Trúc chỉ, con đường chưa dừng lại

Tựa như một hồi ức của hành trình dài đi theo sự nghiệp tìm tòi cái đẹp, họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự đang chứng minh con đường chưa bao giờ dừng lại của môn nghệ thuật độc đáo này.

Khách thăm triển lãm “Trúc chỉ - Lời của Sông”.
Khách thăm triển lãm “Trúc chỉ - Lời của Sông”.

Từ hồn tre trúc

Ngắm, chạm, soi kỹ… từng tác phẩm nghệ thuật Trúc chỉ được trưng bày sang trọng tại triển lãm “Trúc chỉ - Lời của Sông” vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, tôi mới hay rằng đã tự thân mang trong mình một dáng hình, một tâm hồn và tự thoát ra ngoài hệ lụy ràng buộc của mỹ thuật. Tự thân những bức tranh Trúc chỉ dù bất kỳ dưới hình dáng nào, có thể là lụa, có thể là tranh, có thể là một chiếc đèn…

Tĩnh mà động. Họa tiết trong từng tác phẩm Trúc chỉ đan xen với mầu vàng ánh ngọc, được hiệu ứng bằng ánh sáng để bung tỏa hình như vẹn nguyên vẻ đẹp. Không phải người hiểu nhiều về loại hình nghệ thuật này, nhưng sự choáng ngợp mà Trúc chỉ đem lại trong tôi, thật sự cuốn hút.

Còn người đã bỏ công hơn chục năm qua với Trúc chỉ, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, người thành lập Dự án Trúc chỉ Việt Nam - đã không nhận mình là người thai nghén và cho ra đời Trúc chỉ - mà chỉ đơn giản, với anh, tự sâu trong tiềm thức mỗi người dân đất Việt - tre, trúc luôn là hình ảnh gợi mở đầy gần gũi, thân quen.

Để đưa được nghệ thuật Trúc chỉ đến với đời sống như hôm nay, anh và các cộng sự đã trải qua một hành trình dài nhẫn nại, kham khó và lao động thật sự. Đến thời điểm này, anh vẫn bị Trúc chỉ mê hoặc và hình như chưa thể có điểm dừng, vẫn đam mê đi trên con đường đưa và giới thiệu nhiều hơn loại hình nghệ thuật Trúc chỉ và đồ họa Trúc chỉ đến với thật nhiều người.

Dân tộc trong đương đại

Đến với nghệ thuật Trúc chỉ, mỗi người đều có cảm nhận riêng về vẻ đẹp trên từng tác phẩm. Sự đan xen giữa chất liệu truyền thống và công nghệ hiện đại đã thổi hồn lên từng họa tiết. Để được đón nhận, không chỉ dừng lại ở việc mang sản phẩm mới đó giới thiệu nhiều hơn với mọi người, mà chính ở giá trị tác phẩm/dòng nghệ thuật đó mang lại. Xác định một hướng tiếp cận, khai thác các giá trị văn hóa - nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh đương đại trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống kết hợp với tư duy, kỹ thuật và sự sáng tạo đương đại. Nghệ thuật Trúc chỉ đã góp phần tạo dựng một giá trị mới, góp thêm vào bề dày văn hóa - nghệ thuật đất cố đô Huế và cả nước.

Năm 2011, tác phẩm nghệ - thuật - giấy - tự - thân có tên là “Ngẫu” (80 cm x 190 cm) của Phan Hải Bằng được Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế trao giải thưởng Tác phẩm xuất sắc của năm. Tháng 3-2012, tác phẩm sắp đặt giấy Trúc chỉ có tên “Ngẫu liên” là đồ án tốt nghiệp thạc sĩ của họa sĩ Phan Hải Bằng MSU ở Thái-lan. Năm 2017, Phan Hải Bằng nhận học bổng ASIAN Scholarship Foundation (ASF) để thực hiện bảy tháng thực tế tại Chiang Mai cùng các vùng lân cận phía bắc Thái-lan, và Bắc Ninh (Việt Nam) để tiếp tục việc nghiên cứu về giấy và giấy thủ công Trúc chỉ…

Tôi được gặp nhiều bạn trẻ ở khắp mọi miền đất nước đang tham gia Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam tại triển lãm “Trúc chỉ - Lời của sông”. Những người trẻ đó, đang kế tiếp niềm mê đắm của họa sĩ Phan Hải Bằng. Vẻ mong manh của từng tác phẩm Trúc chỉ chính là thế mạnh để đánh thức mọi giác quan con người. Sâu thẳm hơn, đó là vẻ đẹp Việt bình dị. Phan Hải Bằng cùng các nghệ nhân, các cộng sự, đã và đang bước trên con đường đó. Tôi tin, họ không độc hành.

“Đời sống và sáng tạo là một sự vận động không ngừng nghỉ, cả hai đều lần lượt hiện ra với những biểu hiện mới, khác, lạ… như một phép tiếp biến tất yếu. Những giá trị truyền thống xưa cũ chưa bao giờ mất đi vô nghĩa, đó là tiền đề cho sự phục sinh đầy sáng tạo và mạnh mẽ. Đó cũng là cách đánh thức những giá trị văn hóa ẩn sâu bằng niềm đam mê, tình yêu, óc sáng tạo cùng năng lượng của con người”, hoạ sĩ Phan Hải Bằng tâm huyết.