Trong núi

Lão xuống xe ở ngã tư cầu vượt. Chuyến đi đã được lão tính kỹ từ trước. Gió rét thổi vuột qua mặt. Mới ba giờ sáng. Lão nhìn sang mé đường bên kia, vẫn có một hàng cháo đêm đang mở cửa. Lão quay sang trái ngó đường để bước qua thì có người giật tay áo: Bác về đâu? Tắc-xi nhé. - Vâng, sang ăn cháo đã. Mời. - Thôi bác ăn đi, cháu ngồi đợi.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Lão gọi hai bát cháo và mời gã tài xế cùng ăn: Sức thanh niên mà, thêm bát cháo thấm gì.

- Bác về đâu? Không phải quê đây rồi.

- Gần thôi, cỡ trên trăm nghìn, chạy không, khoảng 13 cây số.

Lão nói chắc thế vì ở nhà đã soi kỹ bản đồ không ảnh. Nơi đó, ừ thì nơi đó, cái nơi lão đã chọn gần tháng nay trong day dứt. Nơi đó là ổn nhất. Lão quyết rồi. Không thể lay chuyển.

Chiếc xe lên cầu vượt, chạy về hướng tây. - Bác về làng nào? - Tôi đi thăm người bạn. - Bác đi trại giam à? Gần đây lắm. Không hiểu sao vài năm nay, người đầu bạc như bác vô trại nhiều lắm. - Không, bạn tôi ở trong núi kia, núi Cánh Buồm.

*

Trong đêm, lão lần theo đường vào mỏ đá. Khi lão ở đây, tất cả đều hoang sơ, cái mỏ đá mới hiện trắng xóa trên bản đồ nên lão định hướng được. Lên đến đầu đèo, cây cối rậm rạp. Khi xưa nó trơ trụi chứ đâu rợp như thế này nhỉ. Không chỉ là sim mua lúp xúp, bây giờ còn cả tràm, bạch đàn… Bên kia khe thoáng động cây, nhìn sang, một cái đầu bò đen thui đang ngẩng lên, gạt lùm mua quay đi. Bò hoang chắc.

Lão men khe đi ngược lên con dốc theo trí nhớ. Trời, sao lại thở thế này. Già rồi chăng. Lão ngồi xuống nghỉ tí. Mới hơn 4 giờ sáng. Vẫn kịp. Lão đứng dậy. Bỗng ánh đèn pin lóa cả mắt và tiếng quát: Đứng lại! Ngược đèn không nhìn thấy gì cả. Một ngọn dao quắm thò ra chỗ ánh đèn. - Trộm bò hả? Lão nói như máy: Tôi đi chơi! - Quay lại, đi trước đi!

Tia đèn lướt sang. Miệng, không mũi thì đúng hơn, của người đó phát ra tiếng kêu lạ như bò. Phía bên kia, có tiếng ẹ lại rõ to. Cả hai ngược lên trên vũng, chỗ khe hẹp bước qua. Con bò bước lại dụi dụi mõm vào vai người đó. - Hừm, theo trai hả con! Bây giờ thì theo mép bên này mà trèo dốc. Lão vẫn phải đi trước, ánh đèn lia lấp loáng.

Thở quá, bước không nổi nữa, sao chân mình thế này nhỉ. Lão ngồi bệt xuống: Cho tôi nghỉ tí, thở ra tai rồi. Anh đeo hộ tôi cái ba-lô.

Người kia cũng ngồi xuống nói: - Thì nghỉ, bò nó biết đường về. Nó động cỡn sáng nay, chưa kịp gọi thợ thụ tinh.

Hai người ngồi không nói gì. Một lúc đứng dậy cùng men lưng núi mà đi. Rồi cũng về đến nhà nhỏ. Ánh đèn chiếu qua chuồng bò, mấy cái đầu hục hặc thò ra, bắt đèn lóe sáng. Người đàn ông mở cửa bật đèn sân, nhường ghế bên kín gió cho lão, hỏi cộc lốc: Đi chơi đâu mà sớm thế! Nói thật đi, vào đây chơi với ma à, tí nữa thì tôi phang một dao rồi.

Lão lúng búng: Tôi đi chơi thật mà, chán phố thì đi, nhưng xe về sớm quá, đánh liều lên núi vậy. Trước tôi từng ở vùng này.

- Bạc tóc mà liều như thanh niên nhỉ, bao nhiêu tuổi rồi?

- 72, tuổi Sửu.

- Bác hơn tôi tám tuổi, tôi tuổi Dậu. Tên Trung.

