Chiếc vòng bạc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trạm giao liên số X2 của chúng tôi hồi đó nằm ở một khu rừng khộp ở phía bắc tỉnh Phước Long.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Trạm có 18 người, gồm 11 nam. Tôi là một trong số 7 người nữ của trạm. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa những đoàn khách từ trạm 41 vào và đón những đoàn khách từ trạm X3 đi ra.

Vào mùa khô năm 1972, trên tuyến đường Trường Sơn địch tăng cường đánh phá, đồng thời tung những toán biệt kích, thám báo thăm dò tuyến đường chiến lược này. Trạm X2 của chúng tôi đã hai lần bị B52 ném bom rải thảm nhưng rất may vào lúc trạm không có khách nên không bị thiệt hại về người, ngoại trừ hai cô gái bị thương nhẹ do đất cát vùi.

Vào một ngày cuối tháng 12/1972, tôi có nhiệm vụ dẫn 3 người do bị sốt rét, được đơn vị bộ đội gửi lại trạm cách đây 4 ngày. Tôi được biết trong 3 người, anh Khìn là cán bộ trung đội, hai người còn lại là chiến sĩ. Họ đều đã qua chiến đấu cả rồi. Đoạn đường từ trạm X2 đến trạm X3 khoảng 47 km đường rừng, hơn nữa lại phải vượt qua hai con sông nhỏ nhưng nước chảy xiết, nên chúng tôi lên đường lúc 4 giờ sáng. Đi được hơn tiếng đồng hồ, tôi dự định đi tiếp khoảng 10 phút nữa thì nghỉ giải lao.

Đang đi đột nhiên anh Khìn từ phía sau đi nhanh tới nắm tay áo tôi kéo lại. Anh đưa một ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng, rồi khoát tay cho hai chiến sĩ tản ra. Anh ghé sát tai tôi nói: “Phía trước có địch đấy!”. Chúng tôi ẩn sau những gốc cây, ụ đất im lặng nghe ngóng. Chừng 5 phút sau, cách chúng tôi chừng bảy, tám mươi mét, trong màn sương sớm, ba tên lính xuất hiện. Đứa nào cũng quần áo rằn ri bó sát người, tay lăm lăm khẩu AR15. Khìn nâng khẩu AK lên, mở khóa an toàn, rồi anh vừa xiết cò vừa hô lớn: “Đại đội 2 vòng phía trái! Đại đội 1 theo tôi! B40 và M79 sẵn sàng! Quyết tiêu diệt và bắt sống bọn này!”. Tất cả chúng tôi nổ súng. Ba bóng đen phía trước trúng đạn đổ ập xuống. Khìn ra hiệu cho chúng tôi chạy ngược lại phía sau. Lúc này, bọn địch bắn trả quyết liệt. Đang chạy, tôi thấy đau nhói ở gót chân phải. Một viên đạn đã xuyên qua gót làm chân tôi tê dại, tôi ngã vật ra. Khìn quay lại, cúi xuống xem vết thương. Vừa băng vội, anh vừa nói với hai chiến sĩ như ra lệnh: “Hai cậu cầm súng và khoác cái bồng cho cô Trâm. Còn cô, bám vào vai tôi để tôi cõng! Nhanh lên!”. Chúng tôi về đến trạm trước sự ngỡ ngàng và lo lắng của mọi người.

Do đường đến trạm X3 chưa an toàn nên cả ba người vẫn ở lại trạm của chúng tôi. Tuy đã bớt đau nhưng nước vàng ở vết thương vẫn rỉ ra. Thấy vậy, Khìn ra rừng kiếm một loại lá cây gì đó đem về, cho một ít muối, giã nhỏ rồi đắp vào vết thương cho tôi. Bài thuốc đơn giản nhưng thật hiệu nghiệm! Vài ngày sau vết thương của tôi khô hẳn.

Có những hôm, anh em trong trạm đi công tác, chỉ còn mấy anh em ở nhà, anh Khìn nấu cháo cho tôi. Anh quan tâm, chăm sóc tôi như chăm một đứa em gái. Những lúc rảnh rỗi anh nói chuyện thật nhiều với tôi. Anh là người Mường, quê ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, là đứa con duy nhất của gia đình, nhập ngũ năm 1970, đơn vị chiến đấu ở Thừa Thiên Huế và bây giờ đang trên đường vào miền đông tăng cường cho “Công trường 7”.

Tôi hỏi: Sao hôm đó, anh lại phát hiện có địch ở phía trước hay vậy?

- Thế em không thấy mấy vỏ hộp chúng vừa ăn rồi vứt trên bãi cỏ à? Hơn nữa, đến đó anh thấy mùi của thuốc diệt côn trùng. Phục kích ban đêm, bọn lính thường xịt thuốc diệt côn trùng chung quanh, để tránh muỗi đốt. Còn lúc đó anh hô “Đại đội 1, đại đội 2” là để uy hiếp chúng, để có thời gian anh em mình chạy quay lại mà.

Càng nghe tôi càng khâm phục, yêu mến người lính chiến này.

