Trao lại sắc phong đình làng Tri Chỉ

Đình Tri Chỉ (xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1985, xưa có 28 đạo sắc phong thì 16 năm trước bị thất lạc 27 đạo, nỗi buồn, lo và cả nghi ngờ đâu đó, cứ “đeo bám” người làng đến tận những tháng ngày vừa rồi.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương (áo kẻ) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng cùng đại diện xã, thôn kiểm tra các đạo sắc phong.
Nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương (áo kẻ) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng cùng đại diện xã, thôn kiểm tra các đạo sắc phong.

1/Thông tin sắp có cuộc trao lại 22 đạo sắc phong cho đình làng Tri Chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên. Có người còn chưa tin ngay. Ngẫm cũng không lạ, bởi trong thời buổi rất nhiều di vật quý giá ở các di tích cứ lần lượt bị những kẻ bất lương đánh cắp vì lòng tham, thử hỏi, bỗng có ai đó sẵn sàng tặng lại cho địa phương, thì làm sao mà không nghi ngại cho được. Ngay cả khi thời gian qua đã có khá nhiều cuộc dâng trả lại sắc phong cho các thôn, làng, xã từng bị mất mát, thất lạc, do những nhà sưu tầm hào hiệp khởi xướng, thực hiện.

Nhưng những nỗi niềm cũng tan dần theo các cuộc làm việc của lãnh đạo xã với anh Đặng Vũ Khương, người sẵn sàng dâng lại 22 đạo sắc mà anh có dịp sưu tầm được một thời gian trước. Cùng với sự bảo chứng của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên Cục Di sản văn hóa, đã nhiệt tình dịch toàn bộ các đạo sắc ra chữ quốc ngữ; và TS Chu Xuân Giao, công tác ở Viện Nghiên cứu văn hóa, cùng giúp đọc, thẩm định các di sản đặc sắc này. Rồi những mong đợi, háo hức ban đầu của người làng xã nhanh chóng bừng lên thành niềm vui sướng, hân hoan xen lẫn thành kính khi hàng trăm người tận mắt chứng kiến cảnh nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cùng kiểm tra, trao lại 22 đạo sắc cho lãnh đạo xã, thôn cùng bậc đại diện thế hệ cao niên của thôn Tri Chỉ. Có cả sự tham dự của một số thành viên diễn đàn Hội mê sắc phong. Tiếp đó là lễ rước tưng bừng các đạo sắc đặt trong hai chiếc kiệu trên đoạn đường dài từ UBND xã qua miếu, về đình, mà các đội hình, nghi thức, không khí chung vui của toàn dân đúng như một lễ hội truyền thống.

2/Trong ngày 30/10 mới đây, ngày “Châu về Hợp phố” như lời ví mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ phát biểu với cán bộ và bà con xã Tri Trung, mọi người nhìn và nghe được những hình ảnh, tâm niệm đẹp đẽ, chân thành. Mỗi cổng ngõ, người dân đều lập ban thờ, dâng cúng lễ vật khi kiệu sắc rước qua. Người làng tập trung đông đảo tại ngôi đình cổ gần 400 năm tuổi, xem các cụ, các ông lễ thánh và dâng cất sắc phong. Ai nấy phấn khởi, nhiều người làng ở xa về hưởng ứng, nhiều nhóm chị em người làng làm dâu ở các địa bàn lân cận cũng về dâng lễ và giúp việc tổ chức. Trưởng thôn, Trưởng tiểu ban bảo vệ di tích thôn Tri Chỉ Lê Đăng Phát thì cảm động: Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt nhờ có sự phù trì của thánh thần linh thiêng, sự đoàn kết của các cụ, các ông, các bà… Còn Chủ tịch UBND xã Tri Trung Lê Hữu Cường thì cảm kích ghi nhận việc làm có tâm, có tầm, giàu ý nghĩa của nhà sưu tập nhằm giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Cường cũng không quên nhắc nhở và chắc chắn cũng là tự nhắc khi đề nghị bà con, ban bảo vệ di tích xã, tiểu ban của thôn có phương án tốt hơn để bảo vệ 22 đạo sắc mà xưa kia các vị vua đã ban cho thành hoàng làng, cho người dân Tri Chỉ.

Nhà sưu tập Đặng Vũ Khương, một người ít nói, đã có hơn 20 năm sưu tầm, trân trọng các hiện vật xưa cũ, thì cũng chân tình bộc bạch, rằng mình không biết chữ Hán Nôm, không phải là người nghiên cứu, nhưng dạo trước khi tình cờ thấy 22 bản sắc phong này ở một nơi bán đồ cũ, anh chỉ biết chắc chắn là rất quý nên đã mua lại. Cách đây hơn một tháng, anh có đăng lên diễn đàn Hội mê sắc phong thì nhận được liên hệ của người quê ở Tri Chỉ. “Tôi yêu văn hóa làng xã nên sẵn sàng trao tặng lại tất cả, với điều kiện, là bà con phải trân quý, phải có sự tổ chức đón nhận của địa phương”, anh Khương bộc bạch. Và khi được hỏi, nếu có những địa phương khác nếu biết anh đã sưu tầm được sắc phong của họ, từng bị mất mát, thất lạc, tiếp tục liên hệ thì sao, anh khẳng định: Sẵn sàng trao tặng lại, dù giá trị vật chất của sắc phong hiện giờ cũng rất cao.

3/Đình làng Tri Chỉ thờ sáu vị thần từng có công đánh giặc, phù trợ và dạy dân nghề áo tơi lá. 22 bản sắc phong được trao về với đình và người dân Tri Chỉ gồm: 8 sắc phong năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), 4 sắc phong năm Tự Đức thứ 3 (1850), 1 sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), 2 sắc phong năm Thành Thái thứ 1 (1889), 1 sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 6 sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924). Một trong số đó có nội dung như sau: “Sắc cho: Thanh Lãng Linh Lang chi thần, giữ nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng. Năm Minh Mệnh thứ 21 đúng kỳ đại khánh ngũ tuần của Thánh Tổ Nhân hoàng đế ta, đã kính vâng bảo chiếu ra ơn, lễ nghi long trọng tăng thêm phẩm trật. Nay Trẫm cả nhận mệnh trời, nhớ tới phúc thần, nên gia tặng là Thanh Lãng Hựu Chính chi thần. Vẫn cho xã Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên thờ phụng như cũ. Thần hãy phù hộ, che chở cho dân ta. Kính đấy!”. Sắc được thảo ngày 24 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), đọc nội dung đã thấy gọi lên cả sự thiêng liêng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, người xưa nói “Sắc tại như như thần tại”, nay sắc phong cần được giữ gìn một cách trang nghiêm, trang trọng, vì đó là đại diện cho nhân dân.