Thương hiệu Việt tiến ra thế giới

Ngày 12/5/2023, nhà sản xuất ô-tô điện đầy triển vọng của Việt Nam, VinFast đã công bố kế hoạch niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ thông qua việc sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition Co (Black Spade - niêm yết trên sàn NYSE với mã chứng khoán BSAQ) và Công ty Nuevo Tech Limited (Nuevo Tech). Đây được coi là một trong những cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới của VinFast và mở ra cơ hội cho quá trình phát triển toàn cầu của Tập đoàn VinGroup.
VF e35 và e36 chính thức được ra mắt tại Sự kiện Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021. Ảnh: VINFAST
VF e35 và e36 chính thức được ra mắt tại Sự kiện Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021. Ảnh: VINFAST

Chinh phục thị trường quốc tế bằng nội lực

Black Spade là công ty được thành lập theo mô hình công ty mua lại đặc thù, hay còn gọi là SPAC (Special Purpose Acquisition Company). Các SPAC huy động vốn, sau đó thực hiện việc sáp nhập, trao đổi, mua lại tài sản, cổ phần, tổ chức lại hoặc kết hợp kinh doanh với một hoặc nhiều doanh nghiệp khác.

Theo hãng tin CNBC, sau khi sáp nhập, công ty mới có giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD và giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2023 sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện khác theo thông lệ. Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% cổ phần của công ty hợp nhất.

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thông qua sáp nhập với SPAC đang trở thành xu thế trong thời gian gần đây, đặc biệt đối với các công ty công nghệ khởi nghiệp (Startup) và các công ty công nghệ ô-tô (EV) mới gia nhập thị trường. Thời gian vừa qua, hàng loạt các công ty EV như Microvast, Faraday Future, Nikola Corp và Lucid đã thực hiện huy động vốn thành công bằng phương thức này.

Mới thành lập năm 2017 nhưng VinFast đã nhanh chóng ra mắt thị trường những chiếc xe đầu tiên chỉ sau hơn hai năm kể từ khi triển khai xây dựng nhà máy tại Hải Phòng. Đến cuối năm 2021, VinFast giới thiệu chiếc xe ô-tô điện đầu tiên và cuối năm 2022, VinFast dừng việc sản xuất ô-tô chạy xăng, chuyển thành nhà sản xuất công nghệ xe điện. Cuối năm 2022, Vinfast bắt đầu thực hiện chiến lược chinh phục thị trường Mỹ bằng những chiếc xe ô-tô điện đầu tiên được bán tại bang California. Vào tháng 12/2022, VinFast đã nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) để niêm yết trên Nasdaq với mục tiêu huy động vốn xây dựng nhà máy tại Mỹ. VinFast cho biết, công ty đã có gần 55.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu và có năng lực sản xuất 300.000 xe ô-tô điện mỗi năm.

Với mục tiêu xây dựng VinFast thành một thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng VinGroup đã nỗ lực hỗ trợ toàn diện để VinFast phát triển và chinh phục thế giới. Tính đến cuối năm 2022, các chủ sở hữu và bên cho vay đã đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD để tài trợ chi phí hoạt động và chi phí vốn cho VinFast. Gần đây, vào tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup tuyên bố hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Bên cạnh đó, VinGroup cũng tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm. Khoản tài trợ và cho vay trị giá 2,5 tỷ USD sẽ tiếp sức cho VinFast trong giai đoạn tăng tốc phát triển nhằm ghi dấu ấn thương hiệu Việt Nam trên thị trường xe điện thế giới. Ông Vượng cũng mong rằng, sự thành công của VinFast sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp, công nghệ Việt Nam phát triển, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi sản xuất xanh trên toàn cầu.

Theo ông Dennis Tam, Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc điều hành Black Spade Acquisition Co, “VinFast đã chứng tỏ khả năng vận hành xuất sắc của mình bằng cách xây dựng một cơ sở sản xuất lên tới 300.000 xe ô-tô điện mỗi năm với đầy đủ các chủng loại, thiết kế đẹp mắt và chất lượng cao chỉ trong vài năm. Với sự hỗ trợ của VinGroup, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, VinFast có nền tảng rất tốt để tận dụng xu hướng lối sống EV và chúng tôi rất vui mừng về tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của VinFast tại Việt Nam và trên toàn cầu”.

