Tách biệt với thế giới bên ngoài
Nằm bên cạnh hồ Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) là hơn chục mái nhà lụp xụp, nhếch nhác với mấy mươi con người chấp nhận sống chui rúc trong không gian chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. “Xóm tạm” này là một dãy nhà tạm bợ, ẩm thấp, ám khói và bụi bặm bên cạnh sự ô nhiễm của hồ. Công việc của cư dân nơi đây chủ yếu là thu mua đồng nát, bốc vác, nhặt phế liệu nên không khó để nhận thấy đây là nơi hội tụ của tất cả những loại rác thải độc hại. Tất cả hòa quyện tạo nên một thứ mùi đặc quánh, nồng nặc rất đặc trưng, đúng như tên gọi “xóm rác”.
Dẫu vậy, đây không phải xóm ngụ cư duy nhất trên địa bàn thành phố. Nằm ngay trong khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy) hiện đại, ít người nghĩ rằng nơi đây lại tồn tại một dãy nhà xây thô gồm 34 căn hộ liền kề kiên cố nhưng để hoang hóa đã hơn chục năm nay. Hiện tại, dãy nhà này đang là chỗ ở của hàng trăm công nhân và người vô gia cư.
Anh Nguyễn Văn Bình sống tại đây cho biết, khu nhà có hàng chục hộ gia đình sinh sống, chủ yếu là người Nam Định, một số khác ở Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang..., mỗi căn nhà có khoảng 7 - 10 người ở. Vì bỏ hoang quá lâu nên nhiều người lao động nghèo, người vô gia cư đã đến thuê rồi cải tạo khu nhà thành nơi ở tạm. Có điều, do không có sự quản lý của chính quyền cũng như chủ đầu tư dự án nên cuộc sống ở đây khá lộn xộn, thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh - trật tự...
Có lẽ, nổi tiếng nhất vẫn là xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng. Cho đến tận bây giờ, nhiều cư dân ở “xóm ngụ cư” này vẫn giữ nếp sinh hoạt của thời... ngày xưa. Lâu nay họ vẫn quen với bếp củi, đèn dầu bởi điều kiện hạ tầng không điện, không đường, không nước sạch... không cho phép họ có được cuộc sống đàng hoàng. Mỗi năm vào mùa nước lên, nơi này lại trở thành một “ốc đảo” bốn bề mênh mông nước. Chỉ vài năm gần đây, điều kiện kinh tế khá hơn nên hầu hết các gia đình đều lắp tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ đủ để lấy điện thắp sáng và xem tivi... Cuộc sống của những cư dân nơi đây vẫn gần như tách biệt với thế giới bên ngoài dù cách trung tâm thành phố chỉ vài trăm mét.
An cư bằng cách nào?
Hà Nội hiện có không ít khu “ổ chuột” nằm xen với những tuyến phố lớn. Đặc điểm chung ở những nơi này là thiếu thốn đủ thứ từ điện đến nước sinh hoạt... nhưng rác thải, nước thải thì luôn có thừa. Một điểm tương đồng nữa của những xóm ngụ cư là cuộc sống vất vả, nghèo nàn và đầy rẫy bi kịch. Họ chấp nhận làm đủ thứ nghề chân tay nặng nhọc, từ bốc vác, bán hoa quả rong, đánh giày đến thu gom đồng nát..., miễn là có tiền và không phạm pháp.
Dẫu vậy, với thu nhập bấp bênh tính theo ngày thì chuyện tìm được nhà trọ với giá rẻ để thuê là không dễ. Do đó, họ thường rủ nhau “nhồi” càng nhiều người càng tốt để gánh chung tiền thuê nhà và ăn uống đơn giản sao cho tiết kiệm nhất. Bởi thế, những dãy nhà liền kề tại những khu đô thị bị bỏ hoang, những căn biệt thự xây thô trên mảnh “đất vàng” vô chủ đã trở thành nơi tá túc lý tưởng cho nhiều người lao động nghèo.
Hiện tại, chủ trương của TP Hà Nội là ưu tiên phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để tiếp cận được những căn hộ chung cư giá rẻ hoặc nhà ở xã hội thì người mua vẫn phải có được số tiền khá lớn. Giá mỗi m2 sàn thấp nhất cũng từ 12 triệu đồng trở lên, nghĩa là ít nhất người mua phải có 700-800 triệu đồng thì mới có khả năng sở hữu một căn hộ. Với số tiền ấy, ngay cả những người làm công ăn lương, Nhà nước muốn mua cũng khó chứ chưa nói đến lao động nghèo. Vậy thì cơ hội sở hữu một căn nhà đối với họ chỉ như nằm mơ giữa ban ngày.
Từ thực tế trên, có lẽ việc làm cấp thiết hiện nay là các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời triển khai, kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà trọ giá rẻ cho thuê, tạo điều kiện cho những người lao động nghèo có cơ hội tiếp cận nơi ở an toàn với mức phí chi trả thấp, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống.