Cũng về vấn đề này, sau khi báo Nhân Dân cuối tuần số 32 (phát hành từ ngày 3/8/2023) đăng bài "Lại băn khoăn về sách giáo khoa mới", tòa soạn đã nhận được một số ý kiến phản hồi tích cực của bạn đọc, trong đó có những kiến nghị cơ quan chức năng cần tạo cơ chế để chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện một cách đúng đắn.
Nguy cơ về sự hỗn loạn trên thị trường
Trao đổi ý kiến với phóng viên thực hiện bài viết, PGS, TS Vũ Nho, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa vào lúc này rõ ràng là đi ngược lại Nghị quyết 122 của Quốc hội khóa XIV, đồng thời không phù hợp thực tế và dễ dẫn đến hậu quả to lớn là xóa bỏ xã hội hóa, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực sách giáo khoa như trước đây, với rất nhiều hệ lụy. "Chúng tôi đã khảo sát và xem xét kỹ ý kiến của nhiều nhà quản lý, các nhà chuyên môn và giáo viên; bản thân chúng tôi cũng đã từng tham gia biên soạn chương trình và thẩm định sách giáo khoa, thì cơ bản đều thống nhất quan điểm, việc đề xuất làm một bộ sách mới lúc này là không phù hợp, vừa tốn kém, vừa phiền phức và tạo ra sự hỗn loạn thị trường sách giáo khoa", vị chuyên gia này lo ngại.
Trong bản báo cáo giải trình do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ký, đã đánh giá: Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa có kết quả tích cực. Sau bốn năm thực hiện, cả nước có sáu nhà xuất bản và ba tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Trước đó, đề cập vấn đề này, cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thông tin: "Nếu quay lại chỉ một bộ sách giáo khoa, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho hệ thống sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua".
Bảo đảm đủ sách giáo khoa cho năm học mới
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục" hồi cuối năm ngoái, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đưa ra số liệu, "tính riêng về biên soạn sách giáo khoa ước tính cần đến hơn 300 tỷ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn giáo viên. Nếu tính cả chi phí khác nữa sẽ khoảng 400 tỷ đồng/bộ, như vậy ba bộ rơi vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng". Vậy, tại sao không xã hội hóa để phá thế độc quyền và giảm gánh nặng này cho Nhà nước?
Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ, tại thời điểm ấy, tuy còn không ít ý kiến băn khoăn về chất lượng một số sách giáo khoa, song tựu trung vẫn nhận định, một số sách giáo khoa biên soạn lần đầu khó tránh khỏi việc còn "sạn", nhưng cơ bản vẫn đáp ứng đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các đơn vị biên soạn đã biết lắng nghe, tiếp thu, có giải pháp sửa chữa, hoàn thiện sách giáo khoa, hướng tới học sinh, hướng tới chất lượng giáo dục như chúng ta đã thấy.
Bên cạnh đó, vấn đề dư luận cũng rất quan tâm thời gian qua là giá sách. Quan ngại xã hội hóa có thể dẫn tới giá sách tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phận người thu nhập thấp đã được thực chứng. Song, theo nhiều chuyên gia, vấn đề giá sách tăng so giá sách trước đây, cần nhìn nhận khách quan bởi còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, trong đó, yếu tố thị trường đóng vai trò quyết định: từ giá nguyên vật liệu, chi phí "đầu vào" tăng cao cho đến mọi chi phí, kể cả kinh phí tập huấn giáo viên, đều do doanh nghiệp tự chi trả, thêm nữa sản phẩm sách giáo khoa mới có kích thước, chất lượng in ấn hơn hẳn sách cũ. Và theo quy luật khách quan, khi phá thế độc quyền, nhiều chủ thể tham gia, tự thị trường sẽ kiểm soát giá cả. Chúng ta cũng không nên nhầm lẫn sách giáo khoa với sách tham khảo, và nói không với hiện tượng phát hành sách combo kiểu "bia kèm lạc" như báo chí đã phản ánh.
Riêng vấn đề làm sao bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, Nhân Dân cuối tuần cũng đã từng đề cập, kiến nghị ngành giáo dục và các địa phương cần triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ với các đối tượng ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Được biết, tại thời điểm này ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa trang bị được đầy đủ sách giáo khoa và một số trang thiết bị dạy học cần thiết. Do đó, việc cần làm ngay, khi năm học mới đang cận kề, là bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa theo đúng lựa chọn của giáo viên và học sinh. Thiết nghĩ, ngành giáo dục và các cơ quan hữu trách cần tạo điều kiện cho các nhà xuất bản, các công ty thiết bị giáo dục đẩy nhanh tiến độ cung ứng sách tới các cơ sở giáo dục, để kịp thời phục vụ nhu cầu tối thiểu của học sinh trong năm học mới!