Bên cạnh VinGroup, các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ vươn ra thế giới. Chẳng hạn như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn nhất Việt Nam và mở rộng hoạt động kinh doanh tại 10 quốc gia khác, phục vụ hơn 58 triệu khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ di động, internet băng rộng, điện thoại cố định và không dây. Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đưa sản phẩm đến 57 thị trường quốc tế với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế hàng tỷ USD, trở thành một trong mười thương hiệu sữa “đắt giá” nhất toàn cầu. Còn nhiều doanh nghiệp khác như Tập đoàn Hòa Phát, Trường Hải... cũng đang trên con đường chinh phục thị trường quốc tế bằng chính nội lực của mình.

Thương hiệu Việt tiến ra thế giới ảnh 1

Gian hàng của VinFast hút khách ở Paris Motor Show 2022.

Để thương hiệu Việt cất cánh

Nói đến thương hiệu là nói đến tổng hòa các yếu tố để thu hút người tiêu dùng, tạo thành một cộng đồng có chung nhu cầu và chung trải nghiệm về sản phẩm. Càng ngày, các doanh nghiệp càng chú trọng tới vai trò, trải nghiệm của người tiêu dùng trong việc phát triển thương hiệu. Cảm nhận của người tiêu dùng về thương hiệu góp phần định hình thương hiệu và hình thành nên giá trị của doanh nghiệp.

Ngay từ thập niên 60 thế kỷ trước, các doanh nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu thị trường, tìm hiểu hành vi người tiêu dùng đối với thương hiệu của mình để điều chỉnh chiến lược marketing. Đến những năm 80, các chuyên gia marketing đã phát triển các phương pháp nghiên cứu thị trường nhằm tìm ra hoặc dự đoán các trào lưu tiêu dùng mới. Sự phát triển của internet đã mở ra cơ hội không giới hạn cho việc xây dựng và phát triển các thương hiệu mới, các trải nghiệm mới, chẳng hạn như các nội dung “viral” về thương hiệu (nghĩa là được lan truyền một cách rất nhanh chóng trên internet). Một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp đã đặt nhu cầu, mong muốn, trải nghiệm của “khách hàng mục tiêu” là cốt lõi của quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Cảm nhận của các khách hàng, đặc biệt là khách hàng mục tiêu, đã trở thành nhân tố quyết định sự thành công của thương hiệu. Như VinFast, thương hiệu ô-tô mới nổi trên thị trường xe điện thế giới có thể nhắm đến các khách hàng mục tiêu là thế hệ trẻ, năng động, với trải nghiệm một chiếc xe đầy công nghệ, mang thiết kế tương lai...

Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu còn phụ thuộc rất lớn vào đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện đại ngày càng khắt khe hơn về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, về việc tuân thủ các tiêu chí về môi trường trong quá trình sản xuất, cách ứng xử đối với người lao động hay nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ... Sự cảm nhận của người tiêu dùng về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có tác động rất lớn đến giá trị thương hiệu. Một thí dụ là Nike, thương hiệu sản phẩm thể thao hàng đầu thế giới. Vào năm 1996, thời báo Time của Mỹ đã đăng bức ảnh một cậu bé người Pakistan chỉ mới 12 tuổi đang ngồi khâu một quả bóng nhãn hiệu Nike. Ban đầu, Nike bác bỏ trách nhiệm trong vụ việc tai tiếng này. Tuy nhiên, truyền thông và các nhà hoạt động xã hội không bỏ qua vụ việc này. Họ đã phỏng vấn những người nổi tiếng như cầu thủ bóng rổ Michael Jordan về việc Nike sử dụng lao động trẻ em ở các nhà máy tại các nước thế giới thứ ba. Sau đó, doanh thu của Nike đã sụt giảm rất mạnh. Để khắc phục, Nike đã phải áp dụng một bộ tiêu chuẩn đạo đức liên quan tới nhân công và bảo vệ môi trường tại hơn 700 nhà máy trên khắp thế giới. Không chỉ thế, Nike còn có các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (thực hiện các chương trình phát triển hỗ trợ giáo dục, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Ngày nay, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội luôn gắn liền với hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong con mắt người tiêu dùng. Các thương hiệu có thể bị suy giảm uy tín, thậm chí bị tẩy chay nếu không có sự đồng nhất giữa thương hiệu (nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, dịch vụ...) và các cam kết về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội. Khi người tiêu dùng đã thiếu thiện cảm với thương hiệu vì những tác động đến môi trường, thiếu đạo đức kinh doanh thì doanh thu có nguy cơ sụt giảm, cùng với sự sụt giảm của giá trị thương hiệu, điều mà không doanh nghiệp nào mong muốn. Do đó, việc coi trọng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội - một bộ phận quan trọng cấu thành giá trị thương hiệu, sẽ là cơ sở để giúp các thương hiệu Việt cất cánh.