7 ngày kể từ hôm đụng độ với bọn biệt kích, chúng tôi được thông báo đường đến trạm X3 đã thông. Khìn và hai chiến sĩ được trạm chúng tôi gửi theo một đơn vị bộ đội đi vào phía trong. Buổi chiều hôm chia tay, Khìn nhìn tôi rất lâu. Rồi anh lấy trong ba lô một chiếc vòng bạc, đeo vào cổ tay tôi. Vừa đeo anh vừa nói, giọng nhỏ và ấm, vừa đủ để tôi nghe:

- Đây là chiếc vòng mẹ anh cho anh trước khi vào chiến trường. Bây giờ anh gửi cho em giữ dùm nhé! Nếu sau này còn sống anh xin lại.

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh kéo tôi lại, hôn lên má tôi rồi nhanh chóng hòa vào đoàn quân. Chúng tôi xa nhau từ đấy. Từ đó, chiếc vòng bạc đã trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với một người con gái chưa đầy 20 tuổi như tôi.

*

Năm 1976, tôi ra quân trở về quê xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Rồi sau đó, được huyện đoàn cho đi đào tạo cán bộ đoàn ở Trung ương. Ra trường, tôi về công tác tại Tỉnh hội Phụ nữ Thanh Hóa.

Suốt 4 năm học ở Hà Nội, năm 1981, tôi đã tìm về quê anh. Nhưng lúc đó thủy điện Hòa Bình đã tích nước, xã Thung Nai của anh nằm sâu dưới lòng hồ. Tôi tìm đến nơi tái định cư của bà con xã Thung Nai, hỏi thăm về anh Hà Văn Khìn thì được biết, cha mẹ anh đã mất cách đây hai năm. Cuối năm ngoái, anh có về thăm quê. Bà con cho biết, hiện giờ anh đang đóng quân ở Hà Giang, hình như ở Sư đoàn 313 gì đó. Vậy là anh vẫn còn sống. Những ngày giáp Tết năm 1982, tôi là thành viên của đoàn cán bộ phụ nữ Thanh Hóa đi thăm và tặng quà bộ đội biên giới tỉnh Hà Giang. Đoàn chúng tôi đến thăm Sư đoàn 313.

Tiếp chúng tôi ở sư đoàn bộ là anh Tiến, Chính ủy và hai trợ lý chính trị của sư đoàn. Câu chuyện giữa những người ở hậu phương với người ở biên cương diễn ra thật ấm cúng và cảm động. Lúc này tôi sốt ruột quá nên hỏi nhỏ:

- Thưa Chính ủy, em hỏi không phải, ở sư đoàn mình có ai tên là Hà Văn Khìn không ạ!

Vừa rót nước mời chúng tôi, anh Tiến vừa nói:

- Có phải Khìn ở Hòa Bình không?

- Dạ phải!

- Cô là người nhà của cậu ta à?

- Dạ anh ấy là người quen của em từ hồi còn ở chiến trường miền nam ạ!

- Thì ra là vậy! Cậu ấy đang là Trung đoàn phó Trung đoàn 3, hiện đơn vị đang đứng chân ở khu vực Thanh Thủy - Vị Xuyên! Để tôi gọi điện báo cho cậu ấy biết. Mà xin lỗi cô tên là gì vậy?

- Dạ em tên là Trâm! Tôi trả lời như một cái máy.

Ở nhà khách của sư đoàn, lòng tôi như lửa đốt. Tôi chưa thể hình dung vóc dáng của anh như thế nào sau gần 10 năm xa cách.

*

Chiều hôm đó, chiếc xe U-oát đỗ xịch dưới gốc cây trước sân sư đoàn bộ. Một người lính cao, gầy mở cửa bước ra. Anh ngơ ngác nhìn chung quanh. Tôi đứng như chôn chân nhìn về phía anh. Khi nhận ra tôi, anh giang hai cánh tay lao lại phía tôi: Trâm à!

Trong phút chốc, tôi nằm gọn trong vòng tay rắn chắc của anh. Tôi úp mặt vào ngực anh, nước mắt giàn giụa. Bao nhiêu nhớ mong, lo âu và cả giận hờn trong tôi bỗng chốc tan biến. Anh Khìn không phải trong mơ mà là anh Khìn bằng da, bằng thịt đang ở bên tôi đây. Tôi đưa hai tay đập vào ngực, vào vai anh: Sao anh trốn em, để em tìm mãi thế! Em đã gần 30 tuổi rồi, anh biết không? Vòng bạc em đeo đã mòn đi đấy.

Khìn xoa nhẹ vào lưng tôi dỗ dành: Anh hiểu rồi! Thôi đừng trẻ con như vậy nữa! Mọi người đang nhìn chúng ta đấy.

Chứng kiến cảnh chúng tôi bên nhau, Chính ủy Tiến nói với mọi người, nhưng lại như nói với chính mình: Niềm hạnh phúc của những người lính trong chiến tranh bao giờ cũng thiêng liêng và sâu sắc!