Lão nhìn kỹ gương mặt Trung. Lúc nãy lấp ló ánh đèn, thấy mặt như tạc bằng gỗ, góc cạnh, dữ dằn sao bây giờ hiền vậy nhỉ. Mỗi tội khá gầy. Trung với tay lấy ấm trà: Sắp sáng rồi, làm ấm nước lót dạ cái đã.

Ấp ly trà nóng trong tay, mùi trà Thái chính hiệu sao thơm mà thanh thế, cổ họng cứ ngọt xỉu, ấm rực cả người. Chú Trung nói: Thích chưa, mầu đẹp chưa. Nước khe đấy. Nước này thì trà gì cũng ngon!

Trời dần tang tảng, ánh mặt đập nước mênh mông, phẳng lỳ đã sáng dần lên, bờ đập và dãy núi phía tây đang lộ dần. Lão ngước lên đỉnh núi cao nhất phía tay trái. Đấy mới là đích đến mà lão đã nhẩm tính cả tháng. Lão buột miệng: Cò vẫn về đỉnh núi kia chứ?

Chú Trung quay sang có vẻ ngạc nhiên: Sao bác biết cò về. Trông cao thế nhưng chỉ 314 m thôi đấy, so với mực nước biển.

- Ít nhất là nghìn mét.

- Thôi bác ạ, tôi là dân trinh sát pháo binh. Phục viên về làm địa chính. Mà bác có vẻ thạo vùng này. Đi đâu vậy?

Đã trót thì trét, lão nói thật: - Trước tôi làm việc vùng này, ở trạm bơm xăng dầu. Trong trạm có cả mấy em người Thái Bình nữa. Cái đập nước này chúng tôi thường trèo núi sang bơi.

- Thế thì đúng rồi. Cái trạm xăng dầu bỏ lâu lắm rồi, giờ là vườn thằng đệ nó ở. Còn đỉnh kia chả mấy ai lên tới.

*

Cái đích của lão đến chính là cái đỉnh núi ấy. Lão đến để không bao giờ về nữa. Nhưng thật không may, lão gặp chú Trung đi tìm bò. Mà vẫn chưa hỏng. Tối nay ta sẽ bỏ đi. Chú Trung vào bếp nấu cơm sớm. Toàn bộ khu vườn mênh mông hiện ra. Chiếc máy xới đất đang nằm mép vườn.

Hơn bốn tháng qua, đời lão là cơn ác mộng. Một sáng chủ nhật, hai đứa con gái về cùng một lúc. Sao chúng không đưa con về nhỉ. Chắc có chuyện gì, lại vợ chồng trục trặc cãi nhau. Con cái bây giờ thật lạ, một đống tuổi trên đầu mà đụng tí là đòi ly dị. Bỗng đứa chị xô cổng chạy ra gọi thất thanh “Bố ơi! Bố ơi!”. Lão lật đật đi về. Trên đi-văng, bà Yến vợ lão ôm ngực nằm, mặt tái mét. Xe cứu thương hú còi chạy đến, hàng phố đổ đến đầy ngõ. Bà Yến được chở đi cấp cứu gấp. Lão loanh quanh một lúc trước phòng cấp cứu thì bác sĩ thò đầu ra vẫy vào. Bà tay ngoắc ngoắc ra hiệu cho lão đến gần. Lão cúi xuống ghé tai sát miệng bà nghe giọng thì thào: Hai đứa, anh ơi... Nó vỡ… nó vỡ… 11 tỷ đồng. Anh… cứu… con. Rồi bà ngất lịm. Bà nằm bốn ngày thì ra đi. Bà chính là một trong năm cô gái ở trạm xăng ngày nào, quê lúa Thái Bình, hát hay nhất.

*

Hồi lão thôi làm ở trạm để đi học ngành Si-li-cát, thì năm sau, bà Yến cũng được cử đi học Trường Tài chính ở Từ Liêm. Hai người làm đám cưới. Căn nhà ba tầng của vợ chồng lão rất may sau này nó ra mặt đường, gần trăm m2 chứ ít đâu. Cả hai cùng nghèo, lão tiếc nghề nên làm khuôn đổ “gạch hoa Bách Khoa” bán 8.000 đồng/m2. Tích cóp vẫn chưa đủ tiền, thì rất may ở quê gọi điện về bàn chia vườn của bố mẹ và hai chú em. Có đủ tiền, lão nhờ bạn bên trường kiến trúc vẽ kiểu, xây luôn một ngôi nhà ống ba tầng lừng lững vào cái năm 1984, con gái đầu vừa lên 8 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi, sống như hai công chúa. Mãi sau này, cái năm bà Yến vào tuổi 41, gắng thế nào mà sinh được một hoàng tử kháu trai. Thật viên mãn! Hai đứa con gái đều ngoài 30 mới chịu cưới chồng, công việc ổn định. Gần đây, con chị mua ô-tô đỏ rực, chở ông bà về làng. Oai lắm!

