1 Mới đây, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức tại Bình Định, với sự tham gia của 78 đoàn cùng 1.300 võ sư, võ sinh. Trong đó, 16 đoàn võ thuật đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, 29 đoàn võ thuật thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước và 33 đoàn đến từ quê võ Bình Định. Chương trình thu hút đông đảo khán giả trong nước và quốc tế tới giao lưu tại năm địa điểm, gồm chùa Long Phước (huyện Tuy Phước), chùa Thiên Hưng (thị xã An Nhơn), Thiền viện Thiên Hưng (huyện Phù Cát), đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng (huyện Tây Sơn) và Quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Quy Nhơn).
Năm nay, các đoàn tham dự đã có sự chuẩn bị công phu, nhằm giới thiệu những nét đặc sắc, tinh hoa của từng môn phái võ, như quyền-binh khí cá nhân và tập thể, đối luyện, các tiết mục nội công, khí công, dưỡng sinh... Những buổi biểu diễn, giao lưu giữa các đoàn võ thuật tại sự kiện không chỉ đem đến những đường quyền, bài võ đẹp, thể hiện nét tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam, mà còn lan tỏa tinh thần võ đạo, tình yêu và sức sống mãnh liệt của bộ môn này.
Theo chia sẻ của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định Tạ Xuân Chánh, Ban tổ chức đã nỗ lực sắp xếp chương trình giao lưu giữa các võ đường tiêu biểu của địa phương đan xen cùng các đoàn trong và ngoài nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho tất cả tìm hiểu thêm về nét đặc trưng của võ Bình Định, đồng thời giúp lan tỏa sâu rộng thương hiệu "Miền đất võ".
2 Những năm gần đây, võ cổ truyền Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ở hơn 50 quốc gia, được quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Trong nước, võ cổ truyền được tập luyện ở 58 đơn vị, địa phương, trong đó có hơn 40 tổ chức Hội, Liên đoàn cấp tỉnh, thành phố, bộ, ngành với hơn 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, câu lạc bộ với hơn 100 môn phái, võ phái...
Thực tế, với số lượng ngày càng nhiều võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền được thành lập và phát triển rộng khắp trong cả nước, nhiều vận động viên đã tham gia thi đấu các bộ môn khác nhau và giành thành tích cao. Có thể kể đến sáu tấm huy chương vàng của Kun Bokator hay năm huy chương vàng Kun Khmer tại SEA Games 32 đều có được nhờ sự xuất sắc của các vận động viên võ cổ truyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần nhận thức rõ những khó khăn, tồn tại. Dù giành được nhiều thành tích ở những môn võ khác, việc võ sĩ quá thiên lệch về một mảng đối kháng hoặc biểu diễn cũng là vấn đề phát sinh. Kế đến, công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của võ cổ truyền còn hạn chế. Một số địa phương chưa ưu tiên đầu tư phát triển võ cổ truyền trong trường học theo quy định... Dù là môn thể thao có truyền thống và giàu tiềm năng, nhưng sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam tới nay vẫn chưa được như kỳ vọng.
3 Theo Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, để khắc phục những hạn chế, cần nhìn nhận rõ những vấn đề tồn tại của phong trào võ cổ truyền Việt Nam trong suốt 10 năm qua và phải đánh giá thẳng thắn kết quả triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Từ đó, chúng ta mới có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và bàn về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới.
"Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển môn võ cổ truyền, coi bộ môn này là một phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, cần số hóa trong công tác quản lý chuyên môn và phân cấp hệ thống các giải đấu. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống quản lý trình độ chuyên môn các võ sinh từng cấp thông qua cấp mã số định danh chuyên môn cho võ sinh, góp phần nhận diện từng võ sinh từ đầu; số hóa quản lý chuyên môn đối với võ sinh, vận động viên; rà soát hồ sơ nhân sự và đánh giá trình độ chuyên môn bằng mã định danh; cần thiết phải xây dựng hệ thống thi đấu các giải theo đúng cấp độ có sự ràng buộc về chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên…
Với mục tiêu đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học, Phó Vụ trưởng Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Phương Loan nhận định: Đầu tiên, cần xây dựng giáo trình đồng bộ, phù hợp các đối tượng học sinh, sinh viên. Từ kinh nghiệm ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống, để có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, tâm huyết và trách nhiệm, cũng cần có một quá trình đào tạo bài bản, chứ không thể một sớm, một chiều. Muốn vậy, các địa phương cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đội ngũ được xem là "hạt nhân" trong việc gây dựng phong trào võ cổ truyền này có điều kiện phát triển.