Đọc sách

“Trăng ướt” của Trần Gia Thái

Bằng tập thơ “Trăng ướt”, Trần Gia Thái muốn khẳng định: Thơ nói chung và thơ tình nói riêng, còn rất tiềm tàng. Vấn đề còn lại của mỗi thi sĩ là khai thác và thể hiện như thế nào, theo cách nào mà thôi.

Hồi mới 23 tuổi, tôi có viết một bài thơ tình. Cả bài thơ thì tôi quên, nhưng có một câu thì tôi nhớ đến tận bây giờ: “Nhưng anh vui vì biết lại sắp buồn”. Ngay từ hồi ấy, tôi đã nghĩ: Tình yêu là một hiện tượng đẹp nhưng buồn. Và ngược lại. Sau nhiều năm, tôi vẫn nghĩ như thế và quan niệm như thế. Đến “Trăng ướt” (NXB Hội Nhà văn tháng 10-2016), quan niệm về tình yêu của nhà thơ Trần Gia Thái, xem ra còn quyết liệt và cụ thể hơn: Yêu là một sự ép xác. Bởi thế mà trong bài “Kể em nghe chuyện Đà Lạt”, ông mới mượn hoa để nói về người, mới viết những câu thơ nao lòng đến thế này:

Hoang dại sườn non hoa bất tử

Bông hoa ép xác mà yêu

Nhành hoa khô ngỡ mình vĩnh cửu

Cánh rưng rưng xao xác nắng chiều…

Cảm giác về tình yêu trong Trần Gia Thái, cũng lạ. Với ông tình yêu không có chuyện cũ, chuyện già và càng không có chuyện quên. Cho nên mới có chuyện: “Hình như cũ về mới đến tinh khôi; Càng nói quên càng thăm thẳm nhớ” (Làm sao quên được); “Duy chỉ có trái tim/ Già không sao bén được” (Nhờ con tim như thế). Với ông, tiên quyết và quan trọng nhất là “Ta đọng gì trong ta” (Phút chuyển mùa) kia! Với ông, bản chất tình yêu là vĩnh cửu, không có chuyện chia ly hay sum họp, được hay mất: “Chân thành như cỏ cây/ Dịu mềm hơn nước mắt/ Đừng hỏi câu được mất/ Không là hết/ Không là dứt” (Trăng ướt).

Có khoảnh khắc, Trần Gia Thái cũng giúp cho những lứa đôi phân biệt sự khác nhau căn bản giữa “cái lạnh bên ngoài” và “cái lạnh bên trong”, giữa “giống người” và “giống chim”. Rõ ràng, khi chim gặp rét thì chim trốn rét, còn người (khi đang yêu) thì người chịu rét và mong có người để “chịu rét” cùng. Một không gian tình yêu tưởng chừng như đối nghịch, mâu thuẫn ấy, đã được tạo dựng thật bí ẩn và có phần thuận chiều: “Im ắng lạ im ắng như cõi tịch/ Hồ Tây sương không vệt bóng sâm cầm/ Chim trốn rét còn người chịu rét/ Có ai về chia lạnh với tôi không?”.

Một không gian tình yêu khác trong “Lam xanh” được tạo dựng theo kiểu khác, thật mê đắm, thi sĩ kết thành những khoảng xanh ngỡ như không bao giờ dứt: “Rồi trời lam nữa lam con mắt/ Xanh cũng về đây xanh chứa chan/ Bâng khuâng tôi ngả vào mây trắng/ Ríu rít ngày rơi xanh lang thang…”.

Trong “Trăng ướt”, Trần Gia Thái có một bài thơ thật lạ mang tên “Hai người”:

Người đi người không nhớ

Người về người không mong

Có hai người dưng lẻ

Thuê chung một căn phòng

Rồi một hôm cửa đóng

Cả hai đi không về

Căn phòng thay khóa mới

Lại hai người khác thuê...

Khi bình bài thơ này, nhà văn Văn Chinh - một người am tường thơ, viết: “Hình như có sự lo âu, bất an trước suông nhạt của tình người, của thản nhiên thoáng qua: “Người đi, đi không nhớ/ Người về, người không mong”. Có một người đứng tuổi, cứ lo lắng bất an trước cái nôi tình yêu bị cửa đóng then cài; nhìn ngó cho đến khi nó bị thay khóa mới, người đứng tuổi vẫn chưa hết bất an. Đó phải chăng là cái nhìn phụ huynh đối với tình yêu đương thời? Tôi tiếp nối cái nhìn ấy và tự nhiên lây nhiễm niềm day dứt bất an, làm thế nào để gắn kết sự dưng lẻ? Làm thế nào để cứu vãn và liệu có thể cứu vãn được chăng? Tôi không biết chắc, chỉ chắc chắn rằng, con người sẽ tự giải thể và giải thể lẫn nhau nếu cứ dưng lẻ, nếu không còn yêu nhau”.

Trong “Trăng ướt”, tôi đặc biệt chú ý bài “Kiếp sen”. Có lẽ phải rất hiểu về đời sen, có trải nghiệm sen, nhất là khi chứng kiến đoạn kết thúc của sen ở cuối mùa thu, Trần Gia Thái mới thốt lên:

Sen đấy ư

Đám tang hồ hay đám tang mùa thu

Mong manh thế kiếp sen lầm lũi

Ta chết lặng trước sen hồ đang lụi

Nghe hoang vu tiếng nước khóc lên trời…

Trong cái cảnh hoang tàn, đổ nát ấy, Trần Gia Thái khuyên:

Đừng tìm sen vào mùa thu nữa

Thu của nỗi buồn đục ruỗng trái tim nhau…

Qua “Kiếp sen”, Trần Gia Thái muốn em (hoặc anh) hãy gặp nhau vào thời điểm đẹp đẽ nhất, bừng rộ nhất, tức là “đợi qua xuân”, “chờ hạ tới” để thấy được và cộng vào vẻ đẹp “nồng nàn sắc lửa” của hoa sen, của tình yêu. Đây cũng là một cách nhìn nhân bản trong tình yêu.