Báo động trẻ hóa bệnh nhân trầm cảm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, bệnh trầm cảm xếp ở vị trí thứ ba trong danh sách gánh nặng bệnh tật thế giới và trong tương lai năm 2030 sẽ đứng ở vị trí đầu tiên với tốc độ tăng trưởng như hiện tại. Điều đáng báo động là độ tuổi của bệnh nhân đang ngày càng trẻ hóa từ lứa tuổi trung niên xuống thanh, thiếu niên.
0:00 / 0:00
0:00
Các hoạt động tập thể lành mạnh sẽ giúp các bạn trẻ tự tin hơn. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Các hoạt động tập thể lành mạnh sẽ giúp các bạn trẻ tự tin hơn. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Người trẻ dễ mắc trầm cảm

Tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).

Người trẻ hiện nay dễ mắc trầm cảm hơn so các thế hệ trước. Một phần là do áp lực học tập và công việc, các vấn đề trong quan hệ xã hội, lạm dụng các chất kích thích, sử dụng mạng xã hội quá nhiều, thiếu kỹ năng xử lý căng thẳng... Ngoài ra còn có tác động đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội, công nghệ thông tin, sự thay đổi trong lối sống hiện đại ít vận động và thay đổi chế độ ăn uống. Nguyên nhân khác đến từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc, đồng cảm của gia đình và cộng đồng.

Biểu hiện dễ thấy của người trẻ mắc bệnh trầm cảm được thể hiện về mặt cảm xúc như buồn bã, chán nản, vô vọng kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động ưa thích, dễ cáu kỉnh, luôn có cảm giác lo lắng, bất an và tự ti. Nhiều trường hợp trầm cảm mức độ nặng còn có biểu hiện tuyệt vọng, làm hại bản thân và tự tử. Bạn Nguyễn Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, cấp 3 khá thân với một bạn tên L, tính tình hòa đồng, lúc nào cũng năng nổ, tích cực và rất nhiều bạn bè. Tuy nhiên khi lên đại học thì mọi người mất dần liên lạc với bạn ấy. Thời gian đầu không ai để ý, mãi đến năm 3 đại học mới nghe phong phanh bạn ấy bị trầm cảm, không liên hệ với ai, không đi họp lớp hàng năm cũng không về thăm nhà. Một người bạn trong lần hiếm hoi hẹn gặp được có kể lại rằng, ở cổ tay bạn ấy có dấu vết của việc tự hành hạ bản thân.

Căn bệnh này không gây đau đớn ngay lập tức để ta phát hiện mà nó âm ỉ trong tâm hồn người bệnh, giam lỏng ý chí của họ rồi từ từ nhen nhóm những hành động gây tổn thương cho cơ thể. Theo BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai): “Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18, tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn”.

Tầm quan trọng của việc điều trị

Trầm cảm có thể điều trị được bằng cả phương pháp hóa dược và điều trị tâm lý. Theo đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - ông Lại Đức Trường, các bác sĩ chuyên khoa có khả năng điều trị đều tập trung tại các thành phố lớn còn các ca bệnh trầm cảm thì không giới hạn về địa lý. Công tác chăm sóc bệnh nhân trầm cảm chưa được kết hợp vào hệ thống chung khiến nhiều trường hợp ở tuyến dưới không tiếp cận được với phương pháp điều trị. Đây có thể được coi là rào cản lớn trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm. Đa số người trẻ đều chủ quan với những biểu hiện của bệnh trầm cảm, tự cho rằng, có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực mà không cần đến sự trợ giúp, bỏ qua hoặc che giấu những bất thường đó khiến cho việc chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, các hoạt động đem lại sự khám phá, trải nghiệm mới, tìm kiếm niềm vui mới thường xuyên được tổ chức dành cho các bệnh nhân trầm cảm và các bệnh nhân khác liên quan đến thần kinh. Những buổi giao lưu này đem đến không khí náo nhiệt, tươi mới, góp phần đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực, vun đắp tinh thần người bệnh. Đối với những người chung quanh, khi có dấu hiệu bất thường về tâm lý, hay bông đùa về ý định tự tử thì hãy dành sự quan tâm có chừng mực đúng lúc để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Các chuyên gia khuyến cáo: Đột nhiên bình tĩnh và vui vẻ sau khi bị trầm uất nặng nề cũng có thể là dấu hiệu cho biết, ai đó đã quyết định tìm đến cái chết. Nếu bạn hay người thân đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, hãy tới ngay chuyên khoa để thăm khám.