Nhiều trang du lịch, ẩm thực Đà Nẵng trong danh sách liệt kê các quán ăn đã cập nhật thêm địa chỉ các quán bún đậu mắm tôm. Quán Cuội (đường Lý Tự Trọng), quán Cây Khế (đường Nguyễn Du), quán Mẹt (Lê Lợi), quán Anh Ruồi (Nguyễn Lương Bằng). Ngoài ra, còn nhiều quán khác nằm trên đường Trưng Nữ Vương, đường Hải Phòng và mới đây, quán Hương Bắc trên đường Đống Đa cũng vừa khai trương.
Không như bún mắm miền trung dùng bún rối, bún đậu mắm tôm phải dùng bún nắm (bún lá) để chấm. Các chủ quán bán bún đậu ở Đà Nẵng cho biết, bún nắm cắt thành từng miếng không được sản xuất phổ biến ở đây. Chủ quán bún Cuội cho hay: “Chúng tôi phải đặt hàng mới có”. Đến quán thưởng thức, nhiều người đã từng ăn món này ở Hà Nội đều có chung nhận xét bún mỏng và ít hơn. Việc “mỏng cơm, ít bún” ấy có lẽ hợp với người làm văn phòng. Còn với những người lao động thì sao? Cô Mai, bán rau ở chợ Đống Đa (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Để ăn chơi vui thôi chứ 35 nghìn đồng một suất lèo tèo vậy thì tui ăn cơm cho chắc dạ”.
Khác những quán bún đậu mắm tôm chỉ bán theo giờ cố định ở miền bắc, việc kinh doanh bún đậu mắm tôm ở Đà Nẵng thường được mở theo dạng cửa hàng, bán suốt ngày nên khách cũng “lai rai” không ra bữa trưa cũng chẳng ra bữa xế. Có khách vào quán gọi món nhưng lại ngồi ăn uống “thông” đến chiều muộn nên để tận dụng mặt bằng kinh doanh, nhiều quán thường phải bán thêm mì Quảng, phở, bánh cuốn, các loại nem rán, bánh canh kèm nước giải khát, bia, rượu.
Chủ quán Hương Bắc cho hay: “Khi thuê mặt bằng mở quán bán món ăn này chúng tôi cũng lo lắm. Đành rằng quán đề bún đậu mắm tôm, nhưng vẫn phải bán thêm bún chả, bún giả cầy… để khách có nhiều lựa chọn”. Quán ăn Hà Nội trên đường Nguyễn Chí Thanh nhắm vào tầng lớp khách hàng trẻ hơn bằng việc thêm vào thực đơn một số món ăn vặt như nem rán, nộm đu đủ, bánh gối…
Việc xuất hiện hàng ăn mới, lại không phải món ăn đặc trưng thường nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Những cuộc thảo luận về món ăn ở thành phố này bán ra sao, ở thành phố khác bán thế nào luôn là câu chuyện của các diễn đàn ẩm thực. Chủ quán Cuội là người Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi từng ăn món này ở Hà Nội. Để mở quán kinh doanh thì lên mạng tìm hiểu. Nguyên liệu chính là mắm tôm thì tìm nhà cung cấp gửi từ ngoài bắc vào, rồi chế biến gia giảm chút để hợp khẩu vị người miền trung. Món của người Việt mình nên dễ làm thôi mà. Tuy nhiên, muốn ăn ngon bạn phải đến quán bởi đậu rán ăn nóng tại chỗ mới ngon. Khi mang món này về nhà, mọi thứ đã nguội, phần nào mất đi sự tinh tế”.
Sinh sống ở Đà Nẵng nhưng mỗi tháng anh Lê Văn Quân đều đi Hà Nội công tác một lần. Vì đi nhiều nên anh khá rành ẩm thực miền bắc và quyết định rủ bạn ở phố cổ Hà Nội vào đây mở quán bún đậu. Khoe ẩm thực Đà Nẵng, anh Quân chỉ kể đến món bún chả cá “quốc tỉnh, quốc thành” của anh với thương hiệu bà Phiến, nhưng chưa “xuất khẩu” ra Hà Nội được. “Thế nên tôi mới không thể rời Đà Nẵng chỉ vì không xa được quán bún chả cá này”, anh nói. Theo câu chuyện của anh Quân, nhiều người Hà Nội sinh sống ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã mang theo những món ăn dân dã này đến các thành phố. Ban đầu, họ bán cho người quen, những người đã từng ăn và rồi tiếp tục lan tỏa đến những người dân sở tại.
Thế nhưng, liệu bún đậu mắm tôm có làm cho món mỳ Quảng, món cuốn của Đà Nẵng thu hẹp thị trường? Nhiều người cho rằng nó không những không giảm mà còn tăng thêm sự nhộn nhịp của phố phường, góp phần làm đa dạng thêm văn hóa ẩm thực Việt Nam để du khách có nhiều sự lựa chọn khi đến vùng đất du lịch này.