Giữ hồn quê giữa phố

Mong muốn lưu giữ nét quê giữa lòng phố thị, gần hai tháng nay, các thành viên Hội quán Các bà mẹ tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên chợ đặc biệt vào mỗi sáng chủ nhật. Không chỉ bày bán, giới thiệu các sản phẩm làng nghề độc đáo, các tiểu thương nghiệp dư nơi đây còn hướng mọi người đến lối sống xanh với nguồn thực phẩm an toàn, thân thiện môi trường.

Khách tỉ mẩn chọn lựa những món đồ ưng ý tại chợ quê.
Khách tỉ mẩn chọn lựa những món đồ ưng ý tại chợ quê.

Chợ quê ở… quán cà-phê

Cứ vào sáng chủ nhật, nhiều người Sài Gòn lại tìm đến quán cà-phê Sấu tại quận Phú Nhuận để tận hưởng bầu không khí quen thuộc của… chợ quê. Như tách biệt với bên ngoài nhộn nhịp, phiên chợ này không ồn ào cũng chẳng một tiếng mặc cả dù lượng người tham quan, mua sắm khá đông. Chợ bé lắm, chưa đến 10 gian nhỏ nhưng đủ đầy quà quê. Người ta bày bán từ mớ rau, nhúm hành ớt mới cắt tại vườn đêm qua cho đến trái cam, trái quýt còn thơm mùi sương sớm. Món ăn dân dã các vùng miền cũng được bày bán. Bánh bèo Bình Định, tàu hủ miền trung, bánh tằm miền Tây Nam Bộ, hồng Đà Lạt hay như mấy món ăn vặt quen thuộc của người miền nam ở đây có đủ dù mỗi thứ chỉ một ít gọi là cho… đỡ nhớ quê. Ngồi đợi chị chủ sạp chậm rãi múc từng vá tàu hủ nóng hổi vào cái chén sành đã cũ, anh Nguyễn Văn Thiệp, một người dân sống tại quận 1, mỉm cười. “Sạp này làm tôi nhớ tuổi thơ của mình ghê gớm. Hồi đó cả nhà tôi sống ở Huế, cứ chiều chiều lại theo các chị ra trước nhà đợi gánh tàu hủ ăn. Mùi gừng quyện với đường vàng nấu cộng với mùi thơm của tàu hủ nóng tạo nên hương vị khó quên. Vào Sài Gòn mấy chục năm rồi giờ mới thấy nơi bán tàu hủ đúng ý của mình”, anh Thiệp vừa hít hà hương thơm của chén tàu hủ nóng hổi vừa nói.

Không chỉ bày bán thức ăn, thực phẩm sạch, an toàn đúng kiểu “của nhà trồng được”, chợ phiên thú vị này còn dành nhiều sạp hàng để giới thiệu sản phẩm độc đáo từ các làng nghề nổi tiếng. Ngay giữa chợ là không gian trưng bày sản phẩm thủ công làm từ nứa, tre, lục bình hay sen. Kế đó là khu vực bày bán nhang trầm, trà xanh và các loại bánh quê. Nổi bật nhất chợ là gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm của làng nghề giàu truyền thống xứ Quảng - lụa Mã Châu. Áo dài, áo bà ba và cả trang phục búp bê được may trên nền lụa tự nhiên thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều khách còn nhờ đo may áo dài ngay tại chỗ sau khi tỉ mẩn chọn từng mầu lụa, hoa văn. Nhìn cách mà họ nâng niu, xuýt xoa khi chiêm ngưỡng vẻ mộc mạc của từng tà áo dài mới thấy hồn quê là điều ai cũng trân quý, giữ gìn.

Họp chợ để kết nối yêu thương

Thế nhưng, điều đặc biệt nhất của phiên chợ này vẫn là mục đích hình thành và hướng phát triển của nó. Chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ cho biết: “Bên cạnh việc muốn giới thiệu đến người dân Sài Gòn đặc sản các vùng quê, tụi mình còn muốn chung tay bảo vệ các làng nghề. Các sản phẩm chọn giới thiệu ở đây đã được tụi mình đến tận các làng nghề từ miền trung đến miền nam tìm hiểu, chọn lựa. Đến các làng nghề mới thấy hết được sự tâm huyết, tận tụy của các nghệ nhân. Họ đang cố từng ngày giữ lấy nét văn hóa của dân tộc thì làm sao mình làm lơ được! Tụi mình còn muốn duy trì thói quen đẹp cho nhiều gia đình thành phố là cùng nhau đi chợ, cùng nhau trò chuyện và tìm hiểu những điều thú vị. Giữa bộn bề cuộc sống, cả nhà có những phút giây vui vẻ bên nhau như vầy là điều đáng quý”.

Và đáng quý hơn nữa là tấm lòng biết sẻ chia của các bà mẹ và những em nhỏ tại hội quán. Họ cùng nhau họp phiên chợ để cung cấp cho mọi người nguồn thực phẩm xanh do chính gia đình họ tự trồng, tự làm hay đích thân tìm kiếm. Họ cùng nhau dạy bọn trẻ cách kiếm tiền từ sức lao động của chính mình. Họ mở các buổi giáo dục lối sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường nhằm hướng tới việc hình thành thói quen lành mạnh cho trẻ nhỏ. Họ tự nguyện đóng góp 10-15% doanh thu cho các hoạt động thiện nguyện hướng đến trẻ em vùng sâu, vùng xa và những người nông dân khó khăn tại địa phương nghèo. Thay vì nghỉ ngơi, đi chơi, các bà mẹ cùng chồng con của mình quyết định chọn làm những điều thật sự ý nghĩa vào dịp cuối tuần. Cứ vài tuần, số tiền gom góp được sẽ được các chị đổi thành sách thiếu nhi, thành các vật dụng giáo dục giới tính cho bé gái hay thiết thực hơn là thành những khoản đóng học phí, những phần học bổng tiếp sức các em nhỏ đến trường. Số tiền khiêm tốn đó còn được các chị trích ra mua cây bơ giống, mua dê… trao tặng cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc tại một huyện miền núi rất khó khăn ở tỉnh Lâm Đồng. Còn nhiều, thật nhiều việc tốt nữa đã được các gia đình nhỏ trong hội quán này thực hiện từ chính nguồn tiền họ chắt chiu đóng góp. Cùng với nguồn thu từ phiên chợ, các bà mẹ trẻ còn kêu gọi đóng góp từ người thân, bạn bè để mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các chương trình mà họ mong muốn hướng đến.