Khó tự chủ tài chính ở các trường nông nghiệp

Theo mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 70% và phải có bằng cấp, chứng chỉ 30%. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ hiện nay đã khiến nhiều trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các trường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Kohno Sunji, Tỉnh trưởng tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) tham quan khu nhà lưới công nghệ cao tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Kohno Sunji, Tỉnh trưởng tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) tham quan khu nhà lưới công nghệ cao tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Khó khăn các khoản chi thường xuyên

Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp. Thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là tất yếu để sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học.

Tuy nhiên, tự chủ tài chính với các trường đại học, cao đẳng hiện không phải dễ dàng, đặc biệt là với các trường đào tạo khối ngành nông nghiệp, vốn đã khó tuyển sinh, khó bảo đảm được nguồn thu. Những năm gần đây các trường đào tạo khối ngành đặc thù về nông nghiệp (lâm, ngư nghiệp…) đều gặp khó khăn khi tự chủ tài chính bởi sinh viên mỗi năm càng giảm, gần như không đủ để mở lớp học. Các trường còn đang gặp các vấn đề khác như việc cấp bù học phí chậm và chưa đáp ứng nhu cầu của trường. Việc đào tạo các nghề nông nghiệp có chi phí thực hành thực tập cao, không thu hồi được hoặc tỷ lệ thu hồi thấp. Nhà nước chưa có chính sách cụ thể hóa để khuyến khích thu hút doanh nghiệp phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, dẫn đến số lượng doanh nghiệp phối hợp trong đào tạo còn hạn chế.

TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi cho biết: Hiện nay nhà trường gặp hai khó khăn chính. Thứ nhất, phải tính toán để có ngân sách chi cho các hoạt động của nhà trường. Thứ hai là bài toán về tuyển sinh, đặc biệt việc tuyển các ngành về nông-lâm-ngư nghiệp khó khăn hơn nhiều hơn so các ngành khác. Do đó, Nhà nước cần có chính sách để có thể thu hút được nhiều người học hơn vào các khối ngành này, cũng là để bảo đảm nguồn lực cho xã hội.

Đồng quan điểm trên, ông Đào Sỹ Tam, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc cũng cho rằng: Hiện, nguồn thu lớn nhất của các trường là học phí, trong khi đối tượng học chủ yếu là con em ở các vùng nông thôn (nơi có điều kiện kinh tế khó khăn) nên mức độ chi trả còn hạn chế.

Hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Hồng Giang cho biết: Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70% và phải có bằng cấp, chứng chỉ là 28-30%. Đến nay, trong tổng số 36 đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực giáo dục-đào tạo trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có một đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (thuộc nhóm 2), còn 35 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (thuộc nhóm 3).

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để thực hiện tốt tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính, các cơ sở đào tạo cần tập trung đổi mới tư duy đào tạo theo hướng mở, chủ động đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, khai thác tốt cơ sở vật chất hiện có… Hơn nữa, thực hiện tự chủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực cạnh tranh cho sự phát triển bền vững. Các trường cần chủ động kết nối với các địa phương, doanh nghiệp và Viện nghiên cứu trong lĩnh vực có liên quan đến các ngành nghề đào tạo…

“Các trường cần tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác…”, ông Lê Minh Hoan nói.

Theo ông Đào Sỹ Tam, cần hoàn thiện cơ chế để các trường được liên doanh, liên kết, cho thuê cơ sở vật chất, đất đai, mặt nước, trang thiết bị trong thời gian chưa đưa vào phục vụ đào tạo nhằm tăng nguồn thu.