Lược qua một số địa bàn
Việt Nam hiện có 88 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở hoạt động tại 16/28 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng số 17.692 đoàn viên và 6.200 tàu cá, công suất máy trên 90 CV hoặc có chiều dài tàu cá từ 15 m trở lên. Các quy định liên quan đến việc theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động của tàu cá đã được triển khai một cách có hiệu quả.
Tại Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã triển khai đợt cao điểm kiểm soát hoạt động của người và tàu cá tại các cửa biển, các hành vi vi phạm khai thác thủy sản không hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm túc theo quy định. Tỉnh có 13 nghiệp đoàn nghề cá, 734 tàu cá, 6.749 người theo nghề cá, đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngư dân Dương Ngọc Quân, chủ tàu QNg-12157TS, trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho biết: “Ngoài Bộ đội Biên phòng, ngành công an cũng tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện các hành vi vi phạm về khai thác không hợp pháp… Đó là cách tốt nhất để nhiều người đánh cá thay đổi và chấp hành”.
“Mình làm sai, người khác làm sai rồi cả làng theo nhau làm những điều sai trái như trước đây thì nay đã phải nắn chỉnh lại. Từ chỗ làm chưa chuẩn thì nay làm chuẩn, từ chỗ chưa làm đúng nay đã có hướng dẫn làm đúng. Nếu không đúng, không chuẩn sẽ bị phạt nên ai cũng phải tuân thủ”, ông Huỳnh Văn Liễu, trú tại Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) chủ tàu cá QNa-91039 TS cho hay.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương mạnh về nghề cá, có hơn 2.700 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, chiếm 44% tổng số tàu cá của tỉnh. Ngành thủy sản của tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ với các máy móc tiên tiến, hiện đại như máy định vị, máy thông tin liên lạc, máy dò cá để tăng sản lượng đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Văn Chính, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, cho biết: “Chúng tôi đã trang bị định vị và bộ đàm để liên lạc giữa các ghe thuyền, giúp hướng dẫn nhau khi đi đánh cá, tránh tình trạng lấn khơi, lạc vào vùng biển nước bạn. Điều này giúp ngư dân yên tâm hơn”.
Khai thác thủy sản lành mạnh
Những năm qua, ngành thủy sản của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào GDP khoảng 20 tỷ USD. Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng vị trí thứ ba trên thế giới. Ngành này cũng đã tạo ra hàng triệu việc làm cho công nhân sơ chế-chế biến và đóng góp quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tuy nhiên, năm 2017, Việt Nam “dính” thẻ vàng về khai thác hải sản, cần quyết liệt chỉnh đốn tình trạng khai thác để giữ thị trường. Bà Ngô Thị Vân Anh, chuyên viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định (IUU) đã nỗ lực tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, xây dựng hệ thống giám sát tàu cá, giảm số vụ vi phạm”.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thủy sản vẫn chưa đạt được tính bền vững, khi Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với cảnh báo “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu. Ông Phan Quý Anh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Thanh Hóa, cho biết: “Chỉ thị và nghị quyết đã hướng dẫn rõ ràng rồi. Vấn đề là thực thi ra sao? Để ngành xuất khẩu thủy sản không bị mang tiếng không hay, không đẹp… đó là điều mong muốn của nhiều doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực này”.
Làm thế nào để ổn định số lượng tàu cá và năng lực khai thác phù hợp trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, đồng thời ngăn chặn sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. VASEP và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có cùng quan điểm, cần kiện toàn và nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động thủy sản và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý và phát triển ngành thủy sản, thực hiện hiệu quả các nghị quyết và chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.