Triển vọng sớm có vaccine tay chân miệng

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam. Vì vậy, thông tin về việc vaccine phòng bệnh tay chân miệng đang được Bộ Y tế xem xét phê duyệt và có thể cấp phép vào cuối năm nay mở ra nhiều hy vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh khám cho một trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Ảnh: Lê Cầm
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh khám cho một trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Ảnh: Lê Cầm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), số ca mắc và nhập viện do tay chân miệng trên địa bàn thành phố đang tăng nhanh.

Ðòi hỏi cấp thiết

Các chuyên gia y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng với bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm việc tại Khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, cố vấn, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhìn nhận: "Chi phí để điều trị một ca bệnh tốn kém nhiều hơn so bệnh thủy đậu, sởi. Do đó, không có cách nào khác, để giải quyết vấn đề này ngoài vaccine. Tôi rất mong chờ Việt Nam sớm có vaccine phòng tay chân miệng, và cả sốt xuất huyết nữa để giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người dân".

Cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) kỳ vọng rằng, các đơn vị cung cấp vaccine dịch vụ có thể sớm đưa vaccine về Việt Nam.

Lo ngại TP Hồ Chí Minh có đông dân cư nhất cả nước nên số ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng hằng năm thường ở con số rất cao, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) bày tỏ quan điểm ủng hộ và mong đợi loại vaccine mới phòng bệnh truyền nhiễm này sẽ được Bộ Y tế cấp phép. Nhấn mạnh tính hiệu quả rất lớn của vaccine song bà Lê Hồng Nga lưu ý, cần tăng cường, giám sát công tác tiêm chủng trong các chương trình tiêm chủng, bảo đảm an toàn.

Tiến độ của loại vaccine mới

Nói về loại vaccine đang được nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là vaccine bất hoạt, phòng bệnh tay chân miệng do các chủng EV71 gây ra. Vaccine do Viện Nghiên cứu sức khỏe (National Health Research Institutes-NHRI, Đài Loan, Trung Quốc) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Năm 2010, vaccine đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một với 60 tình nguyện viên khỏe mạnh, cho các kết quả an toàn và sinh miễn dịch. 90% số người nhận vaccine đã tăng hiệu giá NTAb lên gấp bốn lần hoặc hơn sau tiêm (mức kháng thể có khả năng chống lại virus tăng gấp bốn lần sau tiêm). Từ năm 2014-2017, vaccine được tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai với 365 tình nguyện viên tham gia, độ tuổi từ hai tháng đến 12 tuổi. Các nghiên cứu giai đoạn một và hai đều được triển khai tại Đài Loan (Trung Quốc).

Riêng nghiên cứu giai đoạn ba (trong thời gian 2019-2021) được tiến hành đồng thời tại Việt Nam do đây là giai đoạn nghiên cứu then chốt nhằm giúp đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine, thường được triển khai tại các vùng dịch tễ có lưu hành dịch bệnh cao. Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đều đáp ứng các tiêu chí cho triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Theo đó, có 3.049 trẻ được chọn tham gia (Việt Nam có 2.533 trẻ), được thu tuyển từ tháng 4-12/2019 tại năm bệnh viện của Đài Loan và sáu huyện của hai tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. "Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vaccine này tại Việt Nam và Đài Loan, trẻ tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ hai tháng đến dưới sáu tuổi. Lịch tiêm bao gồm hai liều cách nhau hai tháng, một mũi nhắc được tiêm sau một năm cho trẻ nhóm hai tháng đến hai tuổi. Vaccine có hiệu quả bảo vệ với các chủng EV71 phổ biến đang lưu hành tại Việt Nam và Đài Loan" - bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn thông tin. Ông cũng khẳng định, kết quả cho thấy vaccine nghiên cứu đã giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tay chân miệng do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, với mức bảo vệ 96,8%. Nghiên cứu vaccine tay chân miệng này đã hoàn tất, nghiệm thu công nhận kết quả được đăng tải trên chuyên san y khoa uy tín quốc tế The Lancet.

Đến nay, có đã hai loại vaccine tay chân miệng được triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, vaccine thứ nhất là vaccine đang xin cấp phép; vaccine còn lại đang tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng (giai đoạn 2023-2025).

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phố phía nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng gần đây, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: "Hy vọng từ nay đến cuối năm, vaccine này được phê duyệt để có thể đưa ra thị trường tiêm dịch vụ, góp phần đẩy lùi dịch tay chân miệng".

Trong giai đoạn chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cao năng lực dự phòng, điều trị bệnh, bảo đảm trang thiết bị và vật tư hóa chất, thuốc.

"Hiện nay, có một loại vaccine sốt xuất huyết mới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Nhật Bản có nhiều triển vọng sẽ được phê duyệt" Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) cho biết.