Nguy cơ từ “trại hè” trôi nổi

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Lâm Thu Trang (Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định)

Năm học 2023-2024 đang bước vào những ngày cuối, cũng là thời điểm các hoạt động hè của học sinh cả nước chuẩn bị diễn ra suốt vài tháng. Nắm bắt việc mùa hè tới gần, các đối tượng lừa đảo cũng nhanh chóng lợi dụng để thực hiện những hành vi trục lợi tinh vi, trắng trợn hơn.

Chỉ cần bỏ vài giây tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, sẽ không khó để thu về hàng trăm trang với tên gọi liên quan đến “Trại hè kỹ năng” hoặc các loại “học kỳ” trải nghiệm những ngành nghề uy tín trong xã hội như quân đội, công an, hàng không… với số điện thoại, địa chỉ và giao diện tương tự cơ quan chức năng đã nêu. Nội dung của những bài viết trên cũng không khác gì nhau, cụ thể là chào mời phụ huynh liên hệ cho con em tham gia các hoạt động trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp với hàng loạt ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn.

Chỉ cần các phụ huynh bình luận hoặc nhắn tin hỏi, các đối tượng sẽ lập tức gửi kèm tiêu chí ứng tuyển, mã ứng viên cùng nhiều thông tin khác để lấy lòng tin, rồi dẫn dắt nạn nhân đến các nhóm kín để “hỗ trợ đầy đủ hơn”. Sau đó, các “chuyên viên” trong những nhóm kín này sẽ tiếp tục “ru ngủ” phụ huynh để đạt mục đích cuối cùng: đăng ký các khóa học hoàn toàn không có thật bằng cách đặt cọc một phần lệ phí tham gia. Khoản đặt cọc này sẽ dao động trong khoảng 1-2 triệu đồng, cá biệt có trường hợp lên tới 4-5 triệu đồng.

Thông thường, các bậc phụ huynh sẽ cảnh giác và từ chối đặt cọc hoặc yêu cầu gặp trực tiếp người phụ trách chương trình. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp do bận bịu công việc hoặc quá tin tưởng vào “miếng bánh vẽ” của các đối tượng lừa đảo mà vội vàng chuyển khoản đặt cọc. Chỉ cần nhận được tiền cọc, kẻ xấu sẽ lập tức chặn mọi phương thức liên lạc từ phía phụ huynh. Mỗi ngày, chỉ cần vài phụ huynh mắc bẫy, các đối tượng đã có thể thu lời bất chính cả chục triệu đồng.