cháu leo lên tầng 15 để ở. Vì đơn giản, đó là lựa chọn duy nhất của cả gia đình.

Quả thực, người già khi tuổi đã cao, sức đã yếu thường chỉ muốn sống những nơi thanh bình, thoáng mát, yên tĩnh chứ không thích nhà chung cư bởi nhiều khi sự tù túng như ở tù giữa toàn bức tường khép kín khiến các cụ khó chịu. Hơn nữa, nhiều tòa nhà có những quy định gắt gao như ra vào phải có thẻ, không được tùy tiện vứt rác ngoài hành lang chung, không được gây ồn ào... khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình.

Giống như anh Thành, chị Giang, sống ở khu đô thị (KĐT) Sài Đồng (quận Long Biên) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi sống cùng bố mẹ già ở chung cư. Chị kể, vợ chồng mình tích cóp bấy lâu cũng dành dụm được chút tiền mua nhà. Có nhà rồi nghĩ các cụ ở quê quay ra quẩn vào thui thủi hai ông bà với nhau nên không yên tâm, nhất là những lúc đau ốm không ai bên cạnh nên mình đưa các cụ lên sống cùng con cháu cho gia đình đầm ấm, tiện luôn phần chăm sóc các cụ. Thời gian đầu không sao, nhưng được mấy tháng thì bà nhất quyết đòi về quê. Lúc ấy mình nghĩ không biết làm gì sai để bà giận mà đòi về, sau hỏi thì hóa ra bà bảo ở thành phố buồn quá, lại chả có việc gì làm, suốt ngày ru rú trong nhà xem ti-vi nên bà không chịu nổi. Ở quê bà còn có thể chạy chỗ nọ, chỗ kia nhà hàng xóm. Nay ở đây bà chả quen ai, cũng chả có việc gì làm nên bà muốn về quê. Ở quê có con lợn, con gà mà chăm nên tay chân bà đỡ thừa thãi. Nghe bà nói vậy, chị cũng chả biết làm thế nào nên đành phải để các cụ trở về sống ở quê, chị nói.

Muôn sự nhiêu khê

Có một thực tế rằng, sống ở chung cư đôi khi không hề dễ chịu như nhiều người vẫn tưởng. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 6 giờ sáng là cư dân tại các tòa nhà chung cư KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai) lại bị đánh thức bởi sự ồn ào của những quán ăn sáng. Tiếp đó là tiếng xe cộ, tiếng trẻ con, người lớn chen chúc nhau ở hành lang... đã phá tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi sáng.

Chị Nguyễn Thị Hằng, cư dân sinh sống tại tòa nhà VP3 của KĐT Linh Đàm cho biết: Mỗi buổi sáng, khu sảnh tòa nhà không khác gì cái chợ, chưa kể có nhà hàng xóm mới sáng sớm đã mở nhạc to vang khắp cả tầng. Nhiều hôm thức dậy muốn mở cửa sổ để hưởng tí không khí thoáng mát thì lại nghe thấy tiếng ồn nên đành phải đóng lại. Nếu biết sống ở chung cư mệt mỏi như vậy thì vợ chồng chị cũng cố gắng mua đất xây nhà. Bởi theo chị, ở chung cư có không gian chung nhưng nhiều người vẫn nghĩ không gian đó của riêng nhà mình. Có gia đình đánh mắng sỉ nhục nhau, đánh con cái cả tầng đều nghe thấy, rồi chuyện vứt rác, khạc nhổ bừa bãi... xảy ra như cơm bữa. Đặc biệt, vì thiếu sân chơi cho trẻ em chung cư nên cứ chiều đến trẻ con các nhà lại đùa nghịch, chạy hò hét om sòm quanh hành lang có khi đến tận đêm.

Hiện nay, ở nhiều chung cư đã có quy định chung cấm nuôi động vật, song không ít nơi vẫn bất chấp nuôi thú cưng. Có điều, không phải ở đâu ý thức giữ gìn vệ sinh chung cũng được thực hiện nền nếp, đến khi phân, nước tiểu của chó mèo xuất hiện trong thang máy, hành lang công cộng, sân chơi cho trẻ em bốc mùi hôi thối, gây mất vệ sinh thì sự bức xúc của cư dân trong tòa nhà cũng tăng lên.

Chị Dung, sống tại tòa nhà CT3, KĐT Linh Đàm cho biết: Có lần tôi vừa mở cửa ra đã thấy ngay bãi phân chó trước cửa. Lúc đó, tôi không biết phải tìm ai mà nói lý, đành ngậm ngùi bỏ qua nhưng rõ ràng sự thiếu ý thức như vậy thì khó chấp nhận được. Không những vậy, khi thấy phân chó thì không người nuôi nào nhận là của chó nhà mình dẫn đến to tiếng tranh cãi. Và nếu chó đi lạc thì tờ rơi tìm thú cưng lại dán đầy các tầng hoặc trong thang máy.

Chung cư được coi là loại hình nhà ở phù hợp với xu thế xã hội hiện đại, thế nhưng khi người dân sinh sống trong tòa nhà chưa tự ý thức được trách nhiệm giữ gìn không gian sống chung mà mạnh nhà ai nhà nấy làm, chắc chắn sự bất cập sẽ còn xảy ra nhiều. Đặc biệt, trong tình trạng phát triển nhà ở hiện nay, nếu không có những điều luật quy định cụ thể, sự bất ổn xuất phát từ chính những hộ dân trong tòa nhà sẽ còn tiếp diễn.