Trồng rau trên ban-công đón Tết

Không chỉ trồng hoa, cây cảnh, những năm qua ở Hà Nội nhiều hộ dân đã tự trồng rau xanh trên sân thượng để được sử dụng rau an toàn. Dịp Tết cận kề, nhiều hộ còn chuẩn bị trước cả tháng trời để có bữa ăn ngon.

Vườn trên gác đủ cho nhiều nhà có rau sạch đón Tết.
Vườn trên gác đủ cho nhiều nhà có rau sạch đón Tết.

Khi sân thượng, ban-công thành… vườn

Mùa nào thức ấy, lúc nào trên ban-công, tầng thượng của gia đình bà Đỗ Thị Quyên, ở số 3, ngõ 12 Lĩnh Nam, thuộc phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có rau xanh. Bà cho biết, hơn 20 năm qua bà đã trồng rau ở sân vườn. Khi phần đất đó dành cho con trai xây nhà thì bà chuyển sang hình thức trồng bằng thùng xốp. Hỏi lý do, bà cho biết trước đây là để tiện, đỡ lãng phí đất và cũng để tay chân đỡ buồn, nhưng những năm gần đây thì bà trồng vì rau ngoài chợ không an toàn. “Lúc nào nhà tôi cũng có khoảng 60 thùng xốp và hộp nhựa để trồng hành, tỏi, mồng tơi, rau muống, dưa leo. Đúng là trồng được và sử dụng thấy bữa cơm ăn ngon hơn. Vào ngày Tết thì nhu cầu rau cao hơn đấy. Các con tôi đã dặn đón xuân 2018 tôi ủ giá đỗ để ăn, ngoài ra từ tháng 11 tôi đã trồng một ít rau cải và su hào”, bà Quyên bộc bạch.

Một người có thâm niên 27 năm trồng rau xanh trên ban-công là ông Lê Văn Thanh, ở cuối ngõ 625 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy). Ông Thanh cho biết hiện ở quanh khu vực tổ dân phố nơi ông sinh sống cũng có hơn 20 hộ trồng rau trên ban-công, sân thượng, thậm chí còn ủ rau ở gầm giường. Ông Thanh chia sẻ: “Nhà tôi không trồng rau được trên sân thượng, nhưng ở ban-công trước và sau mỗi tầng, tôi đều tận dụng để trồng rau. Tất nhiên, mùa nào thức nấy bởi mỗi ngày chúng ta đều có nhu cầu về rau xanh, nhưng cầu kỳ hơn phải là dịp Tết đến, xuân về. Có năm tôi thử trồng cải thảo để Tết ăn lẩu, nhưng rau không lớn được. Khi trồng mồng tơi, cải sen thì năm nào con cái tề tựu về bên bố mẹ cũng được thưởng thức món rau tươi ngon”. Ông Thanh dẫn tôi lên ban-công, nhìn cách ông tận dụng những vỏ chai nước suối, những chiếc bình nhỏ, trong đó những thân rau mọc lên mơn mởn, mới thấy hết sự cầu kỳ của ông. Để làm được như vậy, theo ông Thanh người trồng cũng phải tỉ mỉ, hiểu được tập tính của từng loài rau, chịu được lượng nước thế nào, phát triển tốt ở thời tiết nào thì mới chăm được. Bởi thế có khi trời rét quá, cứ 16 giờ chiều ông phải chuyển rau vào phòng… cho ấm!

Ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân cũng có nhiều hộ biến ban-công, sân thượng thành vườn. Như khu vực phố Cù Chính Lan, nhiều hộ dân đã thuê người thiết kế giàn, chậu và công nghệ chăm sóc rau an toàn. Là người tự thiết kế cho mình vườn rau trên sân thượng hơn 30 m2, vợ chồng bà Trần Thị Tuất quanh năm có rau ăn và còn trồng được cả cây vối để đun nước uống. Với diện tích lớn như vậy, một gia đình ba đến bốn người sẽ không phải mua rau ngoài.

Phong trào phát triển

Nói đến kỹ thuật trồng rau, bà Trần Thị Tuất cho hay, rất nhiều người dân ở đô thị Hà Nội từng sống ở nông thôn, nắm rõ cách trồng và chăm sóc rau. Tuy nhiên do người nọ học theo phong trào trồng rau của người kia, kể cả chỉ trồng thời vụ để dùng trong mấy ngày Tết thì nhiều người không có kỹ thuật tốt nên rau không phát triển được, chăm bẵm tưới tắm suốt ngày mà cây rau vẫn còi cọc, thiếu sức sống. “Mấy lần không thành công thì sẽ nản”, bà Tuất nói. Cách nhà bà Tuất không xa là gia đình ông Lê Văn Bốn cũng có vườn rau ở… tít trên cao mà mỗi lần lên được, ông phải leo cầu thang, chui qua cái ô vuông bé xíu. Nhưng mãn nguyện vì mình đã chuẩn bị tươm tất một ô rau cải, hành, mồng tơi, rau thơm cho Tết 2018, ông Bốn tâm sự: “Trước đây còn sống ở quận Ba Đình, tôi đã trồng rồi. Nay nhà có cháu nhỏ, cần rau nấu cháo, tôi phải ươm thêm rau mầm trồng gầm giường. Và vì nhà đông người, nên lượng rau trồng ở nhà vẫn chưa đủ ăn, thi thoảng vẫn phải xuống chợ mua”.

Mấy năm nay ở Hà Nội, dịch vụ cung cấp công nghệ, phương tiện trồng rau khá phát triển. Thậm chí có hộ sân thượng rộng đến gần 100 m2 còn đón kỹ sư nông nghiệp về, thiết kế trồng nhiều loại rau, trong đó có nhiều thứ khó trồng trên cao, như cà chua, bầu, dưa leo, bí ngô… Ước tính ở Hà Nội có đến hơn 20 cơ sở cung cấp dịch vụ, công nghệ trồng rau. Chỉ cần đầu tư từ 1,2 - 2 triệu đồng, các gia đình đã có một vườn rau trên ban-công, với 10 - 15 khay rau và từ 2 - 5 triệu đồng là có một vườn rau trên sân thượng với nhiều chủng loại rau phong phú. Có cơ sở cung cấp dịch vụ trọn gói từ A tới Z. Tức là công ty sẽ đưa công nghệ, giá phẩm đến gia đình để trồng rau, còn gia đình sử dụng và trả phí hàng tháng. Chị Giáng Hương, kỹ sư nông nghiệp, Công ty rau sạch Haki cho hay: “Do nhu cầu sử dụng dịch vụ chăm sóc rau cao, công ty tuyển thêm các kỹ sư trẻ tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp được đào tạo bài bản. Hằng tuần các nhân viên sẽ đến thăm rau, xới xáo lại đất để diệt nấm bệnh, bổ sung dinh dưỡng cho cây...”.