Thế mà chúng nó vỡ gì không biết, hai đứa những 11 tỷ đồng thì biết làm sao? Xong đám tang vợ, lão nghĩ một đêm trắng rồi quyết định bán căn nhà mặt tiền đang ở để cứu con cháu. Bán được hơn 12 tỷ đồng. Tìm thuê nhà trọ tận gần Thường Tín, 2 triệu đồng một tháng. May mà còn được lương hưu sáu triệu hai.

Họa vô đơn chí. Đến nước này thì lão gục hẳn. Thằng con 27 tuổi nhảy tàu từ trong nam về, tìm đến xóm trọ: Con vỡ 4 tỷ đồng, bố cứu con! Lão ngây người: Tao hết sạch rồi! Thằng con mượn xe chạy đi. Lão ngồi không tài nào hiểu cái gọi là “vỡ” ấy là vỡ gì, chỉ mang máng là hụi họ cá độ gì đấy. Có tiếng xe máy về và tiếng con lão nói gằn: Bố ra đây mà coi. Lão chả thèm dậy. Thằng con dốc cả can xăng 20 lít lên người và bật lửa, cháy như một bó đuốc trước góc sân. Dãy trọ nháo nhác. Lão lao ra thì nó đang quằn quại trong đống lửa. Có người xô lão ra, đè chặt. Lão nằm khóc hộc lên từng cơn.

Khi mọi chuyện vừa xong, lão thanh toán hết năm cho chủ trọ, viết thư dặn hai đứa con gái rồi ra rút hết tiền trong thẻ. Bỏ một ít vào cái hộp nhôm gắn kín lại, cho vào ba-lô. Điện thoại di động, thẻ ngân hàng lĩnh lương và mật khẩu lão để lại trên bàn. Ra đi vào chiều tối, lão viết giấy dán trước cửa: Hãy gọi cho con gái tôi theo số xxxxxx.

*

Chú Trung bê một cà mèn to tướng ra: Canh cá rô phi đập nấu hẹ đấy, ăn vào thì biết. Còn cà muối, dưa cải nữa, trứng gà ta… Hơi cơm bốc lên thơm ngát.

- Bác vẫn giấu tôi điều gì - Chú Trung nhìn thẳng vào mắt lão.

Lão ngồi im lặng một lúc, rồi rút căn cước công dân ra: Để tôi tính đã. Nhưng tôi là người tốt. Anh yên tâm.

Lão không chợp mắt được dù chăn rất ấm, lại ra ngồi sân xem chú Trung xới đất. Tiếng máy xới vang rung. Gầy thế mà khỏe thật, làm ngon ơ, 65 tuổi chứ ít gì. Xong vài vạt đất, chú bỏ máy vào ngồi cùng lão. Trong núi rét thế mà mồ hôi chú mướt trên mặt. Lão nhìn chú đăm đăm rồi nước mắt ứa ra, lão gục xuống bàn hực hực khóc. Lại làm ấm trà khác. Lão ngẩng lên: Không ai khổ như tôi…

Lão kể hết, kể hết. Lão xả ra tất cả, nức nở, nức nở. Mặt chú Trung đanh lại, hàm răng nghiến chặt như đang cố nén nước mắt chực trào ra.

- Bác ở đây với tôi. Trông bác giống thủ trưởng người Phú Thọ của tôi hồi tôi ở ngoài Bỉm Sơn. Rồi nghĩ lại cho chín đi. Nhà tôi ở làng, cách đây bốn cây, thỉnh thoảng các cháu vào lấy trứng. Vợ tôi về chăm sóc ông bà ngoại và các cháu. Bác ở đây rồi tính sau. Cấm nghĩ dại.

- Anh trong núi một mình không sợ à?

- Khà! Bác còn sợ thì chết thế đếch nào được! Tôi giữ rừng này. Đừng hòng ai vào săn. Lương hưu tôi ba triệu tám, đủ dùng cho hai vợ chồng. Bác ở đây rồi tôi tính đường cho. Đừng nghĩ dại. Tính sau. Tôi ra làm tiếp kẻo trưa mất rồi.

Chú Trung nói xong bỏ lão ngồi một mình, ra giật máy phành phạch, xới tiếp mấy vạt cỏ còn lại. Trời se se, không sợi nắng nào cả nhưng rất sáng.