Tây Nguyên trong mối lo hạn hán

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum xác nhận, 80 hồ chứa thủy lợi có mực nước xuống thấp nhất. Theo thống kê, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Đắk Lắk thường là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hạn hán ở vùng Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hồ thủy lợi tại Kon Tum đang cạn kiệt.
Nhiều hồ thủy lợi tại Kon Tum đang cạn kiệt.

Đi tìm nguồn nước

Sông Pô Cô đang trong mùa hạn hán mực nước thấp hơn so cùng kỳ năm trước từ 40-65%. Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum cảnh báo trong tháng 4 và tháng 5, các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Ia H’Drai… sẽ thiếu nước trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ đường Nguyễn Trãi, thị trấn Sa Thầy (Sa Thầy, Kon Tum), cho biết: “Tôi có 1 ha cà-phê, mỗi năm cần khoảng 2.500-4.000 m3 nước. Nhưng hạn hán, mực nước sông cạn kiệt thế này, mưa chưa về, khó mà tìm được lượng nước tưới bổ sung cho cây”.

Nhiều hộ trồng cà-phê cho hay, sau quá trình trổ bông, những trái cà-phê non cần một lượng nước đủ để phát triển. Việc thiếu nước có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trái cà-phê như giảm kích thước của trái trên mỗi cây, dẫn đến giảm sản lượng tổng cộng. Thiếu nước, một phần trái cà-phê có thể không phát triển đầy đủ hoặc bị rụng sớm, gây thất thoát trái và giảm năng suất. Ths nông nghiệp Trần Thị Thu Hòa, Trung tâm Nấm và Nông nghiệp hữu cơ Gia Lai, cho hay: “Thiếu nước có thể dẫn đến sự phát triển không đồng đều của trái cà-phê trên cùng một cây, làm giảm chất lượng hạt và độ đồng đều của hạt”.

Nhiều người buôn bán cà-phê lâu năm ở Đắk Lắk có cùng một suy nghĩ về tình trạng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên. Chị Cao Thị Sen buôn bán cà-phê ở Buôn Kao, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột), cho biết: “Hồ Ea Kao năm nay cũng vơi cạn. Nước là yếu tố quan trọng hình thành màu sắc và hương vị của trái cà-phê. Thiếu nước có thể làm giảm chất lượng và giá trị thương mại của sản phẩm”.

Cần cơ chế tưới tiêu hiện đại

Tình trạng hạn hán và thiếu nước ở Tây Nguyên là câu chuyện dài chưa có hồi kết. 35 hồ đập trong tỉnh Đắk Nông trong mực nước chết, ảnh hưởng khoảng 2 triệu ha cây trồng không có nguồn nước bổ sung chống hạn. Kỹ sư công trình thủy lợi Đắk Lắk Phan Lê Việt cho hay: “Tây Nguyên là vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng của khí hậu cận khô. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu có thể gây ra các biến động không lường trước trong mô hình thời tiết, bao gồm cả sự gia tăng hạn hán và mưa lũ cực đoan”.

Ở phương diện thổ nhưỡng, đất ở Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ bazan không có khả năng giữ nước, gây ra tình trạng mất nước nhanh chóng. Cộng với việc sử dụng nước không hiệu quả trong nông nghiệp và sinh hoạt cũng góp phần làm gia tăng tình trạng hạn hán. “Các hoạt động can thiệp của con người như khai thác rừng, phát triển nông nghiệp vượt quá giới hạn có thể làm thay đổi quá trình tuần hoàn nước và gây ra hạn hán”, ông Việt cho hay.

Nhiều lòng hồ và dòng sông trên Tây Nguyên trong những ngày này, luôn phơi… đáy. Những địa điểm này cũng là điểm tập kết hàng chục máy bơm nước của các hộ trồng cà-phê. Đi qua những dãy cà-phê có thể thấy các giếng khoan tìm nước. Nhưng cũng ngạc nhiên khi người dân thường dùng vòi nước xối ào ào vào gốc cây cà-phê. “Đây là một cách tưới nước lãng phí. Đến một lúc nào đó, người Tây Nguyên cũng phải học cách tưới nhỏ giọt, tưới vừa đủ như cách làm của nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại đang thực hiện”, bà Trần Thị Thu Hòa chia sẻ.

Tìm nguồn nước ở đâu để tưới cho cây cà-phê đang là mối lo chung của nhiều vùng trồng cà-phê trên Tây Nguyên, đặc biệt trong các vùng đất khô cằn xa hồ thủy lợi hoặc sông suối. “Nhưng sông suối cũng “khát nước”, nói chi đến ruộng rẫy cà-phê”, ông Hoàng cho hay. “Nếu thiếu nước kéo dài, có thể dẫn đến mất mùa hoặc chết cây, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nền nông nghiệp và kinh tế gia đình”, bà Hòa lo lắng.