Tránh sử dụng bản sao sắc phong thiếu chính xác

Việc sao chép, phục hồi di vật, cổ vật, trong đó có sắc phong phải căn cứ trên cơ sở nghiên cứu khoa học và các quy định của pháp luật. Khi mà sắc phong đang tiếp tục được sao chép, làm lại hay phục hồi thì việc phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan chức năng với các ban quản lý di tích là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Việc nghiên cứu và sao chép sắc phong phải trên cơ sở khoa học và theo quy định của pháp luật.
Việc nghiên cứu và sao chép sắc phong phải trên cơ sở khoa học và theo quy định của pháp luật.

1/Ngày 29/12/2021, ông Trần Văn Cường, thủ nhang phủ Vân Cát (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng địa phương. Đơn cho rằng, có biểu hiện sai nguyên tắc, không khách quan, mang tính chất phiến diện, không đúng với giá trị về lịch sử trong việc thống kê một số hiện vật cùng các tài liệu liên quan đến các di tích trong quần thể Phủ Dầy do Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định lập để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các hiện vật được nhắc tới gồm bia đá, sắc phong, tập ảnh khảo tả, lý lịch, câu đối đại tự, tượng pháp, cỗ ngai…

Từ kiến nghị trên và quá trình làm việc với ông Cường ngày 6/1/2022, ngày 10/1/2022, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, bảo tàng tỉnh và UBND huyện, khẳng định giá trị các hiện vật nêu trên. Qua đó đề nghị sớm khảo sát thống kê các hiện vật chưa được thống kê tại phủ Vân Cát để bổ sung vào cuốn Lý lịch di tích và cuốn Tư liệu Hán Nôm Khu di tích kiến trúc nghệ thuật xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Theo văn bản gọi ra thì khu di tích gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Liễu Hạnh.

Những văn bản nêu trên gợi lên nghi vấn về kết quả thiếu chính xác, sự thiếu trách nhiệm khi Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh tiến hành khảo sát thống kê hiện vật. Cho thấy có dấu hiệu không thống nhất, không thỏa đáng giữa ban quản lý của tỉnh với nhà đền. Còn ở cấp huyện - “trung gian” thì có xu hướng “nghiêng” về phía nhà đền.

2/Đó cũng là một phần lý do cho những tìm hiểu tiếp theo làm rõ thêm vấn đề. Ngày 22/1/2022, tổ công tác của Bảo tàng tỉnh Nam Định đã về phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại phủ Vân Cát ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Kết quả cuộc khảo sát này tiếp tục… “không chiều lòng” nhà đền và Phòng Văn hóa và Thông tin khi giá trị của nhiều hiện vật không được đề cao như mong muốn ở cơ sở.

Đặc biệt với riêng trường hợp các bản sắc phong thì theo nghiên cứu của TS Chu Xuân Giao, nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 18 bản gọi là sắc phong trong số các hiện vật ở phủ Vân Cát chỉ là 18 tờ tư liệu viết chữ Hán Nôm được bảo quản trong hòm đựng sắc phong tại đây. TS Chu Xuân Giao đã nhận xét rất thẳng thắn, đó là, 18 tờ tư liệu đều không phải là bản gốc mà được ngụy tạo, làm nhái, làm giả sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ 21.

Trong số 18 tờ tư liệu trên, chỉ có một tờ không đóng dấu của vua và được ghi chú là văn bản mới làm. Còn lại 17 tờ, được xác định đã dùng dấu giả của ba triều đại: Nhà Lê - dấu Sắc mệnh chi bảo, nhà Tây Sơn - dấu Tiên nhu chi bảo, và dấu nhà Nguyễn - Sắc mệnh chi bảo. 17 tờ này dựa theo tài liệu năm 1938 vốn đã có dấu hiệu ngụy tạo, nhưng lại thêm bớt, hoặc lấy ở chỗ khác vào. Có tờ ghi niên đại Dương Hòa 8 (năm 1642) với địa danh “Nam Định tỉnh”, trong khi thời điểm đó chưa có địa danh này. Có tờ lại ghi niên đại “ngày 27 tháng 1 năm Cảnh Hưng 1” (1740), nhưng thực tế năm Cảnh Hưng được bắt đầu từ ngày 21 tháng 5 âm lịch… Báo cáo của tổ công tác đã khẳng định: Nội dung của các tờ tư liệu này có nhiều điểm ngụy tạo, sai lệch lịch sử, không có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Vì vậy cơ quan chuyên môn đã không đưa vào cuốn Lý lịch di tích cũng như Bản thống kê hiện vật khi xây dựng hồ sơ di tích năm 2020.

3/Tuy vậy, cho đến thời gian qua, vẫn có những ý kiến từ cơ sở thể hiện sự không đồng tình với những nội dung khảo sát, nhận định trên. Điều này gợi lên những băn khoăn về cách hiểu đối với việc sao chép hiện vật, cũng như cho thấy hiệu quả còn thấp trong việc tuyên truyền về quy cách, phương thức sao chép cho cấp cơ sở.

Điều cần chú trọng ở đây là phải căn cứ trên quy định của pháp luật về di sản văn hóa, với những nội dung liên quan đến việc làm bản sao di vật, cổ vật, trong đó có sắc phong. Theo đó, việc làm bản sao là để tránh sự biến dạng, sai lệch nội dung, lịch sử của di vật, cổ vật; cũng như tránh để bị hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Trước kia cho đến hiện nay, vẫn có việc sao chép các bản sắc phong nhằm giữ gìn lâu dài, do các bản gốc bị ẩm mốc, mối mọt theo thời gian, hoặc bị mất mát, thất lạc nhiều. Pháp luật quy định việc sao chép phải căn cứ từ những hiện vật, tài liệu chính xác, được nghiên cứu bảo đảm độ tin cậy. Ngay cả việc khai thác tài liệu từ các kho lưu trữ của các cơ quan chuyên môn để tiến hành sao chép thì vẫn cần có sự nghiên cứu, đánh giá về giá trị, tính chân thực của tài liệu. Trường hợp những tờ tư liệu Hán Nôm trên ở phủ Vân Cát tại Nam Định là một thí dụ đáng tham khảo cho các đình, đền, ban quản lý di tích khi muốn sao chép, làm lại những bản sắc còn đang lưu giữ; hoặc mô phỏng lại các bản sắc phong mà địa phương mình đã để thất lạc.