Quản lý chặt chẽ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP. Trên cơ sở thống nhất về quy định điểm GPLX, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về: các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, bị tước quyền sử dụng GPLX trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Theo dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an đưa ra 28 nhóm hành vi mà lái xe sẽ bị phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó có các lỗi như: chạy quá tốc độ 10 - 20 km/giờ, chở quá số người: vượt trên 50 - 100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về ATGT trên cao tốc, chống đối người thi hành công vụ…
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cảnh sát giao thông (CSGT) nhận xét, hiện nay chúng ta đang quản lý người điều khiển phương tiện giao thông theo từng hành vi đơn lẻ. Nhiều nước trên thế giới đã có hệ thống trừ điểm. Quy định này là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện giúp cơ quan nhà nước có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của lái xe sau vi phạm. Khi được thực thi, nó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
“Khi lái xe vi phạm bị xử phạt, cơ quan quản lý sẽ trừ điểm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi. Khi bị trừ hết điểm thì GPLX đó hết tác dụng, họ sẽ bị thu hồi bằng lái và muốn được cấp lại sẽ phải thi lại. Thậm chí có nước còn bắt học lại luật “, Đại tá Bình cho biết.
Về số điểm 12 được cấp cho bằng lái, theo giải thích, con số này tương ứng 12 tháng dựa theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng. Số điểm không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết lái xe còn bao nhiêu điểm. Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục CSGT triển khai phần mềm xử lý vi phạm. Khi phần mềm ra đời, toàn bộ dữ liệu về phương tiện vi phạm, GPLX của người vi phạm sẽ được nhập vào hệ thống.
Cần tránh tiêu cực
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá, quy định này sẽ theo dõi một cách có hệ thống tình hình chấp hành quy định pháp luật khi người lái xe điều khiển phương tiện, góp phần giảm tai nạn giao thông. Trên cơ sở quy định này, các đơn vị, cơ quan có liên quan có thể sử dụng những dữ liệu được lưu trữ để tạo ra cơ chế khuyến khích người dân chấp hành tốt luật giao thông. Bước đầu thực hiện có thể người dân chưa quen và thấy bất tiện, nhưng khi đã đi vào nền nếp thì sẽ có hiệu quả thiết thực.
Trên thực tế, năm 2003, nước ta từng áp dụng hình thức bấm lỗ trên GPLX. Đến năm 2007, Nghị định 146 ra đời đã bãi bỏ quy định bấm lỗ, thay bằng phạt tước GPLX theo thời hạn. Nay Bộ Công an tiếp tục đề xuất trừ điểm GPLX. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn làm được điều này thì cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu... và phải có sự giám sát chéo để tránh tiêu cực.
Đồng tình quy định trừ điểm song đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại khi công việc này chỉ do một đơn vị thực hiện, rất dễ dẫn đến sai sót, có tiêu cực. Có thể người vi phạm sợ phải thi lại bằng nên dẫn đến có sự “mặc cả” với CSGT trong việc xử phạt. Đại biểu nhấn mạnh, trong việc này để phòng tránh tiêu cực thì trách nhiệm đầu tiên phải là của Bộ Công an. Bên cạnh đó, còn có những băn khoăn khác. Là một lái xe chuyên tuyến Tây Bắc, anh Nguyễn Văn Tùng nhìn nhận: Trừ điểm là một áp lực khiến chúng tôi phải cẩn thận hơn mỗi khi ra đường. Tuy nhiên mỗi năm chỉ có 12 điểm, nếu vi phạm nào cũng bị trừ thì những lái xe ô-tô, xe tải... phải đi thi lại liên tục. Mỗi lần nộp hồ sơ thi cũng mất sáu tháng, như vậy cực kỳ tốn kém tiền của, công sức. Tôi cho rằng chỉ nên trừ điểm những lỗi nghiêm trọng do cố ý và tái phạm nhiều lần.