Tình trạng khẩn cấp

Khủng hoảng nhân đạo, chính trị, nguy cơ tái diễn xung đột và khủng bố đã đặt nhiều nước trên thế giới vào tình trạng khẩn cấp.
0:00 / 0:00
0:00
WHO cảnh báo tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại dải Gaza.
WHO cảnh báo tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại dải Gaza.

1. Theo Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, Abdoulaye Bathily, những mâu thuẫn về luật bầu cử và việc thành lập chính phủ mới có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng chính trị khác ở Libya. Ông Bathily nhận định: Việc Ủy ban hỗn hợp 6+6 hoàn thiện luật bầu cử giúp tạo cơ hội phá vỡ thế bế tắc hiện nay ở Libya. Tuy nhiên, Hội đồng Nhà nước cấp cao lại bác bỏ các sửa đổi do ủy ban này vừa đưa ra, khiến cho quá trình một lần nữa có nguy cơ đổ vỡ.

Ông Bathily đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc can thiệp để ngăn chặn nguy cơ xung đột bạo lực, trong trường hợp có bên đơn phương bổ nhiệm chính phủ cũng như thúc đẩy các bên ở Libya tham gia đối thoại. Ông cũng kêu gọi tất cả các đối tác quốc tế của Libya ủng hộ quá trình bầu cử, vì đây là cách duy nhất để thành lập tại đất nước này những thể chế hợp pháp vì tương lai hòa bình, thống nhất, ổn định và thịnh vượng.

2. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Tình trạng nhân đạo khẩn cấp tại dải Gaza do xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel leo thang. Giám đốc khu vực đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed Al-Mandhari nhấn mạnh: Các đoàn xe viện trợ đang mắc kẹt ở cửa khẩu Rafah tại biên giới với Ai Cập cần phải được phép vào dải Gaza, trong bối cảnh nước, điện và nhiên liệu tại dải Gaza đang cạn kiệt. Hiện cửa khẩu Rafah là điểm duy nhất lưu thông giữa dải Gaza với bên ngoài mà không nằm trong tầm kiểm soát của Israel. Trước tình hình này, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, đã lên đường tới Trung Đông vào ngày 17/10 để giúp đàm phán về bảo đảm tiếp cận cứu trợ cho dải Gaza.

Trong khi đó, nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông, Ai Cập lên lịch tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Gaza vào ngày 21/10. Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập nêu rõ: Không có giải pháp nào cho sự nghiệp của người Palestine ngoại trừ giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh Cairo phản đối việc di dời người dân ở dải Gaza hoặc những nỗ lực giải quyết vấn đề Palestine bằng cái giá phải trả của các quốc gia láng giềng.

3. Giám đốc phụ trách vấn đề tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Vitor Gaspar dự đoán nợ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Theo báo cáo Giám sát tài khóa mà IMF mới đưa ra, trong năm 2022, nợ toàn cầu ở mức 235.000 tỷ USD, tương đương 238% GDP toàn cầu. Theo ông Gaspar, lãi suất cao đã đẩy chi phí cho vay lên cao, là yếu tố chính khiến nợ công tăng cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế chủ chốt. Ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí trả lãi cho các khoản nợ công hiện ở mức 2,4% GDP, so mức 2,1% của năm 2019. Các nền kinh tế mới nổi cũng chứng kiến xu hướng tương tự khi tỷ lệ này đã tăng từ 2,1% GDP trong năm 2019 lên 2,5% GDP trong năm 2023.

Tuy nhiên, bất chấp rủi ro nợ ở mức cao, IMF dự báo ít có nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ toàn cầu "mang tính hệ thống". Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong thời gian dài nhằm kìm hãm lạm phát có thể gây rủi ro cho các quốc gia vốn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nợ.

4. Bỉ đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng ở sân vận động King Baudouin ở thủ đô Brussels tối 16/10 khiến hai công dân Thụy Điển thiệt mạng. Trung tâm xử lý khủng hoảng của Bỉ khuyến cáo người dân không nên di chuyển tới thủ đô khi không cần thiết. Một đối tượng là nam giới, tự nhận là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công này.

Tình trạng khẩn cấp ảnh 1
Bỉ nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo đã gửi lời chia buồn chân thành tới người dân Thụy Điển và nêu rõ cuộc chiến chống khủng bố là cuộc chiến chung của hai quốc gia này. Thụy Điển cũng gửi tin nhắn khuyến cáo đến toàn bộ các công dân nước này tại Bỉ, nhằm nâng cao cảnh giác trước những nguy cơ tấn công. Chính phủ Pháp cũng siết chặt kiểm soát tại biên giới với Bỉ sau vụ tấn công trên.