Trợ lực vượt… "bão"

Giữa "cơn bão" giảm việc, mất việc, rất nhiều công nhân ở các tỉnh, thành phố xoay xở tìm việc mới, đổi nghề, duy trì nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Cùng với đó, những chính sách kịp thời, nhân văn cũng đã được triển khai, nhằm hỗ trợ, giúp người lao động vơi bớt khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Thu nhập eo hẹp, chị Nguyễn Thị Thanh Vân chỉ dám lựa chọn các loại thực phẩm giá rẻ cho bữa cơm gia đình.
Thu nhập eo hẹp, chị Nguyễn Thị Thanh Vân chỉ dám lựa chọn các loại thực phẩm giá rẻ cho bữa cơm gia đình.

Muôn kiểu làm thêm

Dù trong ngày chủ nhật nhưng chị Phạm Thị Ngọc Thắng luôn tất bật, hết việc này rồi việc khác, từ giúp việc nhà đến đưa đón trẻ đi học, chị đều làm hết mà không nề hà. Thắng từng là công nhân khâu kiểm hàng của Công ty giày da PouYuen, hiện thuê trọ, ở cùng chồng và hai con trai trong con hẻm ở đường Tân Hòa Đông, quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tháng 2 năm nay chị Thắng cùng hơn 2.500 công nhân khác nằm trong danh sách bị sa thải vì công ty không có đơn hàng. Theo thông báo của Ban Giám đốc, tất cả công nhân diện nghỉ việc vẫn được hưởng lương cho đến cuối tháng 3 dù không đi làm và nhận được một khoản trợ cấp riêng từ công ty (tùy theo thâm niên làm việc). Vừa nhận quyết định nghỉ việc, chị Thắng liền có mối quen gọi đi "giúp việc nhà", thế là chị gật đầu vì "làm gì cũng đều phải bỏ sức ra cả".

Mỗi ngày giúp việc nhà ba nơi, thời gian rỗi chị Thắng còn nhận đưa đón các cháu nhỏ con của người quen đi học nên mỗi tháng chị kiếm được khoảng chục triệu đồng. Công việc mới của chị Thắng dù hơi cực nhưng không khó tìm việc vì giúp việc nhà được xem như nghề "hot" ở Thành phố Hồ Chí Minh.

"Nghề này hơi cực vì loay hoay làm cả ngày nhưng thu nhập cũng ngang ngửa thời làm công nhân. Làm gì em cũng không nề hà miễn là lo được cho con cái ăn học", Thắng chia sẻ.

Cũng nhận thông tin công ty đóng cửa trong nỗi lo lắng, Nguyễn Thị Thanh Vân (ngụ khu nhà trọ đường Tập đoàn 6 B, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) nộp đơn xin việc tại công ty may gia công ở gần khu trọ. Vân cho hay, công ty mới vào làm chỉ có 200 công nhân, quy mô vừa phải, chuyên may gia công quần áo thể thao. Công ty này làm giờ hành chính, không tăng ca nên Vân xin vào để có tiền trang trải, đi chợ phụ chồng. Chồng Vân làm thợ cơ khí tại một công ty đóng trong Khu công nghiệp Tân Tạo nên hai vợ chồng thuê nhà ở phường cho dễ đi lại. Chị Vân chia sẻ: "Em mới vào làm thu nhập chỉ bốn triệu đồng/tháng, kèm phần ăn trưa công ty cho. Dù lương không cao nhưng làm ở đây được cái gần nhà trọ, chiều chạy về nhà nấu cơm cho chồng và mẹ chồng làm nghề bóc vỏ hành thuê".

Dù không rơi vào "cơn bão" mất việc nhưng từ đầu năm đến nay, anh Bùi Ngọc Lai, công nhân Công ty Giày Thiên Lộc (quận 12) không còn làm tăng ca do đối tác từ nước ngoài cắt giảm mạnh đơn hàng. Anh Lai cho biết, do không có đơn hàng nên hiện công nhân chỉ làm năm ngày mỗi tuần, ngày chỉ làm tám giờ khiến thu nhập giảm nhiều. Công việc của vợ bấp bênh, nên gánh nặng chi tiêu, tiền nhà trọ, rồi nuôi con ăn học trông chờ vào thu nhập của Lai. Để có thêm đồng ra đồng vào, xem thấy thông tin tuyển dụng trên mạng, Lai nhận làm thêm công việc là ủi công nghiệp tại một cơ sở may mặc gần nhà.

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ

Trong các thôn, xóm của xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có hàng nghìn công nhân đang thuê trọ, làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Trong bối cảnh giá tiền thuê trọ, điện, nước và nhiều chi phí khác tăng cao, người lao động đều muốn được tăng lương. Nhưng với không ít người, chỉ cần có việc đều đều đã là tốt lắm rồi. Anh Lê Duy Khoa, công nhân thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, tâm sự: "Chúng tôi rất cần công việc ổn định với mức lương đủ sống, còn lo cho gia đình. Giai đoạn khó khăn này, may mà chúng tôi đã được hỗ trợ về tiền, về nguồn hàng hóa giá rẻ. Mong rằng sẽ có nhiều hơn những chính sách như thế giúp công nhân vượt qua khó khăn". Cùng quê ở Nghệ An với anh Khoa, anh Nguyễn Hùng Thắng đã "ăn cơm khu công nghiệp" được sáu năm. Cả hai vợ chồng tất bật làm lụng, vợ anh Thắng lại mới sinh con thứ hai nên phải nghỉ để ở nhà trông con, một mình anh Thắng phải làm gánh bốn miệng ăn. "Thú thực, em không được phép ốm. Vì ốm lúc này là… cả nhà "mệt" theo", anh Thắng bày tỏ.

Theo tìm hiểu, trong Tháng Công nhân 2023, các cấp công đoàn Thủ đô đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao 44 "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên, công nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động với tổng số tiền hỗ trợ 975,7 triệu đồng. Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao trợ cấp cho 2.665 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền gần ba tỷ đồng. Cùng với đó, công đoàn cấp trên cơ sở đã tặng quà 9.451 người với số tiền hơn bảy tỷ đồng; công đoàn cơ sở đã thăm hỏi, tặng quà 20.647 người với số tiền hơn 120 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động khó khăn. Đặc biệt, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp, giúp nhiều lao động mất việc tìm được công việc phù hợp.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang… các cơ quan chuyên môn đã kịp thời nắm bắt thông tin nhiều người lao động bị cho nghỉ việc, giãn việc, để nhanh chóng tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Trong đó, có nhiều lao động từ các khu công nghiệp chuyển trở về quê.

Ở cấp cao hơn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, thời gian tới thị trường lao động tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức... Căn cứ tình hình thực tế, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31/3/2024. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 145 tỷ đồng.